DNews

Một tuần 568 ca bệnh ở Đồng Nai: Thực phẩm nào trong bánh mì gây ngộ độc?

Phước Tuần

(Dân trí) - Kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm lấy tại tiệm bánh mì Băng ghi nhận 4/8 mẫu thức ăn gồm pate (làm từ gan heo và mỡ heo), thịt heo đã chế biến, chả lụa, dưa muối có vi khuẩn Salmonella gây ngộ độc.

Một tuần 568 ca bệnh ở Đồng Nai: Thực phẩm nào trong bánh mì gây ngộ độc?

Tối 7/5, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai công bố kết quả xét nghiệm các mẫu phẩm từ tiệm bánh mì cô Băng (TP Long Khánh, Đồng Nai). 4/8 mẫu phẩm thức ăn nhiễm khuẩn Salmonella. Đây là loại khuẩn trùng với kết quả xét nghiệm mẫu phân của bệnh nhân ngộ độc rất nặng P.H.M. (14 tuổi) đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM). 

Chỉ trong vòng một tuần, có 568 ca nhập viện trong vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì Băng, trong đó nhiều ca bệnh có tiên lượng rất nặng là trẻ em.  

Vi khuẩn Salmonella và E.coli có trong mẫu thực phẩm

Theo đó, kết quả xét nghiệm bằng phương pháp PCR và cấy phân tìm tác nhân gây ngộ độc trên 29 mẫu bệnh phẩm do các bệnh viện và Viện Y tế công cộng TPHCM thực hiện, ghi nhận 16/29 mẫu dương tính đồng thời với 2 chủng vi khuẩn Salmonella và E.coli; có 9/29 mẫu dương tính với vi khuẩn E.coli.

Kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm lấy tại cơ sở bánh mì Băng khi vụ ngộ độc xảy ra do Viện Y tế công cộng TPHCM thực hiện ghi nhận 4/8 mẫu thực phẩm gồm: pate (làm từ gan heo và mỡ heo), thịt heo đã qua chế biến, chả lụa, dưa muối chua có vi khuẩn Salmonella.

Như vậy thủ phạm gây ra vụ ngộ độc thực phẩm cho 568 người là do vi khuẩn Salmonella và vi khuẩn E.coli. 

Một tuần 568 ca bệnh ở Đồng Nai: Thực phẩm nào trong bánh mì gây ngộ độc? - 1

Vụ ngộ độc do ăn bánh mì ở TP Long Khánh có hơn 560 ca nhập viện (Ảnh: Phú Việt).

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 thông báo trong mẫu phẩm phân của bệnh nhi P.H.M. (14 tuổi), một trong những trường hợp xuất hiện triệu chứng ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì, cũng cho kết quả có vi khuẩn Salmonella.

Trước đó, cháu bé nhập Bệnh viện Nhi đồng 1 vì sốt, tiêu chảy phân lỏng xanh 3 ngày, đau bụng, được chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn. Sau khi được điều trị tích cực bằng kháng sinh và các thuốc hỗ trợ, bệnh nhi đã hết sốt, các triệu chứng đều thuyên giảm.

Vi khuẩn Salmonella là thủ phạm hàng đầu gây ra bệnh tiêu chảy trên toàn cầu, trong đó có nhiều vụ ngộ độc quy mô lớn, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Vào cơ thể người qua thức ăn uống, vi khuẩn Salmonella sinh độc tố làm tổn thương niêm mạc ruột, gây ra đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Nếu không bù nước kịp thời, người bệnh mất nước, giảm huyết áp, tụt huyết áp, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong. Lượng vi khuẩn lớn có thể xâm nhập máu gây nhiễm trùng máu, đe dọa tính mạng.

Salmonella phát triển rất nhanh ở môi trường nóng ẩm (35-37 độ C). Khi mổ thịt gia súc, gia cầm, nếu không làm sạch sẽ, vi khuẩn Salmonella sẽ phát tán ra môi trường và bám vào thực phẩm như thịt, trứng gia cầm. Ăn trứng sống, luộc trứng không kỹ, người dân cũng có thể nhiễm vi khuẩn Salmonella. Rau và sữa cũng dễ nhiễm Salmonella phát tán từ phân động vật ra.

Ngày 5/5, Bác sĩ Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, cho biết, kết quả xét nghiệm máu của ba bệnh nhi chuyển nặng điều trị tại Đồng Nai cho thấy các em bị nhiễm khuẩn E.coli. Đây là vi khuẩn thường xuất hiện trong sản phẩm tươi sống, thịt bò, sữa tươi, nước trái cây, phô mai, trái cây và rau sống...

Vi khuẩn E.coli lây nhiễm ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ nhỏ, người già dễ trở nặng và gặp biến chứng nghiêm trọng như hội chứng tán huyết ure. Hội chứng này khiến các tế bào hồng cầu bị tổn thương gây suy thận.

So với Ecoli, ngộ độc do Salmonella có triệu chứng nặng, nguy hiểm hơn. Ngộ độc thực phẩm do Salmonella có thể xuất hiện một ngày sau ăn, nhưng cũng có trường hợp sau 4-5 ngày. Vi khuẩn Salmonella từng thủ phạm khiến hàng trăm học sinh ở Nha Trang ngộ độc thực phẩm, trong đó một bé tử vong, hồi năm 2022.

Nắng nóng kéo dài tăng nguy cơ ngộ độc

Ngay sau khi nhận thông tin ngộ độc tập thể ở Đồng Nai, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đã dẫn đầu đoàn Bộ Y tế vào kiểm tra, làm việc với tỉnh Đồng Nai.

Một tuần 568 ca bệnh ở Đồng Nai: Thực phẩm nào trong bánh mì gây ngộ độc? - 2

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm thăm hỏi bệnh nhân ngộ độc đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh (Ảnh: Hoàng Bình).

Theo ông Long, sự việc ngộ độc tập thể khi ăn bánh mì không phải mới mà đã xảy ra nhiều địa phương trên cả nước. Đặc biệt khi thời tiết nắng nóng oi bức, việc ngộ độc rất dễ xảy ra nên cần có biện pháp phòng tránh kịp thời. Ông Long cho biết đây là sự việc nghiêm trọng, lãnh đạo Chính phủ rất quan tâm. Đồng Nai cần nhanh chóng vào cuộc xác minh, truy nguồn gốc thực phẩm để xác định nguyên nhân gây ngộ độc để có phát đồ điều trị thích hợp.

Cũng theo ông Long, qua vụ việc này, các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai cần chú ý hơn đến việc kiểm soát các cơ sở buôn bán thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, tránh lặp lại vi phạm. Sở Y tế cần có phát ngôn chính thức về vụ ngộ độc thực phẩm và chỉ giao cho một đầu mối phát ngôn, tránh đưa thông tin không nhất quán về vụ ngộ độc thực phẩm.

Ngay sau thông tin vụ ngộ độc tập thể, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo gửi Sở Y tế và UBND tỉnh Đồng Nai. Văn bản đề nghị tỉnh Đồng Nai tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến.

Đồng thời cần tuyên truyền, giáo dục cho người dân kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn, và sử dụng thực phẩm, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. 

Chuyển hồ sơ vụ ngộ độc cho cơ quan công an

Theo ông Nguyễn Đình Minh, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đồng Nai, qua điều tra cho thấy, thời gian ủ bệnh trung bình của các bệnh nhân từ 4 đến 8 giờ. Triệu chứng chủ yếu của bệnh nhân là tiêu chảy, nôn ói. Tiệm bánh mì không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tổng số lao động làm việc trực tiếp là 4; không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; không có giấy khám sức khỏe.

Liên quan đến vụ ngộ độc, Công an tỉnh Đồng Nai đã vào cuộc điều tra, lấy mẫu, làm việc với những người liên quan. Nếu có dấu hiệu hình sự hay đủ cơ sở khởi tố điều tra thì cơ quan chức năng sẽ thực hiện đúng quy định pháp luật.

Ông Nguyễn Hùng Long yêu cầu nếu vụ ngộ độc sau ăn bánh mỳ ở TP Long Khánh đủ dấu hiệu hình sự thì chuyển sang công an điều tra, sai đâu xử lý đó mới đủ tính răn đe.

Một tuần 568 ca bệnh ở Đồng Nai: Thực phẩm nào trong bánh mì gây ngộ độc? - 3

Bệnh nhân ngộ độc nghi do ăn bánh mỳ được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh (Ảnh: Phú Việt).

Ngày 7/5, ông Tăng Quốc Lập, Phó chủ tịch UBND TP Long Khánh (Đồng Nai), cho biết đơn vị đã chuyển hồ sơ vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Long Khánh thụ lý.

"Hiện có 568 trường hợp ngộ độc đã khám và điều trị tại bệnh viện, trong đó có nhiều ca rất nặng là trẻ em. Đây là vụ việc có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại TP Long Khánh. Căn cứ quy định pháp luật, UBND TP Long Khánh thông tin và chuyển hồ sơ xác minh bước đầu về cơ sở kinh doanh bánh mỳ Băng về Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Long Khánh để điều tra", ông Lập thông tin. 

Đến tối 7/5, còn 81 trường hợp đang được tiếp tục theo dõi điều trị tại các bệnh viện. Ca bệnh tiên lượng rất nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp tục có tiến triển tốt, sinh hiệu ổn định, hết sốt, dự kiến sẽ cai máy thở trong 1-2 ngày tới. Các trường hợp nặng khác sức khỏe cũng đã ổn định.

Ngày 30/4, cửa hàng bánh mì Băng, ở đường Trần Quang Diệu, phường Xuân Bình, TP Long Khánh, bán ra 1.100 ổ bánh mì. Đến ngày 1/5, những người ăn bánh mì có dấu hiệu ngộ độc như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn..., nhập viện cấp cứu, chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột, nghi ngộ độc thực phẩm. Chủ cửa hàng bánh mì Băng cho biết mua nguyên liệu, thực phẩm ở các cửa hàng nhỏ lẻ rồi về tự chế biến tại nhà. Trong đó pate tự làm (gan heo, thịt mỡ), dưa muối chua tự làm (cà rốt, củ cải trắng), nước sốt tự làm (gồm nước hầm thịt heo, hạt nêm, bột ngọt, nước tương).