1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tăng viện phí, tăng... chất lượng điều trị?

(Dân trí) - “Tại sao ở nước ngoài, nhân viên y tế cúi chào người bệnh, có nước, khi nhân viên y tế ra khỏi phòng bệnh còn đi giật lùi. Tôi đảm bảo, Việt Đức làm được điều đó nếu có tiền”, giám đốc bệnh viện Việt Đức nói trước việc tăng viện phí.

Thiếu kinh phí, khó chăm lo người bệnh

Tại Hội thảo tham vấn về dự thảo Nghị định về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám chữa bệnh công lập diễn ra hôm qua (14/9), rất nhiều lãnh đạo đại diện sở y tế, giám đốc bệnh viện trung ương và địa phương tham dự đều đồng thuận phải tăng viện phí.
 

Tăng viện phí, tăng... chất lượng điều trị? - 1

Ông Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, bức xúc nói: “Chúng tôi đang tự “ăn thịt” mình để duy trì hoạt động của bệnh viện và để có kinh phí chi trả lương, thưởng cho cán bộ y tế. Đáng nhẽ mỗi năm phải có 1- 3% để duy tu nhà cửa, 5- 7% kinh phí để bảo trì máy móc thiết bị nhưng do không đủ kinh phí nên BV đành để máy móc hoạt động đến khi “chết” hẳn, không thể vận hành nữa thì thôi. Và khi không vận hành được, sao có thể đảm bảo chất lượng khám cho người bệnh?”.

Đồng quan điểm này, các bệnh viện cho rằng, với số tiền mà BHYT thanh toán 10.000 đồng một giường bệnh, bệnh viện không biết lấy đâu ra tiền để thay chiếu mới, làm vệ sinh, mức thu 3.000 đồng một lượt khám chỉ bằng tiền một đôi găng tay cũng chẳng còn chỗ để trang bị thêm xà phòng chống nhiễm khuẩn.

Với nhiều người dân hiện rất sợ cảnh vào bệnh viện đông đúc, quá tải, không hài lòng với thái độ của nhân viên y tế. Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, để nhân viên y tế niềm nở, tận tâm với người bệnh, chúng ta hoàn toàn làm được nhưng phải có tiền. “Tại sao ở nước ngoài, nhân viên y tế cúi chào người bệnh, có nước, khi nhân viên y tế ra khỏi phòng bệnh còn đi giật lùi. Tôi đảm bảo, Việt Đức làm được điều đó nếu có tiền. Đằng này, một điều dưỡng phải phụ trách mấy phòng bệnh, quay như chong chóng hết người này kêu đau, người kia tiêm thuốc, truyền… thì làm sao mà có sức niềm nở với người bệnh”.

Hay tại bệnh viện Nhi T.Ư, cảnh đông đúc, chen lấn khiến nhiều người nản không muốn đưa con tới bệnh viện, dù đây là bệnh viện đầu ngành về nhi của cả nước. Vì thế, khi khoa điều trị A tự nguyện của bệnh viện được thành lập, rất nhiều người đã bấm bụng đưa con vào khám, dù chi phí đắt đỏ hơn nhiều lần, nhưng con được khám tận tình, chu đáo, dặn dò kỹ lưỡng.

“Nếu so sánh viện phí tăng tác động tới phần lớn người dân và việc điều trị tại các khu tự nguyện, kỹ thuật cao của bệnh viện với một số người có điều kiện thì có vẻ hơi khập khiễng. Nhưng tôi nghĩ, bản chất vẫn là một. Khi phải chi nhiều tiền hơn, người bệnh sẽ được chăm sóc tốt hơn. Bản thân tôi, khi đưa con vào điều trị tự nghiện A của nhi T.Ư, chỉ khám nội và tổng phân tích máu, xét nghiệm nước tiểu, chụp X-quang phổi, siêu âm ổ bụng… mà đã tốn gần 3 triệu đồng. Nhưng một bác sĩ ngày chỉ khám cho vài bệnh nhân, còn ở phòng khám ngoài, một bác sĩ có ngày khám tới hàng trăm bệnh nhân, làm sao bảo họ niềm nở, vui vẻ được”, anh Nguyễn Tài, khu đô thị Xa La, Hà Đông nói.

Việc tăng viện phí sẽ được thực hiện có lộ trình để giảm tác động mạnh tới người dân. Trong năm 2011- 2012, Bộ Y tế đề xuất tăng phí 350 trong tổng số 3000 dịch vụ đang được thực hiện tại các bệnh viện.

Mức điều chỉnh viện phí lần này vẫn kế thừa nguyên tắc là thu một phần viện phí. Các cơ sở y tế cũng không được thu ngay theo mức tăng tối đa, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ quyết định mức thu của các bệnh viện thuộc trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định mức thu của các bệnh viện thuộc địa phương trong phạm vi khung giá đã quy định.

Đến giai đoạn 2013- 2014, khi điều kiện kinh tế xã hội phát triển, thì mới thực hiện tính đúng, tính đủ các chi phí.
Người bệnh được hưởng lợi?

Trước thông tin tăng viện phí, dù nghe lập luận của ngành y tế, nhiều người dân thấy việc tăng giá là hợp lý. Tuy nhiên, điều mà họ quan tâm là viện phí tăng, có đồng hành với tăng chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh? Liệu người dân có còn phải nằm ghép 2- 3 người/giường? Liệu các bác sĩ có đón tiếp bệnh nhân bằng sự niềm nở hay vẫn sự cáu gắt, cau có như hiện tại?

Rõ ràng, để trả lời những câu hỏi này, ngành y tế sẽ phải nỗ lực trong một thời gian rất dài nữa. Việc điều chỉnh viện phí chỉ là góp phần từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh chứ chưa thể giải quyết ngay được tình trạng quá tải ở các BV, nhất là các BV tuyến trung ương.

Còn trả lời câu hỏi, chất lượng khám chữa bệnh có tăng khi giá viện phí tăng, giám đốc nhiều bệnh viện quả quyết, việc tăng viện phí vừa chia sẻ gánh nặng về tài chính với bệnh viện, vừa mang lại lợi ích cho người bệnh.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, tăng viện phí sẽ giúp các bệnh viện tăng cường các dịch vụ kỹ thuật cao điều trị cho người bệnh. Trần bảo hiểm y tế thanh toán cũng nâng lên và người bệnh sẽ được chi trả nhiều dịch vụ kỹ thuật cao hơn.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đoàn Hữu Nghị, Giám đốc Bệnh viện E cho biết: “Nếu viện phí tăng thì chắc chắn chất lượng dịch vụ y tế công sẽ tăng theo. Hiện cái khó của các bệnh viện là thiếu kinh phí để duy trì cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị”.

“Vì thế, khi giá viện phí được điều chỉnh, bệnh viện mới có tiền để tái đầu tư trang thiết bị, hạ tầng. Nói đơn giản nhất, dù chưa khắc phục được cảnh quá tải nhưng cũng có thể sắm thêm ghế để bệnh nhân ngồi đợi, mua thêm giường gấp cho bệnh nhân tchứ không phải vạ vật ngồi bệt đất, nằm lăn lóc trên manh chiếu ở hành lang”, một giám đốc bệnh viện bày tỏ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng khẳng định, “song song với đổi mới cơ chế tài chính, Bộ cũng chỉ đạo các bệnh viện phải nâng cao chất luợng khám chữa bệnh, giảm phiền hà cho người bệnh”.

Thực tế có thể nhìn thấy nhiều phiền hà cho người bệnh khi đi khám bệnh. Do không có nguồn kinh phí để thực hiện khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ đối với người bệnh BHYT; việc thanh toán với mức thấp như hiện nay có thể dẫn đến tình huống bệnh viện yêu cầu người bệnh đóng thêm tiền hoặc bệnh viện không thực hiện dịch vụ mà yêu cầu người bệnh thực hiện ở cơ sở khác, làm giảm hoặc hạn chế quyền lợi, gây phiền hà cho người bệnh có thẻ BHYT.

Đặc biệt, do cơ cấu giá tính chưa đầy đủ, chưa có khấu hao, duy tu, bảo dưỡng dẫn đến không có kinh phí để bệnh viện thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng, bảo trì tài sản, trang thiết bị, làm trang thiết bị xuống cấp nhanh, thời gian sử dụng ngắn, kém hiệu quả, chất lượng dịch vụ chưa cao; không có nguồn kinh phí để thường xuyên đổi mới, thay thế trang thiết bị.

Khi giá viện phí được điều chỉnh, bệnh viện sẽ có vốn để tái đầu tư cho những trang thiết bị, cơ sở vật chất từ đó phục vụ người bệnh được tốt hơn.
 
Bộ Y tế cho rằng, việc điều chỉnh giá viện phí lần này chỉ áp dụng với các cơ sở y tế công lập và không ảnh hưởng nhiều tới 53 triệu người đã có thẻ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng ngay cả người có thẻ bảo hiểm y tế cũng sẽ “thiệt hại” nặng trong đợt tăng giá. Lý do là với mức đồng chi trả 5% hoặc 20% thì số tiền người bệnh phải trả cũng sẽ tăng cao.

 
Anh Bùi Hồng Quang (29 tuổi ở Đan Phượng, Hà Nội) hiện đang chạy thận 2 lần/tuần tại Trung tâm chạy thận Nhân tạo (BV Bạch Mai), chia sẻ, với mức phí dự tính mới, anh sẽ phải đóng thêm rất nhiều tiền. Do anh điều trị trái tuyến nên anh chỉ được thanh toán chi phí 30%. Với mức giá cũ: Nếu mức phí mới được áp dụng (300 - 400.000 đ/lần), số tiền anh phải tự thanh toán sẽ tăng gấp đôi. “Với tôi, đây là một mức phí nặng nề. Bởi lẽ, tiền lương của tôi chỉ khoảng 6 - 7 triệu/tháng. Bị suy thận độ 3B, tối thiểu tôi phải chạy thận 2 lần/tuần và với đồng lương đó, tôi cũng chỉ đủ để điều trị cho bản thân, còn vẫn phải ăn bám bố mẹ”, anh Quang lo lắng nói.

 
 
 Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm