Thừa Thiên - Huế:
"Thần y" chữa bách bệnh bằng… nhịn đói?
(Dân trí) - Cách chữa bệnh từ thiện "truyền thống" của bà Phạm Thị Xuân Quế (tổ 2, khu vực 1, phường Thủy Xuân, TP Huế) gần chục năm qua cho nhiều loại bệnh nhân chỉ là: nhịn đói (!)
Từ lâu nay, qua lời phản ánh của một số bệnh nhân đã từng chữa trị ở cơ sở bà Quế không thành công nhưng chịu đựng nhiều nỗi đau về thể xác. Phương pháp chung đối với người bệnh là đến đây ở lại, nhịn đói và chỉ được uống nước cầm hơi tùy theo sức chịu đựng của mỗi người từ vài ngày đến cả chục ngày. Sau đó, bệnh nhân sẽ lả đi, lúc này sẽ được cho ăn hồ loãng rồi đến cháo và sau đó là gạo lứt - muối mè. Tên gọi của phương pháp là OHSAWA xuất xứ từ Nhật Bản.
Sự việc như “dầu châm vào lửa” khi những ngày đầu tháng 10/2012, PV Dân trí tại Huế nhận được tin báo từ bà Trần Thị Tuyết, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Thị xã Hương Trà, thành viên Ban tiến bộ Hội LHPN tỉnh TT-Huế bức xúc kể về trường hợp một phụ nữ địa phương tên Phan Thị Thanh (50 tuổi, bệnh tim, trú thôn Bình Lợi, xã Bình Điền) vì đến chữa tại cơ sở bà Quế mà kiệt lực, sau khi đưa lên bệnh viện Trung ương Huế được 2 ngày thì tử vong.
Nhập vai là người bệnh, chúng tôi đã đến cơ sở của bà Quế để tìm hiểu thực hư. Sau một hồi quanh co đi tìm, cuối cùng nơi chữa bệnh của bà Quế đã hiện ra ở phía sau chùa Diệu Hạnh. Nhìn từ xa là một ngôi nhà cũ 2 tầng và không có bảng biểu giới thiệu là nơi chữa bệnh. Trong sân vườn có mắc 4 cái võng. 2 người bệnh dáng vẻ gầy gò nhưng đôi mắt rất sáng đang nằm đu đưa trên võng thấy chúng tôi vào mỉm cười.
Hỏi một bệnh nhân từ Huế đang lên đây chữa bệnh “nhà giàu” (bệnh “gút”), anh này cho biết đã lần thứ hai lên chữa. “Lần đầu cách đây mấy tháng, lên cô (bà Quế - PV) nói nhịn ăn mấy ngày đến lúc mô không chịu được nữa thì thôi. Tôi làm theo và thấy ngày đầu tiên rất mệt và khó chịu vì không được ăn gì mà chỉ uống nước lã. Ngày hôm sau cũng vậy. Đến ngày thứ ba, tôi nhịn nguyên ngày và chịu không nổi nữa xin cô cho ăn.
Lúc đó đầu óc tuy rất sáng nhưng toàn bộ cơ thể rã rời, thấy yếu vô cùng. Tôi được cho ăn hồ loãng hơn 1 ngày, tiếp đến là ăn cháo, 2 ngày sau nữa là ăn cơm gạo lứt muối mè. Cô bảo nếu ăn đột ngột sau khi nhịn ăn dài ngày thì ruột do yếu nên có thể sẽ bị thủng nguy hiểm tính mạng. Đến nay tuy thấy bệnh có đỡ hơn nhưng người vẫn còn yếu lắm”, người bệnh trạc hơn 40 tuổi vừa đi chầm chậm trong vườn bà Quế hít thở tập thể dục trò chuyện.
Vào nhà bà Quế, chúng tôi thấy một mệ già đang ngồi cầm bát ăn gạo lứt muối mè với từng cử động yếu ớt. Một cụ ông đi bộ chầm chậm qua lại trong nhà với khoảng cách 6m. Đây là hai người bệnh bị bệnh đau xương, mất ngủ trong số nhiều bệnh nhân đang được điều trị theo phương pháp nhịn đói tại nhà bà Quế. Nhìn chung, ai trông cũng khá chậm chạp và yếu.
Có giấy khám chữa bệnh nhưng đã... hết hạn từ lâu
Tiếp chúng tôi, bà Quế trong dáng dấp ốm yếu gầy gò nhưng rất khỏe với giọng nói to sang sảng xứ Quảng: “Cơ sở này tôi làm từ thiện từ gần chục năm nay, không lấy tiền bất cứ bệnh nào. Nguyên tôi hồi trước là bác sĩ ở khoa lao bệnh viện Y – Dược Huế. Về hưu, tôi cùng một số người tự nguyện làm không công để giúp bệnh nhân. Chỗ này có khoảng chục phòng. Khi nào bệnh đông thì tôi qua chùa Diệu Hạnh bên cạnh xin thêm mấy phòng cho người bệnh. Dựa theo phương pháp OSHAWA là ăn gạo lứt muối mè, trước khi ăn phải nhịn đói vài ngày để thanh lọc chất độc trong cơ thể. Chúng tôi chỉ có lấy tiền gạo lứt muối mè thôi. Có hòm công đức để ở tầng 2 nếu ai muốn thì đóng góp làm công đức cửa phật. Mỗi tháng ba lần, chúng tôi lấy tiền công đức đó ra mua các con vật đi phóng sanh”, bà Quế mở đầu câu chuyện.
Lấy lý do có một số người thân ở nhà bị bệnh nặng nhưng chữa chưa khỏi, nghe “danh tiếng” của cô lâu nay nên lặn lội từ ngoài bắc vào gặp. Bà Quế phấn chấn kể về thành tích của mình: “Ở đây bệnh nào cũng tìm đến tôi từ nhẹ đến nặng và tôi nhận hết để giúp. Trừ một số bệnh quá nặng chỉ chờ đến “lúc đi” thì tôi buộc phải làm giấy cam kết nếu có chuyện gì xảy ra thì cơ sở không chịu trách nhiệm. Nhiều bệnh cũng đã chữa khỏi mà một số bệnh cũng không qua được. Đã vào đây chữa thì phải theo lời của tôi mà nhịn ăn đúng cách. Một số người sau khi chữa chưa xong về lại nhà không nhịn ăn theo phương pháp mà ăn lại rồi bị chết luôn (?!)”.
Hỏi bà Quế áp dụng phương pháp nhịn ăn kiểu gì mà nhiều bệnh khỏi hay thế. Bà trả lời: “Mấy chú cứ vào đây, tin tưởng vào tôi rồi tôi sẽ chữa bệnh cho chứ hỏi nhiều thế. Mỗi bệnh đều có một cách riêng để chữa chứ có bệnh nào giống bệnh nào đâu”.
Chúng tôi hỏi “để người nhà tin tưởng vào Huế chữa bệnh với cô thì cô phải có giấy khám chữa bệnh do Sở Y tế tỉnh TT-Huế cấp phép chứ hiện tại có nhiều “lang băm” chữa bệnh không khỏi mà còn nặng hơn?”. Bà Quế trả lời: “Tôi có giấy phép khám chữa bệnh tây y do Sở T tế cấp nhưng hiện nay đã hết hạn từ lâu”. Hỏi tiếp: “Cho chúng em xem được không cô?”, bà nói: “Các anh làm việc với tôi phải xuất trình giấy tờ liên quan thì tôi mới đưa xem. Các anh là công an "chìm" hả?”
Chúng tôi thắc mắc tiếp: “Tại sao cách chữa của bà giống như đông y nhưng sao bà không có giấy phép này?”. Bà Quế cho biết: “Không cần vào hội đông y, tốn tiền mà chẳng chữa khỏi được gì đâu”. Rồi bà cho biết thêm Sở LĐ,TB&XH tỉnh có cấp cho bà một giấy chứng nhận cơ sở làm việc từ thiện.
Sau khi xin ghi lại số điện thoại và ghi tên của bà Quế vào danh bạ (bà không tiết lộ họ, chỉ nói tới đây hỏi bác sĩ Quế chữa bệnh từ thiện theo lối nhịn đói, ăn gạo lứt muối mè là ai cũng biết), trước khi chúng tôi ra về và hẹn ngày sớm sẽ vào lại cùng với người nhà, bà Quế đưa biếu tặng cho chúng tôi mấy cuốn sách của các tác giả nước ngoài lạ hoắc có phiên dịch sang tiếng Việt và dặn về đọc sơ qua cho hiểu phương pháp tự chữa bệnh bằng... nhịn đói.
Cùng với đó là một phong bì trong có bản đề cương về dự án “Xây dựng nhà tình thương Suối Hoa tại TP Đà Nẵng” như để “quảng cáo” cho phương pháp OSHAWA ngày càng phát triển. Cuối bản đề án có nêu về vấn đề rất “tế nhị” là kinh phí: “Với chỉ 500 triệu đồng vận động quá ít ỏi trong khi kinh phí xây dựng là 3 tỷ trong 2 năm 2012, 2013 nên mong muốn được quý ân nhân, những tấm lòng từ thiện nhân ái phát tâm hỗ trợ, tiếp sức “góp gió công đức” để cho nhà tình thương sớm được hoàn thành “sứ mạng”, đáp ứng nguyện vọng của bao nhiêu bệnh nhân nan y hiểm nghèo đang khát khao chờ đợi”.
Người bệnh tim vì nhịn đói lên cơn đột quỵ rồi chết?
Ông Nguyễn Đại Hóa, Chủ tịch UBND xã Bình Điền, Thị xã Hương Trà cho biết nạn nhân vừa tử vong ở xã là chị Phan Thị Thanh, 50 tuổi, trú thôn Bình Lợi, mắc bệnh tim. “Tôi cũng nghe nói thường ngày chị này đi buôn bán ngoài chợ bình thường. Không hiểu sao lại nghe ai nói rồi đi khám chữa bệnh theo lối nhịn ăn, được khoảng 7 ngày thì đưa lên bệnh viện Huế, 2 ngày sau thì chết. Chúng tôi cực kỳ phản đối và bài xích chuyện mê tín dị đoan từ lâu nay. Riêng trường hợp chị Thanh thì xã không đồng tình chút nào vì cách chữa bệnh mê muội mà có thể là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết. Nếu đau tim thì đến bệnh viện mà chữa chứ mắc gì lại nghe người này người nọ nói mà đi chữa không đúng chỗ dẫn đến hậu quả đáng tiếc như trên”, ông Hóa trao đổi.
Phản đối kịch liệt trước cách chữa bệnh không có cơ sở khoa học này, bà Trần Thị Tuyết, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Hương Trà bức xúc cho hay: “Nạn nhân Thanh tử vong cũng là một thành viên của Hội phụ nữ xã, gia đình và cuộc sống bình thường. Thế mà không biết nghe theo lời đồn đại của ai mà đi chữa bệnh theo nhịn ăn rồi đột quỵ mà chết. Đáng lo hơn là đang có một số người tại địa phương nghe theo kiểu chữa bệnh này. Ngay nhà chị Thanh đến giờ cũng cho rằng chị đã được siêu thoát. Đây là một việc làm cuồng tín, bất chấp cái chết. Mong các anh nhà báo hãy phản ánh để giúp bà con biết mà cảnh tỉnh chứ ngày càng có thêm người lún sâu vào”.
Trong ngày tới cơ sở bà Quế điều tra, chúng tôi hỏi qua bà Quế có người bệnh tên Phan Thị Thanh có đến đây chữa hay không? Bà Quế xác nhận là có. Tuy nhiên, theo bà Quế thì nguyên nhân chị Thanh nhập viện là không phải do cơ thể suy kiệt vì nhịn đói mà vì... trúng gió. “Tôi đã nói không được bỏ quạt máy ban đêm. Tuy nhiên, đêm trước lúc nhập viện, không biết vì nóng quá mà cả hai vợ chồng ngủ trong phòng mở quạt cả đêm. Vì vậy nên đã bị trúng gió mà nhập viện”, lời bà Quế. Hỏi bà đã biết chị Thanh vừa mất hay chưa? Bà Quế dừng một lúc rồi ấp úng nói có.
BS CKII Trần Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Huế: “Tôi đã từng nghe qua phương pháp này. Đây là một kiểu chữa bệnh “ép xác” ở Nhật Bản, áp dụng để chữa cho bệnh ung thư với phương pháp chủ đạo để nhịn ăn cho cơ thể yếu dần. Từ đó, tế bào bệnh ung thư cũng không có nguồn dinh dưỡng cung cấp nên cũng yếu theo mà chết. Nói vậy trên giả thiết thôi chứ không phải bệnh ung thư nào cũng chữa lành.
Trường hợp chị Thanh bị tim mà đi chữa theo kiểu nhịn ăn này là không đúng vì khi không ăn, huyết áp sẽ yếu dần, oxy không được cung cấp lên não. Để lâu ngày người bệnh sẽ trụy dần rồi mất hết sức. Có nhiều chỗ chữa tim tiên tiến nên tới đó sẽ được chẩn đoán, điều trị dứt điểm hơn là làm theo kiểu nhịn đói này. Thực tế cho đến nay, cách chữa bệnh theo nhịn đói chưa được công nhận ở Việt Nam nên nếu áp dụng từ Nhật Bản để chữa cho dân Việt Nam thì không đúng. Chúng tôi sẽ báo cáo ngay lên sở Y tế để xin chỉ đạo xử lý”.
Trao đổi với BS Lư Bá Lộc, Trưởng trạm y tế phường Thủy Xuân về cơ sở khám chữa bệnh của bà Quế trên địa bàn, ông Lộc cho hay có biết chỗ này tuy nhiên không rõ lắm vì bà Quế không liên hệ với trạm trong công việc. “Nếu bà Quế hành nghề chữa bệnh thì theo quy định phải có giấy phép, chứng chỉ do ngành y tế cấp, nếu không có sẽ không đúng với quy định”, BS Lộc nói.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả vụ việc.
Đại Dương