Khó thay thế vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem gây tai biến

Việc tìm nguồn vắc-xin thay thế đã được tính đến trong trường hợp Quinvaxem có vấn đề. Tuy nhiên, việc tìm một loại vắc-xin có giá tương đương trong thời điểm này là rất khó khăn, đồng nghĩa với việc phụ huynh vẫn phải đối mặt với rủi ro có thể gặp ở con em mình.

  
Ảnh chỉ có ý nghĩa minh hoạ
Không thể ngưng tiêm vắc-xin Quinvaxem vì không có vắc-xin chất lượng hơn để thay thế (Ảnh chỉ có ý nghĩa minh hoạ)

Vắc-xin của các nước nghèo

 

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, vắc-xin “5 trong 1”, Quinvaxem được Liên minh Toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) tài trợ từ tháng 6/2010 đến hết năm 2015 với nguồn tài chính khoảng 38,5 triệu USD. Hai năm rưỡi sử dụng vắc-xin Quinvaxem, Việt Nam nhập về khoảng 15 triệu liều và đã sử dụng khoảng 11 triệu liều.

 

Một chuyên gia y tế cho biết đây không phải là lần đầu tiên GAVI viện trợ vắc-xin cho Việt Nam, chỉ có điều khác với lần trước, lần này GAVI viện trợ bằng vắc- xin Quinvaxem chứ không phải tiền mặt. “Do vậy, không thể bổ sung ngân sách Nhà nước cùng với nguồn viện trợ để có thể mua một loại vắc-xin thế hệ mới có độ tinh khiết cao hơn”, chuyên gia này nói.

 

Cũng theo vị này, vắc-xin Quinvaxem được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng và hiện đang sử dụng phòng bệnh cho trẻ từ 2-4 tháng tuổi ở 90 quốc gia. Tuy nhiên, Hàn Quốc là nước sản xuất Quinvaxem đã không sử dụng vắc-xin này vì các chuyên gia cho rằng nó có chứa thành phần ho gà vắc-xin toàn tế bào (dùng xác vi khuẩn ho gà) dễ gây phản ứng cho cơ địa trẻ.

  

“Chúng tôi đi đâu cũng nghe người dân nói về chuyện này, người dân rất quan tâm và minh bạch về nguyên nhân các trường hợp tai biến mới giữ được chương trình tiêm chủng rộng không bị giảm sút”, một chuyên gia về vắc xin nói với Tuổi Trẻ.

Bản thân nhà sản xuất vắc-xin này cũng cảnh báo: “Việc tiêm liều tiếp theo của vắc-xin có chứa thành phần ho gà toàn tế bào phải được cân nhắc hết sức cẩn thận, nếu như mũi tiêm vắc xin DPT (sởi, quai bị, Rubella) có một hoặc nhiều dấu hiệu trong 48 giờ sau như sốt 40 độ C; đột quỵ hoặc sốc; khóc thét kéo dài hơn 3 giờ; co giật hoặc có hoặc không kèm theo phản ứng sốt trong phạm vi 3 ngày sau tiêm”.

 

Nói về các phản ứng liên quan đến vắc-xin “5 trong 1” Quinvaxem, nhà sản xuất cũng thông báo trong 4 thử nghiệm lâm sàng thực hiện ở 2.115 liều Quinvaxem đã được chủng ngừa ban đầu ở 730 trẻ sơ sinh khỏe mạnh sau 6 tuần tuổi cho thấy hiện tượng nhiễm độc tiêu hóa, rối loạn tại chỗ tiêm, rối loạn hệ thống thần kinh, tâm thần là các vấn đề thường gặp và rất thường gặp ở trẻ sau tiêm. Biểu hiện như tiêu chảy, nôn, phản ứng tại chỗ tiêm, sốt, rối loạn ăn uống, buồn ngủ, trẻ cáu kỉnh, viêm dây thần kinh ngoại biên, co giật…

 

Tuy vậy, nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực tiêm chủng cho rằng việc tìm một nguồn vắc-xin khác thay thế trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam là vô cùng khó khăn bởi giá Quinvaxem là 77.000 đồng/liều, trong khi các vắc-xin “5 trong 1” tương tự nhưng có thành phần ho gà vô bào, tinh khiết hơn có giá bán lẻ lên đến 550.000 đồng/liều.

 

Rủi ro nhưng khó bỏ

 

GS. TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, từng thừa nhận không có vắc-xin nào an toàn tuyệt đối và tỉ lệ phản ứng sau tiêm vắc-xin Quinvaxem thống kê ở Việt Nam là 0,69/1 triệu liều (tỉ lệ nặng) và 0,17/1 triệu liều (tỉ lệ tử vong).

 

Trong vòng hơn 2 tháng qua, có 7 trẻ tử vong, giới chuyên môn vẫn khẳng định “tỉ lệ tai biến nằm trong ngưỡng cho phép là 1/1 triệu mũi tiêm”. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nếu căn cứ vào tỉ lệ này với tổng số 4,5 triệu liều vắc-xin/năm chỉ được phép có tối đa 1 bé tử vong và tối đa là 4 ca nặng. Trong khi đó, mới trong 1 tháng, số phản ứng nặng sau tiêm vắc- xin đã tăng bất thường!

 

Theo PGS. TS Trịnh Quân Huấn, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, trong cuộc họp mới đây bàn về các yếu tố liên quan đến tai biến sau tiêm vắc-xin Quinvaxem, hội đồng chuyên môn xử lý tai biến sau tiêm (Bộ Y tế) đã quyết định ngừng sử dụng các lô vắc-xin có phản ứng nhiều. Đồng thời đề nghị gửi mẫu độc lập cho WHO và gửi 1 mẫu cho các nước có năng lực về xét nghiệm để xem tính chất các loại vắc-xin này có vấn đề gì khác thường hay không. “Chúng tôi cũng đề nghị một đoàn chuyên gia do Cục Quản lý dược phụ trách đến nhà sản xuất tìm hiểu quy trình sản xuất vắc-xin này” - ông Huấn nói.

 

Trước câu hỏi “nếu do chất lượng vắc-xin thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai”, một chuyên gia y tế cũng thừa nhận: “Chưa từng có tiền lệ về chuyện này nhưng nếu có xảy ra cũng rất khó để quy trách nhiệm. Việc ngừng tiêm vắc-xin này cũng rất khó khăn vì có thể  làm “vỡ” hệ thống tiêm chủng mở rộng đã ổn định. Còn việc từ chối nhận viện trợ bằng vắc-xin thì trong tương lai có thể sẽ khó khăn trong việc tiếp tục nhận nguồn viện trợ từ tổ chức này. Dự kiến, thời gian tới có thể GAVI sẽ viện trợ Việt Nam vắc-xin ngừa bệnh Rubella và tiêu chảy do Rotavirus”, vị này phân trần.

 
 

 Sàng lọc chặt chẽ trước khi tiêm

 

Để hạn chế các phản ứng sau tiêm vắc-xin, PGS. TS Trịnh Quân Huấn cho rằng vấn đề hiện nay là sàng lọc chặt chẽ trước tiêm và đặc biệt là theo dõi phản ứng sau tiêm, lưu ý với các phản ứng chậm vì có trẻ tử vong 96 giờ sau tiêm vắc-xin. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục yêu cầu kiểm định lại chất lượng các lô vắc-xin Quinvaxem liên quan đến các ca tai biến. Với các lô chưa ghi nhận các ca phản ứng nặng cũng sẽ được kiểm định thêm về chất lượng.

 

Theo Ngọc Dung

Người lao động