Thừa Thiên - Huế:

Đình chỉ hoạt động cơ sở chữa bệnh bằng… nhịn đói

(Dân trí) - Sau khi có tin từ Dân trí, đoàn làm việc của Sở Y tế tỉnh TT-Huế đã về kiểm tra cơ sở chữa bệnh của bà Phạm Thị Xuân Quế. Đoàn đã ra quyết định tạm ngừng hoạt động cơ sở này vì không có bất cứ giấy phép hoạt động nào liên quan.

Theo đó, cơ sở tình thương của bà Quế hoạt động từ năm 2004, lúc đầu tại chùa Diệu Hạnh với 8 phòng. Sau đó, được sự tài trợ của tổ chức phi chính phủ nước Đức, một hội từ thiện và cá nhân bà Quế nên đã chuyển sang hoạt động từ năm 2006 ở khu nhà 2 tầng sau lưng chùa Diệu Hạnh với 4 phòng, 8 giường.

Bệnh nhân đến cơ sở này ngoài bệnh ung thư ra còn có nhiều loại bệnh khác như tim mạch, tiêu hóa, hô hấp, cơ xương khớp, nội tiết…

Khi bệnh đến thì được nằm điều trị bằng phương pháp OSHAWA (ăn gạo lứt, muối mè, uống nước sôi nguội). Trước khi chữa bệnh bằng phương pháp này, bệnh nhân được thanh lọc bằng nhịn đói (có uống nước) từ 3-7 ngày tùy theo bệnh. Ngoài ra không sử dụng phương pháp nào khác và không thu tiền. Về gạo lứt muối mè được phát miễn phí (tuy nhiên bà Quế nói với chúng tôi khi giả làm người bệnh đến cơ sở là khoản này bà bán thu tiền)

Riêng phương pháp OSHAWA được thực hiện theo một số tài liệu lưu hành nội bộ chưa được Bộ Y tế công nhận và cấp phép. Thời gian hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ.

Đoàn đã ghi nhận cơ sở của bà Quế không có bất kỳ một loại giấy phép hoạt động nào của các cơ quan chức năng cấp (như giấy phép hành nghề của Sở Y tế TT-Huế, Chứng chỉ hành nghề về Y tế tư nhân do Sở Y tế tỉnh TT-Huế cấp…); không có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh. Điều này trái ngược với lúc làm việc với chúng tôi, bà Quế nói có giấy phép khám chữa bệnh tây y do Sở Y tế TT-Huế cấp nhưng đã… hết hạn (?!)

Cơ sở chữa bệnh trái phép của bà Quế đã bị đình chỉ hoạt động
Cơ sở chữa bệnh trái phép của bà Quế đã bị đình chỉ hoạt động. Riêng phương pháp OSHAWA (nhịn đói 3-7 ngày, sau đó ăn gạo lứt muối mè) mà bà áp dụng chưa được Bộ Y tế công nhận và cấp phép

Đoàn đã yêu cầu cơ sở tạm ngừng hoạt động chữa bệnh cho đến khi bổ sung đầy đủ các loại giấy tờ liên quan đến công tác khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với PV, ThS. Trần Đình Oanh, Chánh thanh tra Sở Y tế TT-Huế, cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ làm việc thêm với bên Sở LĐ - TB&XH về trường hợp bà Quế. Để đề phòng bà xin sở này giấy phép hoạt động cơ sở tình thương rồi lại có người bệnh vô đó chữa như trước. Nếu sở này cấp giấy thì buộc bà Quế cũng phải có các giấy phép cần thiết từ Sở Y tế thì mới được đón người bệnh vào chữa trị”.

Như Dân trí đã viết bài, cơ sở của bà Quế chữa đủ thứ bệnh với lối nhịn ăn khổ hạnh cho đến khi bệnh nhân lả người đi mới ăn hồ, cháo, gạo lứt muối mè. Không biết có bao nhiêu bệnh đã lành, nhưng một số người đến đây bị bệnh nặng phải làm giấy cam kết có việc gì thì cơ sở sẽ không chịu trách nhiệm. Đây cũng là một điều không được phép với một cơ sở chưa được cấp phép hoạt động như chỗ bà Quế. Một số người điều trị không khỏi đã đưa về và qua đời. Riêng trường hợp chị Phan Thị Thanh (bệnh tim, 50 tuổi,  thôn Bình Lợi, xã Bình Điền, Thị xã Hương Trà, tỉnh TT-Huế) sau khi chữa trị tại đây theo kiểu nhịn đói dài ngày đã nhập viện và chết sau đó không lâu.

Đại Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm