1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Dấu hiệu bất thường trong hoạt động của Nga qua cầu Crimea

Thành Đạt

(Dân trí) - Các nguồn tin cho biết các chuyến tàu quân sự của Nga không còn di chuyển qua cầu Crimea sau các cuộc tấn công nhằm vào công trình huyết mạch này.

Dấu hiệu bất thường trong hoạt động của Nga qua cầu Crimea - 1

Cầu Crimea (Ảnh: Sputnik).

Theo báo cáo gần đây của trang tin Independent, Nga đã ngừng sử dụng cầu Crimea bắc qua eo biển Kerch để vận chuyển vật tư quân sự cho lực lượng ở tiền tuyến. Thay vào đó, Nga đã chọn các tuyến đường bộ đi qua các khu vực phía đông Ukraine.

Hình ảnh vệ tinh do Maxar cung cấp đã được tổ chức OSINT Molfar của Ukraine phân tích cho thấy, từ tháng 2 đến tháng 4, không có chuyến tàu chở thiết bị quân sự nào được quan sát thấy trên đoạn đường sắt của cầu Crimea, nối đất liền Nga với bán đảo Crimea.

Ngoại lệ duy nhất là vào ngày 29/2 khi một đoàn tàu chở hàng gồm 55 thùng nhiên liệu được phát hiện di chuyển trên cầu.

Theo các nhà phân tích của Molfar, việc giảm lưu lượng giao thông trên cầu Crimea khiến cầu này ít bị tổn thương hơn trước các cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Ukraine.

Báo cáo của các nhà phân tích chỉ ra rằng, việc Nga giảm các hoạt động qua cầu Crimea bắt đầu sau ngày 17/7/2023, sau một cuộc tấn công bằng xuồng không người lái tự sát của Ukraine khiến một số nhịp cầu bị sập.

Cho đến nay, Ukraine được cho là đã tiến hành hai cuộc tấn công vào cầu Crimea.

Vụ tấn công đầu tiên diễn ra vào ngày 8/10/2022, dẫn đến hỏa hoạn trên cầu. Một xe tải chở thuốc nổ phát nổ trên cầu, làm hư hỏng nhiều nhịp cầu.

Cuộc tấn công thứ hai diễn ra vào tháng 7/2023 bằng xuồng không người lái, làm hư hỏng tính toàn vẹn cấu trúc của cây cầu và dẫn đến sập một số đoạn cầu.

Đầu tháng 4, trang tin Guardian dẫn các nguồn tin cho biết quân đội Ukraine đang lên kế hoạch tiến hành một cuộc tấn công khác vào cầu Crimea vào nửa đầu năm 2024.

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Đức hồi đầu tháng 4, khi được hỏi liệu Kiev có định phá hủy cầu Crimea trong năm nay hay không, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng: "Chúng tôi rất muốn điều đó".

Cầu Crimea được xây dựng từ năm 2016 đến năm 2018 và là tuyến đường bộ và đường sắt duy nhất nối bán đảo Crimea với đất liền Nga. Nga đã sáp nhập Crimea vào năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý.

Kể từ khi xung đột Ukraine bùng nổ vào năm 2022, nhiều quan chức và chỉ huy ở Ukraine đã đe dọa phá hủy cây cầu dài 19km nối bán đảo Crimea và vùng Krasnodar. Họ cho rằng công trình này rất quan trọng đối với quân đội Nga.

Bán đảo Crimea, nơi đặt trụ sở của Hạm đội Biển Đen Nga, gần đây liên tục trở thành mục tiêu bị tấn công bằng tên lửa, máy bay không người lái và xuồng không người lái. Nga cáo buộc Ukraine đứng sau các vụ tấn công này.

Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) Vadym Skibitsky tuyên bố Crimea là chìa khóa giúp Nga mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực. Mặt khác, ông nhấn mạnh, việc Ukraine giành lại bán đảo là điều không thể thương lượng.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Moscow sẽ cân nhắc "sử dụng mọi biện pháp, bao gồm cả hạt nhân" trong trường hợp Crimea bị tấn công.

Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, việc các quan chức Ukraine công khai lên tiếng về kế hoạch tấn công cơ sở hạ tầng của Nga một lần nữa chứng minh rằng, quyết định của Nga về việc tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine là đúng đắn.

Theo Kyivpost