Loại đũa dễ nhiễm khuẩn nhất, dùng lâu có thể gây loét dạ dày
(Dân trí) - Đặc biệt là các đũa đã sử dụng hơn 6 tháng, tình trạng nấm mốc tăng lên 30% so với đũa mới và sử dụng dưới 3 tháng.
Trong văn hóa ẩm thực của người Việt Nam và nhiều nước châu Á, đũa đóng vai trò quan trọng và gần như là công cụ không thể thiếu.
Vì vậy, trên thị trường cung cấp nhiều loại đũa khác nhau để người tiêu dùng lựa chọn. Nhưng bạn có biết loại đũa nào ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều nhất không?
Loại đũa nguy cơ nhiễm khuẩn cao nhất
Một nghiên cứu của Đài Loan (Trung Quốc) đã phân tích về 4 loại đũa gồm: đũa tre, đũa nhựa, đũa gỗ và đũa inox. Kết quả phát hiện đũa inox là loại đũa sạch và chứa ít vi khuẩn nhất.
Trong khi đó, đũa tre và đũa nhựa có lượng vi khuẩn tương đương, lần lượt là 350 và 310 (vượt quá giá trị tiêu chuẩn là 200). Đũa gỗ có lượng vi khuẩn cao nhất, lên tới 600, cao gấp 3,3 lần so với giá trị tiêu chuẩn.
Trước đó, Hội đồng Người tiêu dùng Thượng Hải cũng đã thu thập 200 đôi đũa đã sử dụng từ các gia đình và 660 đôi đũa mới để kiểm tra.
Các vật liệu của đũa bao gồm: tre, gỗ, inox, melamine và hợp kim. Kết quả cho thấy, đũa tre và đũa gỗ có cấu trúc lỏng lẻo, bề mặt có rãnh và vân nứt, dễ ẩn vi khuẩn, nấm mốc.
Đặc biệt là các đũa đã sử dụng hơn 6 tháng, tình trạng nấm mốc tăng lên 30% so với đũa mới và sử dụng dưới 3 tháng.
Nhiều người chủ quan cho rằng, nấm mốc ở đũa chỉ cần rửa sạch là có thể sử dụng. Tuy nhiên, việc này chỉ làm trôi đi lớp nấm mốc bên ngoài. Trong khi đó, hệ thống sợi nấm rất lớn vẫn còn lại đã ăn sâu vào thân đũa, đồng thời chất độc cũng đã được sản sinh và tích tụ.
Ngoài ra, một cuộc khảo sát từ Phòng thí nghiệm Vi sinh, Bệnh viện Nhân dân tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) cũng chỉ ra rằng, nếu không vệ sinh đũa kỹ càng, có thể sinh ra nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như Helicobacter pylori, Salmonella gây viêm loét dạ dày, áp xe gan.
Bên cạnh đó, việc này cũng dẫn đến sự sinh sôi của E. coli và Listeria thường gây đau bụng, nôn mửa và buồn nôn.
Trong môi trường phù hợp, lượng vi khuẩn có thể tăng gấp đôi chỉ trong vòng 20 phút. Nếu vi khuẩn còn tồn tại trên đũa, việc dùng chung đũa hoặc đưa đũa vào món ăn cũng có thể gây lây lan vi khuẩn.
Các chuyên gia khuyên rằng, nên tiến hành khử trùng đũa mỗi tuần một lần và thay đổi đũa mỗi 6 tháng một lần.
Đũa inox và đũa nhựa cũng gây độc nếu không dùng đúng
Hai loại đũa này, mặc dù không dễ bị nấm mốc hay ẩm ướt nhưng nếu không vệ sinh đúng cách, chúng cũng có thể trở thành môi trường ưa thích cho vi khuẩn phát triển, thậm chí có thể tiết ra chất độc hại.
Tiến sĩ hóa học tại Đại học Quốc gia Đài Loan, Xie Jieyang, đã cảnh báo rằng, việc sử dụng miếng rửa kim loại để vệ sinh đũa inox có thể làm trầy xước bề mặt, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và làm giảm khả năng chống gỉ.
Sử dụng một miếng bọt biển mềm mại là phương pháp vệ sinh an toàn nhất. Ngoài ra, chuyên gia cũng khuyên nên thay đổi đũa thép không gỉ nếu bị trầy xước hoặc rỉ sét để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn khi ăn.
Mặt khác, đối với loại đũa melamine, mặc dù đẹp và giá thành rẻ nhưng khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, loại đũa này có thể tiết ra chất độc hại cho gan và thận.
Đồng thời, nếu sử dụng không đúng cách, đũa melamine cũng có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và tiết ra chất độc hại. Nếu vệ sinh không đúng cách, các chất độc hại có thể bong tróc và ngấm vào thực phẩm, gây hại cho sức khỏe như khó thở, tổn thương hệ thần kinh trung ương, tổn thương chức năng gan thận và thậm chí là ung thư.
Nói chung, việc lựa chọn và sử dụng đũa cần được chú ý và thực hiện đúng cách để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.