Hà Nội: Nghiện thuốc lá 40 năm, người đàn ông "mọc kén" ở phổi
(Dân trí) - Bệnh nhân cho biết mình nghiện thuốc lá, thuốc lào hơn 40 năm nay. Dạo gần đây bệnh nhân thường xuyên khó thở, đau ngực hai bên.
Bệnh nhân N.V.K., 67 tuổi, trú tại Gia Lâm (Hà Nội), nhập viện trong tình trạng đau ngực bên phải, khó thở nhiều. Ngay sau đó bệnh nhân được chỉ định chụp X-quang tim phổi, kết quả cho thấy bệnh nhân bị tràn khí màng phổi bên phải nhiều.
Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết mình nghiện thuốc lá, thuốc lào hơn 40 năm nay. Dạo gần đây bệnh nhân thường xuyên khó thở, đau ngực hai bên, trước khi vào viện, bệnh nhân lên cơn khó thở đột ngột, đau tức ngực liên tục.
Bệnh nhân được chỉ định đặt dẫn lưu khí màng phổi bằng catheter và chuyển lên Khoa Ngoại tổng hợp theo dõi.
Sau hai ngày, bệnh nhân được chụp X-quang đánh giá tình trạng vẫn thấy tràn khí màng phổi nhiều, các bác sĩ chỉ định chụp CT ngực cho bệnh nhân thì phát hiện có nhiều kén khí rải rác ở hai bên đỉnh phổi và đáy phổi phải.
Nhận định đây là một trường hợp tràn khí màng phổi đơn thuần do vỡ kén khí gây ra, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã chỉ định phẫu thuật nội soi cắt kén khí cho bệnh nhân. Ca mổ này sẽ giúp bệnh nhân cải thiện chức năng hô hấp, vận động, tránh các nguy cơ khó thở kéo dài, tràn dịch màng phổi, áp xe phổi, viêm mủ màng phổi… gây tình trạng nguy kịch cho người bệnh.
Kíp mổ đã tiến hành nội soi cắt toàn bộ các kén khí và khâu phục hồi lại nhu mô phổi cho bệnh nhân. 3 ngày sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định, phục hồi tốt, ít đau vết mổ, phổi giãn nở tốt, bệnh nhân có thể vận động nhẹ nhàng, đi lại bình thường.
BS Nguyễn Văn Lâm - Khoa Ngoại tổng hợp chia sẻ: "Phẫu thuật nội soi lồng ngực một lỗ cắt kén khí phổi là phương pháp tiên tiến, là một phẫu thuật ít xâm lấn vào phổi với sự hỗ trợ của thiết bị nội soi, màn hình video và dụng cụ nội soi chuyên dụng. Kỹ thuật này được sử dụng để xử trí kén khi nhu mô phổi có thể đã vỡ hoặc chưa vỡ.
Tuy nhiên, phẫu thuật viên cần có kinh nghiệm về phẫu thuật nội soi, được đào tạo bài bản. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị tốt trang thiết bị y tế hỗ trợ ca mổ là rất cần thiết. Phẫu thuật lồng ngực là phẫu thuật can thiệp trực tiếp vào cơ quan hô hấp của cơ thể, đòi hỏi kỹ thuật gây mê là rất quan trọng".
Từ trường hợp này, BS Lâm khuyến cáo, đối với những bệnh nhân có những yếu tố nguy cơ do hút thuốc lá thuốc lào nhiều năm hoặc bệnh phổi nên đi khám định kì, để phát hiện các bệnh lý liên quan về kén khí nói riêng và bệnh phổi nói chung, từ đó có hướng điều trị kịp thời.
BS Lâm cho biết thêm: "Kén khí ở phổi là tình trạng đặc trưng bởi sự căng giãn thường xuyên của đường dẫn khí từ tiểu phế quản tận cùng trở xuống, kèm theo có sự phá hủy vách các phế nang không phục hồi.
Kén khí phổi xảy ra cục bộ tại vùng của phổi, có thể một hoặc nhiều kén tập trung ở thùy trên nhiều hơn thùy dưới, thường kết hợp với viêm phế quản mãn tính, giãn phế nang khu trú, lao, hoặc bội nhiễm gây áp xe phổi…".
Bệnh làm tăng khoảng chết sinh lý và gây chèn ép tổ chức phổi lành xung quanh. Nếu không phát hiện, phẫu thuật kịp thời sẽ gây xẹp cả phổi ở bên mọc kén, đẩy trung thất ép cả phổi bên đối diện, đưa đến hậu quả là suy hô hấp rất nặng nề. Thậm chí nếu tăng áp lực trong đường thở bệnh nhân, kén khí có thể vỡ gây tràn khí màng phổi dẫn tới tử vong.