Không loại trừ có ca ngộ độc botulinum mới, khẩn xin nhập thuốc 8.000 USD
(Dân trí) - Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, không thể loại trừ việc tới đây sẽ phát sinh thêm các ca ngộ độc botulinum mới. Thuốc giải độc quý hiếm như BAT cần được dự trữ với tính chất dự phòng quốc gia.
Liên quan đến các chùm ca ngộ độc botulinum xảy ra trong thời gian gần đây tại TPHCM, ngày 23/5, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, 2 lọ thuốc giải BAT (có giá nhập khẩu 8.000 USD/lọ) mà nơi này hỗ trợ truyền cho 3 bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2, cũng là những lọ cuối cùng còn sót lại.
Do đó, khi TPHCM tiếp tục phát hiện thêm 3 ca ngộ độc botulinum khác (trong đó có 2 ca đang nằm tại Bệnh viện Chợ Rẫy), các bệnh nhân đã không còn thuốc giải độc tố đặc hiệu để điều trị.
Hiện tại, ba bệnh nhân chỉ có thể cầm cự bằng các biện pháp nuôi dưỡng, chăm sóc tích cực theo phác đồ điều trị không thuốc giải. Hai bệnh nhân ở Bệnh viện Chợ Rẫy (là anh em ruột) đã liệt cơ. Còn trường hợp người đàn ông 45 tuổi nằm tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định cử động được các ngón tay nhưng vẫn sụp mi mắt 2 bên, yếu cơ tứ chi, phải thở máy, điều trị kháng sinh, truyền dịch, nuôi ăn qua ống sonde dạ dày.
Lãnh đạo phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, không thể loại trừ việc tới đây sẽ phát sinh thêm các ca ngộ độc botulinum mới. Thuốc giải dùng càng sớm sẽ càng hiệu quả, giúp trung hòa botulinum còn lại trong máu, ngăn độc tố không tấn công vào hệ thần kinh và giảm triệu chứng nặng.
Trong ngành y, việc dự phòng tốt hơn điều trị, để khi phát sinh ca mới sẽ có ngay thuốc giải sẽ cứu được mạng người. Do đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã làm văn bản khẩn gửi Sở Y tế TPHCM và Bộ Y tế, trình bày tính cấp thiết trong việc mua sắm, nhập khẩu thuốc giải BAT điều trị cho những bệnh nhân hiện tại, cũng như dự phòng tình huống mới.
Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cho rằng, thuốc giải độc quý hiếm, đắt tiền như BAT cần được mua dự trữ như chương trình dự phòng quốc gia, có điều phối của nhà nước. Bởi nếu bệnh viện tự nhập thuốc về và để hết hạn, sẽ vừa gặp khó khăn về kinh phí, vừa dễ bị quy thành làm lãng phí.
Từ ngày 13/5, TPHCM đã ghi nhận 6 người (đều ngụ TP Thủ Đức) xuất hiện các triệu chứng của ngộ độc botulinum. 5 trường hợp đã ăn bánh mì kèm với một loại chả lụa bán dạo, người còn lại ăn một loại mắm để lâu ngày.
Trong 6 bệnh nhân, có 3 anh em ruột điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng 2 đã được truyền thuốc giải BAT. Các bệnh nhân còn lại đang điều trị cầm cự.
Phòng Y tế TP Thủ Đức cho biết, bước đầu cơ quan chức năng đã xác định được nơi sản xuất loại chả lụa mà các bệnh nhân ăn, là một cơ sở trên địa bàn phường Trường Thọ (TP Thủ Đức). Qua xác minh, cơ sở này mới hoạt động hơn một tháng, không có giấy phép.
Phòng Y tế TP Thủ Đức đã đình chỉ hoạt động cơ sở trên, đồng thời lấy mẫu chả lụa gửi đi xét nghiệm.