Giảm tải bệnh viện: Cục bộ được ngay, tổng thể phải chờ!
(Dân trí) - Bị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng “truy” gắt về lộ trình giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện tuyến TƯ, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến hứa giảm nhiệt những bệnh viện “nóng” nhất trong 2013 nhưng để giải quyết cơ bản quá tải phải ngoài 2015.
“Đẻ thường phải lên viện C”
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) “khơi” đề tài quá tải bệnh viện tuyến TƯ, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận. Đại biểu hỏi về giải pháp để hạn chế bệnh nhân lên tuyến trên, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh phương án xây dựng hệ thống bệnh viện vệ tinh, trước hết tập trung vào nhóm ung bướu, tim mạch, nhi…
Tới đây, quy chế mới, bệnh viện huyện làm tốt có thể được nâng cấp lên cấp tỉnh, bệnh viện tỉnh có thể thăng cấp đặc biệt.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) lật lại vấn đề: “Tại sao phần lớn bệnh nhân đều muốn được chuyển lên tuyến trên điều trị, có phải do năng lực khám chữa bệnh của tuyến dưới quá kém?”.
Bộ trưởng Y tế phân trần, nguyên nhân quá tải cơ bản nhất là do điều kiện giáo dục, xã hội nên mới có tâm lý “lên TƯ” vì coi chỉ có ở đó mới có bác sỹ giỏi, đầy đủ thiết bị, khả năng khám chữa bệnh mà không chấp nhận các bệnh thông thường bệnh viện cấp dưới cũng làm tốt được như vậy. Ngoài ra, một số bệnh viện để xảy ra tai biến nghề nghiệp, mang “tai tiếng”, bệnh nhân sau đó không muốn vào nữa. Cũng có thực tế cơ sở vật chất, con người ở bệnh viện tuyến dưới chưa đảm bảo.
Ngoài ra người đứng đầu ngành y tế cũng dẫn chuyện nhiều chỉ tiêu, điều kiện như đảm bảo 3 điều dưỡng/10 bệnh nhân nhưng các bệnh viện tuyến dưới đều không muốn tuyển vì không trả được lương. Hiện cả nước thừa đến vài nghìn chỉ tiêu cán bộ điều dưỡng. Vấn đề này sẽ khắc phục được khi cơ chế tự chủ tài chính được áp dụng đầy đủ.
Bộ trưởng Tiến khẳng định, từ khi nhậm chức nên nay đã làm được 2 việc trong nội dung cải cách tài chính như điều chỉnh giá viện phí, năm 2014 sẽ tăng gấp đôi giá dịch vụ y tế. Dự án nâng cao năng lực y tế cơ sở cũng đang xây dựng.
Trước mắt, Bộ đang “thúc” bệnh viện K phấn đấu cuối 2012, đầu 2013 di dời 200-300 giường bệnh. Bệnh viện Bạch Mai cũng sẽ phải hoàn thành 2 tòa nhà khoa ung bướu và khoa hô hấp trong năm 2013. Bệnh viện ung bướu TPHCM đang rất khó khăn về vấn đề mặt bằng để di chuyển, Bộ sẽ cố gắng giải quyết bằng tất cả nguồn lực của ngành.
“Như vậy, năm 2013, những bệnh viện “nóng bỏng” nhất sẽ giảm nhiệt. Hi vọng năm 2015, khi xây dựng được hệ thống bệnh viện vệ tinh với quân số Bạch Mai “kèm” 7 viện, Việt Đức 8, K 10, việc giảm tải sẽ có bước tiến rõ rệt. Khó khăn là đất cho các bệnh viện xây dựng cơ sở 2. Như vậy, muốn giải quyết một cách cơ bản quá tải phải ngoài 2015 ” – nữ Bộ trưởng hứa.
“Tăng viện phí cũng để giảm tải”
Đối với vấn đề thời sự xung quanh việc tăng giá viện phí, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Liên (Sóc Trăng) trình bày băn khoăn về quy định bệnh nhân phải nằm ghép 2 người/giường chỉ được thu 50% giá viện phí, ghép 3 chỉ thu 30%. Cách tính này theo đại biểu không hợp lý vì bệnh viện phải bù chi cho các bệnh nhân nằm ghép trong khi mức chi phí cho đầu bệnh nhân không giảm. Việc này dẫn đến tiêu cực như nhiều bệnh viện không chịu nhận khiến bệnh nhân phải “chạy” trái tuyến, thêm tốn kém.
Về vấn đề giá thuốc, đại biểu Trương Thị huệ (Thái Nguyên) chất vấn, thông tư mới về quản lý giá thuốc, nhà thuốc bệnh viện đã thể hiện tác dụng gì để lập lại trật tự trong lĩnh vực này?
Người đứng đầu ngành y tế khẳng định, quy định thu lời tối đa 5-10% đã phát huy tác dụng. Vừa qua, Bộ tổ chức kiểm tra, lấy ngẫu nhiên 30 loại thuốc bán ở bệnh viện Bạch Mai, hầu hết đều thấp hơn giá thuốc bán bên ngoài, chỉ 6 loại giá nhỉnh hơn đôi chút (khoảng 7%) nhưng vẫn nằm trong khung tỷ lệ lợi nhuận cho phép.
Mới đây, Bộ Y tế cũng được Chính phủ đồng ý cho áp dụng phương thức quản lý giá thuốc theo thặng số tối đa toàn chặng để tránh chi phí trung gian. Hiện đã có 2 đoàn cán bộ đi Trung Quốc, Thái Lan để học cách quản lý này.
Vẫn chưa chịu, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) xoay qua việc hiện vẫn còn nhiều sơ sở bán thuốc nằm ngoài kiểm soát, không thiếu những mẹt thuốc bán ở chợ quê, vấn có nhà thuốc mượn danh dược sỹ để hành nghề. Vẫn chưa có “biệt dược” để trị người bán thuốc tư nhân?
Bộ trưởng Y tế đáp gọn, trong tương lai, Bộ Y tế đã trình đề nghị điều chỉnh luật dược, việc thuê bằng dược sỹ, an toàn thuốc, ghi toa sẽ đảm bảo. Mọi việc phải… dần dần.
P.Thảo