Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 9 tỉnh của Việt Nam

(Dân trí) - Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tính đến ngày (5/3), dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 331 hộ ở 49 xã, 20 huyện của 9 tỉnh, thành phố của Việt Nam; 6.471 con lợn đã bị tiêu hủy.

Trước đó, theo thông tin từ Tổ chức Thú y Thế giới, tính từ năm 2017 đến ngày 26/2/2019, đã có trên 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổng cộng đã có hơn 1 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy.

Còn ở Việt Nam, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 1/2 - 3/3/2019, bệnh xảy ra tại 202 hộ ở 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương). Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.

Tuy nhiên, theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), tính đến ngày 5/3, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại 2 tỉnh Điện Biên và Hòa Bình, nâng tổng số địa phương đang có dịch lên con số 9. Tổng số lợn bị tiêu hủy là  6.471 con.

tieu  huy lon copy.jpg

Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại Hòa Bình. (Ảnh: Báo Hòa bình).

Ông Đỗ Thái Mỹ, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Điện Biên cho biết, trường hợp được phát hiện dịch tả lợn châu Phi đầu tiên vào ngày 4/3 tại xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo. Hiện bệnh dịch này đang có dấu hiệu lan sang các địa bàn khác thuộc 2 xã Ta Ma và Mường Mun, huyện Tuần Giáo. 

Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên phối hợp với UBND huyện Tuần Giáo tiến hành kiểm tra nắm bắt tình hình, đồng thời chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Về phía Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên cũng khuyến cáo người dân: Cần chủ động kiểm tra, giám sát đàn lợn của gia đình; nếu có triệu chứng bất thường thì khẩn trương báo cho cơ quan chuyên môn để chủ động trong việc chẩn đoán.

Bên cạnh đó, phải tuyệt đối chấp hành việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, cách ly đối với những con lợn bị bệnh; không được phép mua bán lợn bệnh, sử dụng thực phẩm từ thịt lợn ở những nơi không rõ nguồn gốc và tuyệt đối không ăn tiết canh lợn. 

Ngoài Điện Biên, dịch tả lợn châu Phi cũng đã được phát hiện tại tỉnh Hòa Bình. Theo đó, tối 5/3, UBND huyện Lương Sơn đã công bố dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tại xã Hợp Thanh. Đồng thời khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách để chống dịch, báo cáo các cấp để có biện pháp chỉ đạo phối hợp chống dịch kịp thời và hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Ngay sau khi tỉnh Hòa Bình phát hiện ổ dịch, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã trực tiếp kiểm tra và đề nghị: Hệ thống chính trị của tỉnh cùng vào cuộc, các lực lượng cùng tham gia để kiểm soát chặt chẽ việc bán "chạy”, bán "chui” của một số cơ sở chăn nuôi nhằm tránh lây lan, thực hiện nghiêm việc tiêu độc, khử trùng, tăng cường kiểm tra, giám sát vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn.

Địa phương tạo điều kiện về thủ tục hành chính để người chăn nuôi sớm nhận được hỗ trợ từ nguồn ngân sách dự phòng tỉnh và mong muốn tỉnhcó phương án hiệu quả nhất ngăn chặn, khoanh vùng, dập dịch.

Tiếp tục xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi thứ 2 tại Thanh Hóa

Sau hơn 10 ngày dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại huyện Yên Định (Thanh Hóa) thì mới đây ổ dịch thứ 2 tiếp tục được phát hiện ở huyện Thiệu Hóa.

Tại đây, cơ quan chức năng đã tiêu hủy 10 con lợn với trọng lượng gần 900 kg.

Theo báo cáo của UBND huyện Thiệu Hóa thì vào ngày 5/3, sau khi nhận được báo cáo của UBND xã Thiệu Phúc về việc đàn lợn của ông Nguyễn Khắc Hùng (xóm 1) có 4 con bị ốm chết bất thường . UBND huyện đã chỉ đạo Trạm thú y huyện đấu mối với Chi cục thú y tỉnh kiểm tra lâm sàng, mổ khám, lấy bệnh 3 mẫu gửi đi xét nghiệm.

Đến 22h cùng ngày cho kết quả 3/3 mẫu dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngay trong đêm, UBND huyện Thiệu Hóa đã phối hợp với chi cục thú y tỉnh Thanh Hóa tiêu hủy toàn bộ đàn lợn của gia đình ông Hùng với tổng 10 con, trọng lượng 880kg. Ngoài ra, hộ ông Hùng cũng tự nguyện tiêu hủy 125kg thức ăn chăn nuôi, 9 con vịt nuôi cùng chuồng lợn đồng thời tiêu độc khử trùng bằng vôi bột.

 - 1

Chốt kiểm soát tại xã Thiệu Phúc.

Cũng ngay trong đêm ngày 5/3, UBND huyện Thiệu Hóa đã lên phương án bao vây, khống chế ổ dịch như thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch; triển khai kế hoạch ngăn chặn ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch; ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng chống bệnh  dịch tả lợn châu Phi…

Ngoài ra huyện cũng thành lập 5 chốt kiểm dịch cấp huyện, 3 chốt kiểm dịch tại xã Thiệu Phúc  và chỉ đạo các xã thành lập chốt kiểm soát 24/24…

 - 2

Cơ quan chức năng tiêu hủy lợn của gia đình ông Hùng.

Tại huyện này, vào tháng 1, cũng mới xảy ra dịch lở mồm long móng trên đàn lợn tại 5 xã: Thiệu Đô, Thiệu Tâm, Thiệu Phú, Thiệu Phúc, Thiệu Thành, Thiệu Tiến, số lợn phai tiêu hủy là 306 con.

 

Quảng Bình phát tờ rơi phòng, chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi

 

Ngày 7/3, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình đã tổ chức công bố tình hình phòng chống dịch tả lợn Châu Phi cũng như đề ra các giải pháp khẩn cấp đề phòng đại dịch này.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp Quảng Bình khẳng định, tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Bình chưa ghi nhận xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi. Sở NN&PTNT tỉnh này khuyến cáo nguy cơ bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm, lây lan vào Quảng Bình là rất cao do nằm trên nhiều tuyến giao thông xuyên quốc gia, quốc tế, lượng khách du lịch đông.

Để ngăn chặn triệt để đại dịch này, tỉnh Quảng Bình cũng đã tích cực triển khai đồng loạt nhiều giải pháp phòng ngừa. Ngoài tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, Sở Nông nghiệp Quảng Bình đã cho phát hành hàng ngàn tờ rơi có nội dung tóm tắt về cách nhận biết sớm và cách phòng, chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi để tuyên truyền đến người dân.

Cùng với đó, Quảng Bình cũng đã thành lập 2 tổ liên ngành có chức năng dừng xe trên các quốc lộ để kiểm soát tình trạng vận chuyển gia súc, nhất là lợn.

 - 2

Phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống dịch tả lợn Châu Phi

 

Bình Minh - Đặng Tài

Nguyễn Dương