1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Gánh nặng viện phí “còng lưng” người nghèo

(Dân Trí) - “Ốm quá tôi mới đi viện, chứ còn không thì cũng cố chịu. Cả gia đình 11 người quanh năm vất vả mới được chục triệu tiền sản, chưa kể chi phí giống má, phân bón. Đùng cái lăn ra ốm phải đi viện, bán sạch rồi mà còn không đủ”, ông Quốc tâm sự.

Ốm thêm vì viện phí

Vừa bị tiểu đường, vừa suy thận, mặc dù có bảo hiểm người nghèo nhưng những khoản chi thuốc men ngoài bảo hiểm, chi phí ăn uống, đi lại… mỗi lần đi viện khiến ra đình ông Nguyễn Văn Quốc 51 tuổi (Mỹ Đức, Hà Nội) rơi vào cảnh bần cùng, kiệt quệ.

Ông cho biết: “Ốm quá tôi mới đi viện, chứ còn không thì cũng cố chịu. Cả gia đình 11 người quanh năm vất vả mới được hơn chục triệu tiền sản xuất, chưa kể chi phí. Đùng cái lăn ra ốm, phải đi viện, bán sạch rồi mà còn không đủ. Tuần 3 lần tôi ra Bạch Mai chạy thận, 2 lần đi lấy thuốc tiểu đường tiết kiệm hết sức cũng mất trên 1 triệu. Con cái lại học hành, rồi tiền sinh hoạt gia đình…  cứ nợ cũ chưa hết, lại thêm nợ mới. Dù đã chấp nhận vay lãi cao, nhưng cũng không vay được nữa vì họ sợ mình không trả được”.

Gánh nặng viện phí “còng lưng” người nghèo - 1

Ốm thêm vì... các khoản chi y tế (ảnh minh họa)

Còn rất nhiều trường hợp như hoàn cảnh của ông Quốc. Chắc hẳn bạn đọc chưa quên hình ảnh thương tâm của vợ chồng anh Vũ Ngọc Quyết và chị Ninh Thị Thuận trong bài: “Căn nhà 6m2 và 3 mảnh đời trước bão” được đăng trên Dân Trí ngày 17/8/2008.

Vợ chồng anh Quyết cùng bị ung thư, là công nhân nên tài sản duy nhất có giá trị của anh chị là ngôi nhà 16m2. Ốm đau, bệnh tật anh chị phải bán đi 2/3 ngôi nhà, chỉ còn lại 6m2 để vợ chồng, con cái tá túc. Số tiền bán nhà nhanh chóng bay theo đống thuốc men, viện phí… anh chị lâm vào cảnh bần cùng với số nợ khổng lồ đến phút cuối đời.

Trong một điều tra tại Hà Nội năm 2008, 33% các hộ gia đình được hỏi cho biết, bệnh tật là lý do khiến mức sống của họ giảm đi hoặc không được cải thiện. Ốm đau liên miên đẩy nhiều người vào cảnh nghèo đói, bần cùng.

60% số hộ gia đình nghèo mắc nợ do chi phí khám chữa bệnh

Trao đổi với báo chí tại hội nghị khoa học lần đầu tiên về kinh tế y tế tổ chức ngày 8/12 tại Hà Nội, tiến sĩ Dương Huy Liệu, Chủ tịch hội khoa học kinh tế y tế Việt Nam cho hay: "Những người nghèo có bảo hiểm y tế hoặc được miễn giảm viện phí thì gánh nặng chi phí đối với họ vẫn là rất lớn, tương đương với khoảng 10 tháng chi tiêu ngoài lương thực, thực phẩm. Một nghiên cứu cho biết có gần 60% số hộ gia đình nghèo mắc nợ do chi phí khám chữa bệnh".

Cũng theo TS. Liệu, trong khi người khá và giàu trung bình một năm đi khám 4,7 lượt còn người nghèo chỉ có 2,9 lượt. Cũng vì thế một khi đã đến viện thời gian nằm viện của họ thường lâu. Gánh nặng của việc mất thời gian do ốm đau của người nghèo chiếm khoảng một phần tư tổng chi phí khám chữa bệnh. Dù đi chữa bệnh ở tuyến cơ sở với chi phí y tế thấp hơn nhưng gánh nặng chi phí y tế đối với người nghèo lại là lớn nhất trong tất cả các nhóm dân cư.

"Chúng ta vẫn còn nhiều tiềm năng để giảm chi phí điều trị. Cần ban hành chính sách sao cho các bệnh viện chủ động giảm nhập viện khi không cần thiết và giảm số ngày điều trị trung bình. Đặc biệt là vấn đề quản lý giá thuốc. Chi phí thuốc chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng chi y tế” TS. Liệu cho biết thêm.

Trong đợt kiểm tra gần đây nhất của Sở Y tế Hà Nội, ông Nguyễn Việt Cường, chánh thanh tra sở Y tế cho biết qua kiểm tra 700 mặt hàng trong số 1.700 lượt mặt hàng được khảo sát, sở ghi nhận một số loại thuốc ngoại tăng giá 1-5%, một số thuốc nội cũng tăng cao hơn ở mức 5-10%. Cá biệt, có khoảng 10 mặt hàng tăng đáng kể với biên độ tăng giá 20-30%.

Đồng thuận với quan điểm của TS Liệu một đại biểu tham dự hội nghị cho rằng: “Cục Quản lý dược nên có biện pháp thắt chặt tình trạng tự ý tăng giá thuốc của các nhà thuốc, các công ty dược. Bên cạnh đó việc in phần giá bán trên bao bì cũng giúp tránh tình trạng tự tăng giá trục lợi của các hiệu thuốc lẻ. Giúp người bệnh giảm phần nào chi phí điều trị. Đồng thời, các bác sĩ nên kê đơn thuốc phù hợp giúp bệnh nhân chữa bệnh hiệu quả, ít tốn kém”.

Thu Hà