Giải đáp 6 câu hỏi thường gặp về ung thư gan

Minh Nhật

(Dân trí) - Ung thư gan thường là biến chứng của tình trạng viêm gan mạn tính do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là viêm gan virus B, viêm gan virus C, viêm gan do rượu.

Theo Hội gan mật TPHCM, ung thư gan được chia thành 2 loại:

- Ung thư gan nguyên phát: Khối u có nguồn gốc tại gan. Về bản chất tế bào người ta chia ra nhiều loại, nhưng loại thường gặp nhất là ung thư biểu mô tế bào gan.

- Ung thư gan thứ phát: Nếu khối u xuất phát từ những cơ quan khác (dạ dày, phổi, vú, đại tràng,...) rồi sau đó di chuyển đến gan.

Giải đáp 6 câu hỏi thường gặp về ung thư gan - 1

Dưới đây là những câu hỏi thường gặp về căn bệnh ung thư gan:

Ai có nguy cơ bị ung thư gan?

Ung thư gan thường là biến chứng của tình trạng viêm gan mạn tính (diễn tiến bệnh âm thầm trong nhiều năm) do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là viêm gan virus B, viêm gan virus C, viêm gan do rượu.

Ngoài ra, tình trạng gan nhiễm mỡ với tăng men gan kéo dài (sau hàng chục năm) cũng có thể dẫn tới ung thư gan nhưng ít gặp hơn. Một số loại hóa chất, độc tố (ví dụ Aflatoxin là độc tố do nấm Aspergillus flavus thường có ở hạt ngũ cốc để lâu ngày bị mốc) có thể gây ra ung thư gan.

Ở độ tuổi nào có thể mắc ung thư gan?

Theo thống kê của Hội Ung thư Hoa Kỳ, độ tuổi trung bình của người bệnh khi được chẩn đoán ung thư gan là 63. Khoảng hơn 95% người được chẩn đoán ở độ tuổi từ 45 trở lên. Khoảng 3% người được chẩn đoán bệnh trong độ tuổi 35-44, còn 2% bệnh nhân trẻ hơn 25 tuổi.

Có phải người bị xơ gan dễ bị ung thư gan hơn hay không?

Xơ gan là hệ quả của tình trạng tổn thương viêm gan lâu ngày, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Người bị xơ gan có nguy cơ bị ung thư gan cao hơn những người chưa bị xơ gan. Do đó, những người đã được chẩn đoán xơ gan cần được làm các xét nghiệm tầm soát ung thư gan định kì (mỗi 3-6 tháng).

Triệu chứng của ung thư gan?

Ung thư gan ở giai đoạn sớm thường không biểu hiện triệu chứng. Ở giai đoạn muộn, khi khối u đã lớn thì một số bệnh nhân mới bắt đầu có những biểu hiện như đau vùng dưới sườn phải, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân…

Vì sao cần tầm soát ung thư gan?

Như đã đề cập, ung thư gan thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Theo một thống kê tại khoa U gan của Bệnh viện Chợ Rẫy, khoảng 50% số bệnh nhân khi phát hiện ung thư gan thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, ít có khả năng can thiệp điều trị hiệu quả.

Vì vậy, những bệnh nhân viêm gan B mạn, viêm gan C mạn, hoặc xơ gan (do bất cứ nguyên nhân nào) đều phải được tầm soát ung thư gan định kì ở cơ sở y tế để phát hiện ung thư gan khi còn sớm.

Nếu ung thư gan được phát hiện ở giai đoạn còn sớm thì điều trị rất hiệu quả.

Làm thế nào để chẩn đoán ung thư gan?

Siêu âm bụng là phương pháp thường được dùng để tầm soát phát hiện ung thư gan. Đây là phương pháp rẻ tiền, không tốn nhiều thời gian thực hiện, không xâm lấn và có thể làm nhiều lần mà không gây hại.

Nếu siêu âm phát hiện một vùng tổn thương nghi ngờ u gan, tiếp theo có thể sử dụng phương pháp chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) vùng bụng để có thể đánh giá chính xác hơn. Các khối ung thư gan thường có đặc điểm hình ảnh khá đặc trưng, nhờ đó, các phương pháp chụp CT hoặc MRI có thể giúp chẩn đoán ung thư gan khá chính xác.