Hà Nội: Người mắc sởi giảm, không ghi nhận thêm tử vong?

(Dân trí) - Ông Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, trong những ngày gần đây số ca phát ban nghi sởi chững lại và có chiều hướng giảm. Đặc biệt từ ngày 14/4 đến nay, trên địa bàn thành phố không ghi nhận thêm trường hợp nào tử vong do sởi.

Ngày 21/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội để nắm rõ công tác phòng chống và diễn biến bệnh sởi. Tại đây, Bộ trưởng nhận định dịch sởi trên địa bàn Hà Nội nặng nhất trong cả nước vì chiếm 1/3 số ca mắc và trên 50% người chết nhưng đang có xu hướng giảm dần.

Bệnh nhân tử vong hầu hết chưa được tiêm vắc xin sởi

Tại buổi làm việc ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 20/4, toàn thành phố có 1.253 bệnh nhân sởi, phân bố rải rác ở 365/484 xã phường của 30 quận huyện thị xã. Trẻ dưới 5 tuổi chiếm 58,1% (trong đó trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm vắc xin sởi là 19,7%), trên 15 tuổi chiếm 32,4%.

Bộ trưởng Bộ Y tế làm việc với Hà Nội
Bộ trưởng Bộ Y tế làm việc với Hà Nội để nắm rõ công tác phòng chống và diễn biến bệnh sởi

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, số bệnh nhân mắc sởi cao nhất trong ngày 26/3 với 27 trường hợp. Từ ngày 26/3 - 11/4, dịch sởi đã đạt đỉnh và đang có xu hướng giảm. Riêng Hà Nội từ đầu năm đến nay ghi nhận 14 trường hợp tử vong do sởi phân bố ở 11 quận, huyện.

“Số ca phát ban nghi sởi những ngày gần đây chững lại. Trong 3 ngày gần đây, số lượng bệnh nhân nhập viện tại các bệnh viện Trung ương và bệnh viện Hà Nội có chiều hướng giảm. Từ ngày 14/4 đến nay không ghi nhận thêm trường hợp tử vong do sởi”, ông Hiển thông tin về tình hình sởi trên địa bàn Hà Nội.

Ông Hiển cho hay các trường hợp tử vong hầu hết chưa được tiêm vắc xin sởi; thường xuyên mắc các bệnh khác như viêm phế quản, viêm phổi; thường xuyên phải điều trị tại bệnh viện; do đồng nhiễm nhiều loại vi rút khác nhau.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội, cho biết, vào 16h hàng ngày, lãnh đạo UBND thành phố đều ngồi nghe Sở Y tế báo cáo về diễn biến bệnh sởi trên địa bàn để từ đó có chỉ đạo cụ thể. Với quyết tâm giảm ngay bệnh nhân nặng, đến nay, thành phố đã quyết định dành 75 tỷ đồng để mua thuốc, nguyên vật liệu, máy móc để phòng chống, điều trị bệnh sởi.

“Thành phố đang quyết tâm khống chế không cho dịch bệnh phát triển, khu dân cư phải nắm chắc tình hình của bệnh, bệnh viện phải khống chế đến mức thấp nhất những thương vong do bệnh sởi”, bà Ngọc nói.

Ngoài ra, bà Ngọc còn yêu cầu lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội hàng ngày phải nắm rõ số lượng bệnh nhân trên địa bàn vào các bệnh viện Trung ương điều trị. Để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, bà Ngọc lưu ý bệnh nhân nhẹ cần được chuyển về các bệnh viện của Hà Nội điều trị, bệnh nhân nặng chuyển về bệnh viện Xanh Pôn.

Số người chết do bệnh sởi ở Hà Nội chiếm trên 50% cả nước

Sau khi đi thị sát tình hình tại các bệnh viện và nghe thành phố Hà Nội báo cáo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định: Dịch sởi trên địa bàn Hà Nội nặng nhất trong cả nước vì chiếm 1/3 số ca mắc và trên 50% người chết. “Trong 4 tuần gần đây, dịch sởi ở Hà Nội có xu hướng giảm dần, và 2 tuần nay không có tử vong. Như vậy có nghĩa là dịch bệnh ở Hà Nội tương đối lắng dịu”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng công tác chỉ đạo điều hành của Hà Nội là đúng cả về chuyên môn cũng như thực tiễn. Người đứng đầu ngành y tế cho rằng, về tiêu chuẩn phải công bố dịch nhưng khi dịch bệnh cơ bản trong tầm khống chế thì UBND thành phố Hà Nội quyết định chưa công bố dịch bệnh là đúng. Bởi khi công bố dịch bệnh không chỉ trường học phải đóng cửa mà còn ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề khác như du lịch, giao thông…

Về nguyên nhân người mắc bệnh sởi tử vong, Nữ Bộ trưởng cho là do bệnh nhân “dồn cục” ở một nơi, nhiễm khuẩn chéo trong bệnh viện, thời tiết… Bằng chứng được người đứng đầu ngành y chỉ đưa ra là số ca tử vong nhiều nhưng các bệnh viện của Hà Nội không xảy trường hợp nào mà chủ yếu ở Bệnh viện Nhi Trung ương.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã đưa ra những giải pháp cụ thể như phân tuyến, phân luồng, chống nhiễm khuẩn, phân loại bệnh nhân bị bệnh sởi… Tuy nhiên, kế hoạch đó không được thực hiện triệt để. Vì vậy, Bộ trưởng Tiến cho biết, tại buổi họp chuyên môn giữa tháng 4, bà đã truy một số đơn vị liên quan để biết rõ lý do tại sao đã được yêu cầu nhưng Bệnh viện Nhi vẫn cứ nhận bệnh nhân, còn tuyến dưới vẫn cứ chuyển lên.

Lý giải về cái khó cho Bệnh viện Nhi Trung ương, Bộ trưởng cho biết: bệnh nhân đã đến thì không được từ chối. Vì vậy, Bộ trưởng Tiến cũng truy luôn lãnh đạo một số bệnh viện thành phố Hà Nội vì càng chuyển lên tuyến trên thì bệnh nhân càng dễ tử vong. Theo Bộ trưởng Tiến sau buổi họp đó đến nay, số người vào Bệnh viện Nhi giảm dần và cũng giảm cả bệnh nhân tử vong. Đến giờ công tác điều trị bệnh sởi được phối hợp nhịp nhàng từ Trung ương đến địa phương.

Quang Phong