Khẩn cấp ứng phó với các chủng cúm H7N9 trên người

(Dân trí) - Nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả hàng biếu, cho, tặng là một trong những biện pháp ứng phó quyết liệt nhằm ngăn chặn nguy cơ cúm A/H7N9 xâm nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Thay mặt Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm (BCĐQG PCDCGC), Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã phê duyệt "Kế hoạch ứng phó khẩn cấp với các chủng vi-rút cúm nguy hiểm có khả năng lây sang người".

Theo Quyết định số 210/QĐ-BNN-TY ban hành ngày 14/2/2014, Bộ NN&PTNT chỉ đạo: Vi rút cúm A/H7N9 chủ yếu được phát hiện tại Trung Quốc (trên cả gia cầm và người) và nguy cơ xâm nhập vào trong nước qua gia cầm nhập lậu là rất cao; vi rút chưa gây bệnh lâm sàng trên động vật, phương pháp duy nhất là lấy mẫu để xét nghiệm xác định gia cầm mang trùng.Do đó, Bộ NN&PTNT chủ trì, tiếp tục triển khai các chương trình lấy mẫu giám sát trên gia cầm tại các tỉnh biên giới và các tỉnh có liên quan đến hoạt động vận chuyển, tiêu thụ gia cầm nhập lậu. Trước mắt tiếp tục triển khai giám sát cúm trên gia cầm bán tại các chợ gia cầm sống của 09 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên. Mở rộng giám sát tại các tỉnh biên giới phía Bắc còn lại nếu tỉnh Vân Nam của Trung Quốc có lưu hành vi rút cúm A/H7N9.

Cúm A/H7N9 diễn biến phức tạp ở Trung Quốc, trong đó có tỉnh giáp biên giới phía Bắc VN
Cúm A/H7N9 diễn biến phức tạp ở Trung Quốc, trong đó có tỉnh giáp biên giới phía Bắc VN

Bộ chỉ đạo nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả việc biếu, cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm chưa qua chế biến.

Cần tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, phương tiện vận chuyển hàng hóa qua lại đường biên giới. Không cho buôn bán, thu gom, tập kết, giết mổ gia cầm tại các khu vực đường biên và các khu kinh tế mở, nhằm tránh hiện tượng hợp thức hóa gia cầm, tạo thuận lợi cho việc kiểm soát.

Tăng cường năng lực ngành thú y nhằm ứng phó kịp thời: Tổ chức tập huấn cho thú y các địa phương về kỹ thuật lấy mẫu, bảo quản và gửi mẫu giám sát vi rút cúm A/H7N9; năng lực chẩn đoán, xét nghiệm; liên hệ với các phòng thí nghiệm tham chiếu quốc tế về bệnh cúm của WHO, FAO, OIE, Úc, Hoa Kỳ và Trung Quốc để cập nhật các quy trình kỹ thuật chẩn đoán xét nghiệm vi rút cúm A/H7N9 và các vi rút cúm khác (A/H5N1, A/H10N8, A/H5N2, A/H6N1).

Đối với chợ chuyên buôn bán gia cầm sống: Định kỳ đóng cửa chợ để tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, tiêu diệt mầm bệnh; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mỗi buổi chợ; vệ sinh và khử trùng phương tiện, dụng cụ vận chuyển, chứa đựng gia cầm; lưu giữ thông tin để truy xuất nguồn gốc (nơi bán, nơi tiêu thụ gia cầm); người buôn bán, vận chuyển và người mua gia cầm cần sử dụng khẩu trang, găng tay, ủng khi tiếp xúc gia cầm.

Đối với chợ có bán và giết mổ gia cầm: Phân tách riêng khu vực bán gia cầm sống và giết mổ gia cầm; vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực bán và giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm sau mỗi buổi chợ; vệ sinh và khử trùng phương tiện, dụng cụ vận chuyển, chứa đựng gia cầm, sản phẩm gia cầm.

Biện pháp đối với cơ sở giết mổ, điểm giết mổ gia cầm: Sử dụng bảo hộ lao động theo khuyến cáo của ngành y tế khi tiếp xúc và giết mổ gia cầm; không giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc; vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực giết mổ sau mỗi ca làm việc; vệ sinh và khử trùng phương tiện, dụng cụ vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm.

Tổ chức nghiên cứu phân tích và đánh giá chuỗi cung ứng gia cầm và sản phẩm gia cầm cho thị trường với đầy đủ các thông tin dịch tễ liên quan từ lò ấp - trang trại - người vận chuyển - chợ buôn bán, lò giết mổ - người phân phối - người tiêu dùng. Lập sơ đồ mạng lưới cung ứng gia cầm và sản phẩm gia cầm trong từng khu vực để phục vụ kế hoạch ứng phó khi cần.

Trong trường hợp phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên người tại Việt Nam, thực hiện các biện pháp bổ sung khuyến cáo của ngành y tế.

Cục Thú y (Bộ NNPTNT) lập kế hoạch và tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các Chi cục Kiểm dịch động vật vùng, Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố về bệnh cúm gia cầm A/H7N9, các biện pháp vệ sinh cá nhân và an toàn khi tiếp xúc với gia cầm, phương pháp lấy mẫu xét nghiệm, phương pháp xử lý gia cầm và địa bàn có gia cầm dương tính với vi rút cúm (chợ gia cầm sống, trang trại), hướng dẫn các biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng.

Cục Thú y lập kế hoạch và tổ chức tập huấn cho các phòng xét nghiệm thú y về kỹ thuật xét nghiệm vi rút cúm A/H7N9, đồng thời chỉ đạo toàn hệ thống thú y chuẩn bị đầy đủ điều kiện về vật tư, hóa chất, dụng cụ xét nghiệm, trang thiết bị và phương tiện để ứng phó trong các tình huống dịch khác nhau.

Huy động các phòng xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán thú y TW và các Cơ quan Thú y vùng tham gia vào công tác xét nghiệm cúm A/H7N9. Trong trường hợp cần thiết huy động thêm phòng xét nghiệm của các Trường Đại học Nông nghiệp và các Viện nghiên cứu liên quan.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế (WHO, FAO, OIE, EU, ASEAN, USAID, WB,...), các nước, đặc biệt là Trung Quốc để kịp thời nắm bắt thông tin, tranh thủ sự giúp đỡ, hợp tác về kỹ thuật, tài chính cho việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế theo dõi, nắm bắt tình hình bệnh cúm A(H7N9) trên người trên thế giới và trong nước, thiết lập đường dây nóng để trao đổi, chia sẻ thông tin.

BCĐQG PCDCGC là đầu mối chung, chỉ đạo quyết liệt việc triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó với cúm A/H7N9 trên gia cầm; định kỳ tổ chức họp giao ban trực tuyến với ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm cấp tỉnhl định kỳ cung cấp thông tin cập nhật về cúm A/H7N9 trên thế giới (hoặc trong nước) cho các cơ quan báo chí.

Theo thông tin mới nhất từ Cục Thú y, ch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 12 tỉnh bao gồm: Lào Cai, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Nam Định, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Phú Yên và Đăk Lăk. Trong đó có 10 tỉnh đã công bố dịch.

Cục Thú y cho biết, hiện nguồn vắc-xin dự phòng cho cúm gia cầm đảm bảo đủ cung cấp cho các tỉnh chống dịch. Điều quan trọng lúc này là các địa phương phải quyết định sớm vấn đề công bố dịch bệnh.


Thảo Nguyên