Ý nghĩa của xét nghiệm Pap với ung thư cổ tử cung
(Dân trí) - Xét nghiệm truyền thống này có khả năng phát hiện ra những biến đổi tế bào cổ tử cung tới 70%.
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ đặc biệt trong độ tuổi 30 trở lên. Theo Ghi nhận ung thư 2018, Việt Nam có khoảng gần 4.200 ca mắc mới và có hơn 2.400 ca tử vong vì căn bệnh này. Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, do diễn biến bệnh âm thầm.
Trong khi đó việc chủ động sàng lọc giúp phát hiện sớm những tổn thương từ giai đoạn tiền ung thư, trước khi bệnh gây ra các triệu chứng. Khi phát hiện bệnh ở giai đoạn này, cơ hội điều trị khỏi hoàn toàn là rất cao.
Chị em khi đi khám phụ khoa định kỳ thường được bác sĩ chỉ định xét nghiệm Pap.
Xét nghiệm Pap smear là xét nghiệm đơn giản. Khi khám phụ khoa, soi cổ tử cung, bác sĩ sẽ lấy dịch âm đạo để tiến hành xét nghiệm. Xét nghiệm Pap được thực hiện nhằm tìm kiếm sự thay đổi trong các tế bào cổ tử cung, là một xét nghiệm rất đơn giản để tìm những biến đổi bất thường của tế bào cổ tử cung.
Đây là xét nghiệm quan trọng, giúp bác sĩ phát hiện có bất thường tế bào hay không để tiến hành các xét nghiệm chuyên sâu, khẳng định bệnh.
Xét nghiệm này cho phép phát hiện ra những biến đổi tế bào cổ tử cung tới 70%.
Ngoài làm xét nghiệm Pap, bác sĩ sẽ chỉ định thêm xét nghiệm HPV. Đây là xét nghiệm rất có giá trị trong sàng lọc ung thư cổ tử cung. Bởi virus HPV là thủ phạm chính gây ung thư cổ tử cung (99,7%), lây truyền qua đường tình dục. Bình thường, HPV có hơn 100 type nhưng 14 type có nguy cơ cao gây ra loại ung thư này. Trong đó, có 2 type nguy cơ cao nhất là type 16 và type 18.
Khi xét nghiệm HPV sẽ cho biết bạn có nhiễm virus này không để bác sĩ đưa ra đánh giá nguy cơ để kiểm soát tốt nhất, phát hiện sớm nhất diễn biến ung thư.
Nếu chị em thực hiện tầm soát bằng Pap và xét nghiệm HPV có thể tầm soát và phát hiện sớm bệnh lên tới 90-95%.