1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hà Nội sẽ không có ca sởi mới sau 2 tuần nữa?

(Dân trí) - “Nếu tỉ lệ tiêm vét vắc xin sởi của Hà Nội đạt 97% ở nhóm trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi như báo cáo thì chắc chắn, sau hai tuần nữa sẽ không ghi nhận ca mắc sởi mới tại địa phương này”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dự báo.

Tử vong do sởi vẫn sẽ tăng!

Bộ trưởng Y tế: Hà Nội sẽ không có ca sởi mới sau 2 tuần nữa!
Số ca mắc mới giảm nhưng tại các bệnh viện, vẫn còn nhiều trẻ viêm phổi biến chứng sau sởi nguy kịch. Ảnh: T.A

Chiều 24/4, Ban chỉ đạo phòng chống dịch sởi đã họp do Bộ trưởng đích thân chủ trì.
 
Báo cáo về tình hình dịch sởi tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh đánh giá, dịch sởi tại Hà Nội đã đạt ngưỡng đỉnh và hiện nay số bệnh nhân vẫn duy trì ở mức cao. Trong 3 ngày gần đây, số bệnh nhân phát ban nghi sởi điều trị nội trú ở các bệnh viện dao động ở mức khoảng 700 trường hợp. Đáng nói, số bệnh nhân nặng do biến chứng sởi điều trị ở các bệnh viện vẫn ở mức cao với những trường hợp diễn biến nặng đã nằm viện cả tháng trời. Như tại BV Bạch Mai Hà Nội có 8 ca biến chứng viêm phổi nằm viện, tại BV Nhi Trung ương có 5 bệnh nhân biến chứng viêm phổi nằm viện. Vì thế, ông Hạnh lo ngại, con số tử vong của Hà Nội chắc chắn còn tăng lên. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là tỷ lệ tiêm vét vắc xin sởi của Hà Nội cũng đã đạt đến 97%”.

Ngay khi TS Hạnh đưa ra con số về tỷ lệ tiêm vét, bà Tiến đưa ra nhận định: “Nếu tỉ lệ tiêm vét đạt cao như báo cáo, chỉ trong vòng 10 ngày đến 2 tuần nữa Hà Nội sẽ không còn ca mắc sởi mới”.

Trước nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Hạnh e ngại khả năng Hà Nội không thể kiểm soát dịch được trong 2 tuần tới. Vì thực tế, tỷ lệ tiêm vét này là ở nhóm trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi. Trong khi đó, tích lũy nhóm trẻ từ 2 - 10 tuổi chưa tiêm chủng tại Hà Nội là khá lớn. Trung bình mỗi năm, Hà Nội có khoảng 5.000 trẻ trong độ tuổi không tiêm vắc- xin phòng sởi. Hiện số trẻ có nguy cơ mắc bệnh sởi do không tiêm phòng là 75.000 trẻ, vì thế nguy cơ mắc vẫn xảy ra cao ở nhóm đối tượng này.

Phân tích nguyên nhân vì sao tại Hà Nội có nhiều trẻ chưa tiêm chủng, ông Hạnh cho hay, hiện nay tại Hà Nội có khoảng 2-5% số đối tượng chưa tiêm do các bậc phụ huynh e ngại không đưa con đến tiêm do vừa qua có những phản ứng sau tiêm chủng. Trong số đó, có khoảng 5-10% số cháu phải hoãn tiêm vì chỉ định hoãn tiêm và đến lúc tiêm chủng bị ốm. Bên cạnh đó, Hà Nội có một bộ phận trẻ nhỏ tiêm theo hình thức dịch vụ vắc xin kết hợp 3 trong 1, nên nhiều trường hợp trẻ được bố mẹ chờ đến 12 tháng tuổi mới tiêm. Ngoài ra Hà Nội còn có một số đối tượng là những người dân di cư, trong khi đó việc quản lý đối tượng này còn rất khó khăn nên tỷ lệ tiêm của Hà Nội bị giảm.

Người đứng đầu ngành y tế yêu cầu Hà Nội mở rộng độ tuổi tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ dưới 10 tuổi và cần nhanh chóng triển khai kế hoạch này để tăng độ bao phủ bảo vệ của vắc xin sởi. Bộ Y tế đảm bảo sẽ có đủ vắc xin để tiêm cho trẻ trong đối tượng tiêm chủng. Trung bình mỗi năm có khoảng 4,7 triệu liều vắc- xin được sử dụng trong chiến dịch tiêm vét vắc- xin sởi. Hiện Bộ Y tế đang tiếp tục đề xuất mua thêm 1,2 triệu liều vắc xin sởi để tiêm chủng miễn phí cho các đối tượng có chỉ định.

Ông Hạnh cho biết, hiện Hà Nội triển khai thêm các điểm tiêm tại Trung tâm Y tế dự phòng và 30/30 quận, huyện cho trẻ 9 tháng đến 6 tuổi. Việc tiêm sởi tại các trạm y tế xã sẽ kéo dài đến hết ngày 25/4, sau đó mỗi tuần sẽ có một buổi tiêm.

Lo lắng sởi tăng trong dịp nghỉ lễ

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, số ca mắc sởi trên cả nước đã có xu hướng giảm xuống. Trong ngày 24/4/2014, cả nước ghi nhận thêm 40 trường hợp mắc sởi xác định trong số 205 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 25 tỉnh, thành phố; trong ngày ghi nhận 04 trường hợp tử vong liên quan đến sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 3.609 trường hợp mắc sởi xác định trong số 10.017 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 25 trường hợp tử vong do sởi trong số 123 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi.

Tại BV Nhi Trung ương, nơi là tâm điểm của tình trạng quá tải trước đó thì nay, thay vì con số 2.500- 3.000 bệnh nhân khám một ngày nay giảm còn 200- 300 bệnh nhân/ngày. Tuy nhiên số bệnh nhân đang được điều trị do biến chứng của sởi vẫn cao với hơn 300 trường hợp, chủ yếu là bệnh nhân nặng. Cùng ngày tại BV Bạch Mai đã ghi nhận thêm một trẻ tử vong do biến chứng của sởi sau gần 1 tuần điều trị, trong đó còn 6 trẻ đang thở máy cũng rất nguy kịch.

Bộ trưởng Bộ Y tế đang rất lo lắng vì những đợt nghỉ lễ kéo dài sắp tới, việc tăng cường giao lưu, đi lại, tập trung nơi đông người có thể là những yếu tố khiến các ca mắc sởi gia tăng trở lại. Vì thế Bộ trưởng đưa ra khuyến cáo mạnh mẽ người dân nên hạn chế đến chỗ đông người, tập trung nơi công cộng.

Cũng trong ngày 24/4, Bộ Y tế có chỉ thị thúc các tỉnh đẩy mạnh công tác phòng chống dịch sởi và kế hoạch tiêm phòng và tiêm vét sởi.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tổ chức tiêm vắc xin sởi theo kế hoạch. Theo đó, Sở Y tế các tỉnh thành có trách nhiệm đẩy mạnh tổ chức tiêm vắc xin sởi theo kế hoạch. Nếu tỷ lệ tiêm đạt thấp thì phải tăng các điểm tiêm, số buổi tiêm để đến hết tháng 4 phải đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95%.

Cuối mỗi buổi tiêm phải rà soát các bé chưa tiêm để bổ sung vào ngày tiếp theo, tránh bỏ sót. Kiên trì vận động và báo cáo UBND các cấp để huy động các ban ngành, đoàn thể cùng vận động cha mẹ đưa con đi tiêm chủng. Đồng thời, mỗi địa phương cần đánh giá, phân tích tình hình bệnh sởi trên địa bàn, từ đó điều chỉnh kế hoạch tiêm cho phù hợp. Rà soát, lập danh sách trẻ tiêm thông báo rộng rãi để người dân biết đưa con đi.

Bộ cũng yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur, Dự án Tiêm chủng mở rộng thành lập các đoàn công tác đến các địa phương đôn đốc việc thực hiện tiêm chủng.

Về vấn đề điều trị, các địa phương cũng cần tổ chức phân tuyến điều trị tại các bệnh viện, hạn chế tối đa việc chuyển tuyến các bệnh nhân có khả năng điều trị để tránh lây nhiễm sởi cũng như bệnh lý đường hô hấp khác. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu cần nhanh chóng tổ chức tập huấn phác đồ điều trị mới cho các địa phương để thực hiện việc điều trị tốt nhất cho các bệnh nhi, giảm tỉ lệ tử vong do sởi.      
 

Tìm nguyên nhân sởi gây tử vong cao bất thường

 

Trước bệnh sởi diễn biến phức tạp với số ca tử vong cao bất thường, gấp hơn 30 lần so với vụ dịch trước đó 3 năm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trực tiếp chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với Bệnh viên Nhi Trung ương, các Viện và Bệnh viện liên quan thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ, vi rút, miễn dịch, lâm sàng và hiệu quả điều trị bệnh sởi ở Việt Nam năm 2013-2014”, nhằm tìm ra nguyên nhân dẫn đến vì sao các ca tử vong do sởi lại cao bất thường.
 

Đề tài tập trung vào xác định đặc điểm dịch tễ, đặc điểm miễn dịch và vi rút  của bệnh sởi, đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, nguyên nhân tử vong và đánh giá hiệu quả điều trị bệnh sởi ở Việt Nam.

 

Kết quả nghiên cứu sẽ đưa ra các bằng chứng khoa học nhằm áp dụng các biện pháp hiệu quả nhất khống chế bệnh sởi, đây là vấn đề mà Tổ chức Y tế thế giới, cũng như nhiều quốc gia quan tâm, đầu tư nghiên cứu trong thời gian tới.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm