1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vì sao viện phí tăng vọt hàng chục lần?

(Dân trí) - Nhắc đến dự thảo tăng 350 dịch vụ y tế mà Bộ Y tế đề nghị, nhiều người dân tỏ ra bàng quang vì họ cho rằng, hiện đi khám tại bệnh viện, phí khám chữa bệnh cao hơn nhiều lần so với giá vài nghìn đồng Bộ Y tế ban hành trước đó.

Không có phí nào vài nghìn như Bộ Y tế nói!

Bà Tạ Thị Hiền (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) khám tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội cách đây gần một tháng vì chứng ho dai dẳng nhiều đờm kể lại, việc khám ở bệnh viện hoàn toàn không có những chi phí chỉ vài ngàn đồng như danh sách mà Bộ Y tế đưa ra trước đó. Bà kể, vì quên mang theo chứng minh thư nhân dân nên bà không đăng kí khám được BHYT mà chỉ đăng kí khám thường, với chi phí là 100 ngàn đồng. Được chẩn đoán viêm xoang, viêm thực quản, bà được bác sĩ chỉ định chụp CT xoang, nội soi dạ dày, xét nghiệm máu… với chi phí hết gần 2 triệu đồng.

Đưa bảng danh sách một số dịch vụ y tế mà Bộ Y tế dự định tăng giá, bà Hiền vô cùng ngạc nhiên vì với nội soi dạ dày, bà đã phải thực hiện nhiều lần nên “thuộc” giá và bà vẫn nhớ phải nộp hơn 300 ngàn đồng cho một lần nội soi thông thường, còn với nội soi gây mê chi phí là trên 700 ngàn. “Hoàn toàn không có chi phí nội soi dạ dày 10 - 30 ngàn đồng như Bộ Y tế nói”, bà Hiền khẳng định.

Cũng trong tình trạng “bán tín bán nghi” về danh sách giá một số dịch vụ theo quy định cũ của Bộ Y tế, anh Tú (CT2A, khu đô thị Xa La, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, nếu chỉ với giá khám bệnh 3.000 đồng, giá giường bệnh từ 2.500 - 18.000 đ/ngày… thì đợt sốt phát ban con gái anh phải nhập viện 103, chi phí sẽ không thể đến 500 ngàn đồng như đã thanh toán.

“1h chiều thứ 6 con mình phải nhập viện vì sốt cao co giật. Vào đến nơi, bác sĩ có nghe tim phổi, kẹp nhiệt độ, cho uống thuốc hạ sốt, an thần và lấy máu xét nghiệm. Sau đó, bác sĩ kê đơn thuốc để gia đình đi mua theo đơn. Sau đó, bé được nhập viện, theo dõi 1 đêm rồi cho về nhà. Nhưng bận bịu đến thứ 4 mình mới vào làm thủ tục thanh toán viện phí, phí hết 500 ngàn đồng. “Cho là tính giường bệnh đến ngày thứ 4, nhưng bé nằm viện cũng không phải truyền nước, không dùng thuốc của bệnh viện (toàn bộ thuốc bác sĩ kê đơn người nhà tự mua)… mà chi phí đã đến vậy, lấy đâu giường bệnh chỉ mất vài nghìn một ngày như Bộ Y tế nói”, anh Tú băn khoăn.

Thực tế, rất nhiều người bệnh khi được hỏi đều cho rằng, số tiền họ phải chi trả trong quá trình khám chữa bệnh cao hơn rất nhiều so với giá mà Bộ Y tế ban hành trước đó nhiều năm.

Giải thích điều này, ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch - Tài chính cho biết, những trường hợp trên là do người bệnh đi khám bệnh theo yêu cầu và khám vượt tuyến, không có giấy giới thiệu của tuyến dưới, vì thế tiền ngày giường và tiền khám bệnh người bệnh sẽ phải trả theo dịch vụ yêu cầu của bệnh viện. Còn với bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến huyện, trong trường hợp nếu đến khám chữa bệnh tại đúng tuyến đăng ký thẻ BHYT thì người bệnh sẽ được Quỹ BHYT thanh toán từ 80%- 100% chi phí điều trị. Còn nếu vượt tuyến bệnh nhân chỉ được Quỹ BHYT thanh toán theo 30% đối với bệnh viện hạng một, 50% với bệnh viện hạng hai và 70% với bệnh viện hạng ba.

Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng thừa nhận thực tế việc thanh toán với mức phí thấp dẫn đến có trường hợp bệnh viện yêu cầu người bệnh đóng thêm hoặc làm giảm, hạn chế quyền lợi, gây phiền hà cho người bệnh có thẻ BHYT. Và để khắc phục vấn đền này, ông Liên cho rằng việc điều chỉnh viện phí sẽ góp phần tăng chất lượng khám chữa bệnh, BV có đủ kinh phí để triển khai các dịch vụ, Bộ Y tế sẽ quy định định mức khám tối đa cho 1 buồng khám, khi chất lượng khám chữa bệnh tăng lên thì sẽ hạn chế được vấn đề này.

Tăng vọt vì sử dụng kỹ thuật cao

Theo bảng giá 350 dịch vụ Bộ Y tế đề xuất tăng giá, có những dịch vụ chỉ tăng 1 – 2 lần nhưng cũng có những dịch vụ tăng lên 180 lần, ví như dịch vụ sinh thiết tủy xương giá từ 10.000-30.000 đồng, dự kiến tăng lên 1.800.000-2.000.000 đồng. Giá một lần cắt amidan từ 20 - 40.000 đồng dự kiến tăng 600 - 700 ngàn đồng.

Giải thích về sự tăng giá này, ông Nam Liên cho biết: “Những dịch vụ mà mức thu trước đây chỉ khoảng 30.000 đến 40.000 đồng, nay chi phí lên tới vài trăm ngàn hoặc hàng triệu đồng là những dịch vụ mà những năm 1990 làm thủ công. Như với sinh thiết hạch, tủy xương, trước đây dùng kim loại dùng nhiều lần, dùng xong phải mài cho bệnh nhân khác, lấy bằng thủ công, nay kỹ thuật này được thay thế dùng kim hoặc kìm sinh thiết loại dùng một lần, có loại giá trên 500.000 đồng/chiếc; loại dùng nhiều lần giá khoảng 1.000 USD cũng chỉ dùng được cho khoảng 13 đến 14 bệnh nhân. Ngoài ra việc sinh thiết còn có trường hợp phải thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm, cắt lớp vi tính, xác định chính xác vị trí cần sinh thiết nên chi phí lên đến hàng triệu đồng”.
 
Vì sao viện phí tăng vọt hàng chục lần? - 1
Bộ Y tế cho biết, với mức giá giường/ngày mới, bệnh viện chỉ được thu giá này khi đảm bảo 1 bệnh nhân/1 giường bệnh. Nếu nằm ghép phải thu thấp hơn.
Ảnh: H.Hải

Hay như với cắt amidan, trước đây chỉ 20.000-40.000 đồng, do kỹ thuật đơn giản dễ có khả năng gây tai biến cho bệnh nhân, còn hiện nay hầu hết bệnh viện phải sử dụng kỹ thuật gây mê với tổng chi phí khoảng 600.000 - 700.000 đồng/ca (chỉ tính riêng tiền thuốc mê đã khoảng 300.000 đồng/ca, ngoài ra còn tiền bông, băng, thuốc sát trùng, kháng sinh... và các chi phí vật tư tiêu hao trực tiếp khác thì tổng chi phí trực tiếp khoảng 600 - 700.000 đồng/ca).

Vì thế, Bộ Y tế khẳng định, điều chỉnh giá dịch vụ y tế giúp người bệnh được tiếp cận với các phương pháp điều trị kỹ thuật cao, có giá trị trong chữa trị bệnh cho bệnh nhân chính là tăng được chất lượng điều trị. Riêng vấn đề quá tải hay thái độ ứng xử của nhân viên y tế đối với người bệnh thì việc điều chỉnh giá viện phí chỉ là một giải pháp để giảm tải. Tuy nhiên, nếu quy định tiêu chuẩn ngày giường điều trị nội trú, bệnh viện đáp ứng đủ yêu cầu 1 người/giường bệnh mới được thu theo mức trên. Nếu bệnh viện không đáp ứng được mà người bệnh nằm 2, 3 người/giường sẽ phải thu với mức thấp hơn.

Người nghèo thêm “oằn lưng” với phí khám bệnh

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho rằng, tăng viện phí là hợp lý nhưng mức tăng chỉ hợp lý khi phù hợp với sự đáp ứng về tài chính của quỹ bảo hiểm y tế và khả năng chi trả của bộ phận không tham gia bảo BHYT. Việc tăng viện phí tất nhiên sẽ ảnh hưởng trước nhất đến những người không tham gia bảo hiểm y tế. 40% dân cư với 36 triệu người chưa có thẻ sẽ phải tự chi trả cho khoản tăng này. Phải chú ý đây là nhóm có thu nhập thấp và không ổn định. Ngay người tham gia bảo hiểm với chế độ đồng chi trả chắc chắn cũng phải chịu tác động, cụ thể là phải chi trả lớn hơn trước đây.

Khi phí khám bệnh tăng, mức đóng BHYT cũng phải tăng thì mới có thể cân đối thu - chi của quỹ BHYT. Riêng với mức đóng của hộ cận nghèo có hỗ trợ của Nhà nước là 200.000-300.000 đồng/năm mà cũng chỉ có gần 10% đối tượng cận nghèo mua bảo hiểm. Đến khi phí mua BHYT phải tăng lên 500.000 đồng/năm liệu họ có ý định tham gia? Và khi không may bị bệnh, họ sẽ phải thêm oằn lưng với gánh nặng phí khám bệnh tăng.

Chia sẻ về bệnh nhân nghèo khi mắc phải các bệnh mãn tính, phải điều trị lâu dài có BHYT nhưng phải đồng chi trả 5%, TS Nguyễn Cao Luận, trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, với người bệnh nghèo dù chỉ 5% đồng chi trả nhưng thực sự khó khăn với họ.

“Với bệnh suy thận giai đoạn muộn, bệnh nhân phải chạy thận đều đặn tại viện hàng tuần. Chí phí điều trị cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo là 7,5-8 triệu đồng/tháng, nếu lọc màng bụng là 9,5 triệu đồng/tháng. Theo nguyên tắc đồng chi trả, người nghèo có bảo hiểm y tế phải trả 300 - 400.000 đồng/tháng. Dù bệnh viện đã phân bổ lại nguồn thu để hỗ trợ một nửa phí điều trị cho bệnh nhân suy thận có bảo hiểm, nhưng rất nhiều người bệnh nghèo đến mức không có tiền chi phí sinh hoạt, ăn ở trong thời gian chạy thận, nhà neo người nên đành chấp nhận cái chết. Thực tế, có rất nhiều người bệnh, khi phát hiện bệnh, chỉ chạy thận được 1-2 lần để… biết thế nào là chạy thận rồi xin về để chết vì quá nghèo”, TS Luận nói.

Vì thế, với những bệnh nhân nghèo này, khi mức phí chạy thận tăng lên 300 - 400 ngàn/lần, thì chi phí họ phải gánh trong việc đồng chi trả cũng tăng lên.

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, theo tính toán của cơ quan bảo hiểm, với mức giá viện phí mới sẽ đẩy mức chi của quỹ BHYT mỗi năm thêm từ 12.000 tỉ đến 15.000 tỉ đồng. Theo lộ trình thực hiện BHYT, mức đóng BHYT từ 4,5% lên 5% mức lương tối thiểu cũng đang được tính đến. “Như vậy mức đóng của đối tượng công chức sẽ tăng thêm khoảng 11% so với mức đóng hiện tại, đối tượng cận nghèo sẽ tăng từ 430.000 đồng lên 450.000 đồng/năm”, ông Thảo dự tính.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh việc điều chỉnh khung viện phí đối với 350 dịch vụ y tế đang áp dụng từ năm 1995 là việc làm cần thiết nhưng phải nằm trong khả năng chi trả của người dân và phải có hỗ trợ tối đa cho người nghèo, đối tượng chính sách, không gây ảnh hưởng tới an sinh xã hội.

Hồng Hải