Vừa tăng viện phí, vừa cho bệnh viện tự chủ: Thả gà ra đuổi

Cho bệnh viện (BV) một cơ chế tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm trong cơ chế thị trường cũng là trao toàn quyền cho họ xoay xở về kinh tế. Và đương nhiên, không nơi nào chỉ đơn thuần lấy thu bù chi...

 

Vừa tăng viện phí, vừa cho bệnh viện tự chủ: Thả gà ra đuổi  - 1

Tăng viện phí nhưng phải chống được lạm dụng kỹ thuật

Vì thế, nếu việc tăng viện phí được thực thi mà chưa có cơ chế giám sát chặt chẽ thì chủ trương này chỉ vô tình tiếp sức cho họ lạm dụng quỹ BHYT - vốn lúc nào cũng chực chờ bị “lõm”.

 

Hai mặt của tự chủ

 

Không thể phủ nhận, cơ chế tự chủ đã giúp cho các BVcó thể huy động vốn mua sắm trang thiết bị hiện đại, mà nếu chỉ trông chờ vào ngân sách chắc chắn còn lâu mới với tới được. Nhờ đó, người dân được khám - chữa bệnh bằng những kỹ thuật cao ngang tầm các nước có nền y học phát triển như mổ nội soi, ghép tạng... BV nâng cao chất lượng khám - chữa bệnh, tăng được thu nhập cho cán bộ công nhân viên, và về y đức cũng phần nào khắc phục thái độ ban ơn, cách hành xử nhiều khi hách dịch trong một bộ phận cán bộ y tế. Nhưng mặt trái thì cũng không thể không nói.

 

Là đơn vị quản lý quỹ BHYT, cơ quan BHXH đã không ít lần có những văn bản báo cáo Bộ Y tế về tình trạng lạm dụng thuốc, xét nghiệm, kỹ thuật cao bằng đủ mọi cách của các BV. Càng BV lớn, xã hội hóa đầu tư trang thiết bị y tế càng nhiều thì lại càng có nhiều cách móc quỹ. Theo kết quả của chính Bộ Y tế khảo sát mới đây ở 18 BV cũng cho thấy, cơ chế tự chủ cũng là cớ để các BV tận dụng càng nhiều càng tốt chỉ định làm các dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ có mức thu cao.

 

Trong hội thảo ngày 19.9 do Bộ Y tế tổ chức về thực hiện cơ chế tự chủ, giám đốc một bệnh viện lớn tại Hà Nội nhận định: “Tự chủ chưa được thực hiện đồng bộ về cơ chế chính sách, cần phải được tháo gỡ kịp thời. Cần phải điều chỉnh cơ cấu nguồn thu cho hợp lý hơn. Việc chỉ định xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật cao không cần thiết, hoặc kê đơn thuốc để lấy hoa hồng... về bản chất là các hình thức kinh doanh kiếm lợi trên người bệnh”.

 

Tiếp tục lạm dụng quỹ

 

Và khi việc chi trả khám - chữa bệnh đặt trên vai quỹ BHYT thì kê tràn lan các dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm, chiếu chụp cho mọi bệnh nhân cũng là một cách kinh doanh kiếm lợi trong nguồn Quỹ BHYT nữa. Ông Nguyễn Minh Thảo - Phó Tổng GĐ BHXH VN - đã phát biểu tại hội thảo ngày 14 - 15.9 mới đây: “Vì tiền giường thấp nên các BV đã phải tăng dịch vụ lên”. Nhưng thử hỏi, khi chính sách thu đủ, thu đúng viện phí được thực thi, các BV có dừng tăng dịch vụ không, hay vẫn thu được dịch vụ càng nhiều càng tốt.

 

Theo ông Vũ Xuân Bằng - Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH VN: “Giá viện phí Bộ Y tế đưa ra trong bản dự thảo nói là minh bạch, nhưng thực ra không minh bạch, nằm ở chỗ bộ chưa có một khảo sát thực tế cụ thể nào để đưa ra mức giá như trên, mà tất cả đều thông qua các đơn vị y tế bên dưới báo cáo lên; trong khi các đơn vị y tế thuộc Bộ Y tế luôn than phiền về viện phí và muốn tăng viện phí”.

 

Lần này thể hiện quyết tâm tăng viện phí, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tin rằng đây là chủ trương có lợi trước hết cho người dân, sau đó mới đến BV và xã hội nói chung. Tuy nhiên, khi đưa ra mức giá tăng thì Bộ Y tế lại vẫn chưa đưa được ra cơ sở khoa học, tính toán cụ thể cho mức giá đó. Còn nhớ tháng 7.2010, Bộ Y tế đã họp báo công bố dự thảo tăng viện phí thì đã vấp phải sự phản đối của dư luận.

 

Một trong những lý do phản đối chính là mức giá tăng chỉ dựa trên đề xuất, báo cáo của các BV chứ chưa có căn cứ khoa học nào. Như vậy, hơn 1 năm qua, căn cứ khoa học vẫn mờ mịt. Có lẽ vì thế mà dù Bộ trưởng Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh, nhiều BV phát biểu tại hội nghị nói trên đều mong muốn có sự đồng thuận của xã hội với chủ trương tăng viện phí, nhưng một tuần qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn tiếp tục phản biện theo hướng chưa đồng thuận.

 

Theo BHXH VN, danh mục được chi trả BHYT ở nước ta gồm khoảng hơn 20.000 loại thuốc. Mới đây, danh mục này bổ sung hàng loạt thuốc có tác dụng hỗ trợ điều trị, thuốc bổ, vitamin và 30 loại thuốc điều trị bệnh ung thư, thuốc ức chế miễn dịch rất đắt tiền. Trong 30 loại thuốc điều trị ung thư, BHXH chỉ đề xuất 7 loại. Theo ông Vũ Xuân Bằng, BHYT thanh toán thuốc bổ, vitamin là điều... chỉ có ở VN.

 

Theo Quang Duy

Lao động