(Dân trí) - Theo các chuyên gia truyền nhiễm, dù nhiều siêu vi có xu hướng bị "thoái hóa" sau một thời gian, nhưng chưa đủ căn cứ khoa học để nói virus SARS-CoV-2 gây Covid-19 đang tự diệt ở Nhật Bản và Châu Phi.
Dịch Covid-19 ở Nhật giảm nhanh khó hiểu: Thực hư chuyện virus "tự diệt"
(Dân trí) - Theo các chuyên gia truyền nhiễm, dù nhiều siêu vi có xu hướng bị "thoái hóa" sau một thời gian, nhưng chưa đủ căn cứ khoa học để nói virus SARS-CoV-2 gây Covid-19 đang tự diệt hay biến mất ở Nhật Bản và Châu Phi.
Những ngày qua, khi tình hình đại dịch ở hầu hết các quốc gia trên thế giới vẫn diễn biến theo chiều hướng phức tạp, thông tin Covid-19 bất ngờ lắng xuống ở Nhật Bản và khu vực Châu Phi khiến dư luận đặc biệt chú ý.
Cụ thể tại Nhật Bản, từ chỗ đạt đỉnh dịch vào tháng 8 với số bệnh nhân Covid-19 có lúc lên 26.000 trường hợp/ngày, đất nước này dần kéo giảm số ca nhiễm xuống 4 và 3 con số, để hiện tại thống kê trung bình mỗi ngày chỉ khoảng trên dưới 200 F0 mới phát hiện. Kéo theo đó là số trường hợp tử vong đếm trên đầu ngón tay.
Ngày 7/11, Nhật thậm chí không ghi nhận ca mất vì Covid-19 nào.
Còn tại châu Phi, khu vực vốn được đánh giá là vùng trũng về y tế, bị lo ngại về sự tàn phá khủng khiếp khi đại dịch bùng phát trước đây, lại chỉ chiếm khoảng 3% số ca tử vong vì Covid-19 toàn cầu (trong tổng số hơn 5,1 triệu ca). Đến nay, các thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy mới có chưa đầy 6% dân số châu Phi được tiêm vaccine.
SARS-CoV-2 bị "thoái hóa" hay miễn dịch cộng đồng?
Những thống kê trên làm dấy lên luồng ý kiến: Liệu Covid-19 hay cụ thể là biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 có đang tự suy yếu, "tự hủy hoại" rồi biến mất ở một số nơi. Nếu chiếu theo cơ chế này, đại dịch "thảm họa" mà nhân loại đang phải gánh chịu sắp đến ngày kết thúc?
Trao đổi với Dân trí, ThS.BS Đỗ Cao Vân Anh, Phó trưởng Bộ môn Nhiễm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) cho biết, những thông tin về tình hình dịch lắng xuống chóng vánh của Nhật Bản đang lan truyền thực chất mới chỉ được chia sẻ trên một số tờ báo phổ thông, chưa một tạp chí khoa học, chuyên ngành nào đăng tải chính thức.
Do đó, dù các con số là đáng mừng nhưng những lý giải hiện tại đều mang tính chủ quan. Trong y khoa cần có chứng cứ xác đáng từ những nghiên cứu đã được công bố và cần có giải thích theo con đường xã hội học.
Theo ThS.BS Vân Anh, đến thời điểm hiện tại có một số nhận định tương đối hợp lý đối với tình hình dịch ở Nhật Bản, như việc người dân tuân thủ 5K để phòng bệnh tốt, hay tỉ lệ tiêm vaccine hiện đã cao nên khả năng lây nhiễm giảm xuống mức rất thấp.
Dù vậy, SARS-CoV-2 là virus rất mới, có nhiều vấn đề mà giới chuyên môn vẫn còn chưa hiểu rõ, nên thông tin về dịch Covid-19 được đưa ra trên thế giới vẫn thường xuyên thay đổi.
Nói về một số quy luật chung, chuyên gia cho biết những loại virus nào có độc lực cao, lây lan nhanh thì thường sau một thời gian nhất định, bộ gen của nó sẽ thoái hóa. Có thể lấy ví dụ như cúm A/H5N1 (gây bệnh ở gia cầm) sau một thời gian bùng phát mạnh thì mất dần chủng độc lực cao. Hay cúm ở người, cúm A/H1N1 (bùng phát năm 2009), trải qua quá trình tiêm ngừa trong cộng đồng đã tạo được kháng thể, cắt đứt đường lây truyền và số lượng virus giảm dần.
"Khi số người có kháng thể đã rất nhiều, đường lây không còn nhiều thì mặc nhiên virus cũng trở thành một loại bệnh rất quen thuộc" - ThS.BS Vân Anh lý giải.
Với virus SARS-CoV-2, trước đây vào năm 2016, WHO từng phát hành một tài liệu cảnh báo về nguy cơ lây bệnh từ động vật sang người và khả năng bùng phát thành dịch. Đến giờ khi đã thành đại dịch, nếu nhìn nhận lại, ThS.BS Vân Anh cho rằng đột biến của SARS-CoV-2 dường như đã phát triển thành một chuỗi. Bắt đầu từ 2003 là nhóm bệnh SARS (do virus SARS-CoV gây ra), đến 2015-2017 là MERS-CoV (virus corona gây hội chứng hô hấp cấp ở Trung Đông), và đến năm 2019 là SARS-CoV-2.
Các đột biến virus corona thường thay đổi nhanh và có độc lực rất cao. Ở hai lần bùng dịch trước đều lắng xuống sau một thời gian. Tuy nhiên không thể áp dụng quy luật này cho hiện tại, vì ngoài biến chủng Delta đang gieo rắc nỗi kinh hoàng, vẫn chưa biết còn xuất hiện biến chủng đáng sợ nào của SARS-CoV-2 hay không.
Mặt khác, chuyên gia cho biết trong những đột biến mà virus tạo ra, ngoài đột biến có lợi thì cũng có những đột biến gây hại cho chính nó, làm virus không tồn tại độc lập được ở môi trường ngoài, suy giảm số lượng.
Bên cạnh đó, virus cũng có cơ chế "đấu tranh sinh tồn". Cụ thể, khi con người tiêm vaccine gây ức chế virus, khiến chúng không thể nhân bản và phát triển trong cơ thể người hay động vật. Theo thời gian, chúng sẽ tìm cách đột biến để tồn tại và từ đó làm bùng dịch.
Ở góc độ khoa học, nhà nghiên cứu về di truyền học thường sử dụng kỹ thuật Modelling (mô phỏng). Nghĩa là theo dõi, phân tích các chủng virus ở những khu vực gần nhau đang bùng phát dịch, như chủng Delta ở Việt Nam có giống ở Lào, Campuchia hay Trung Quốc không? Từ đó, người ta sẽ giải mã trình tự gen virus, xem có đột biến mới hay không, dự đoán về mức độ, tốc độ lây lan, khả năng gây bệnh nặng để có những giải pháp phòng chống dịch phù hợp.
"Mọi chuyện còn phía trước, không ai đoán được bộ gen của virus thay đổi thế nào" - chuyên gia truyền nhiễm nói và cho rằng cơ chế "tự suy yếu" hay "tự biến mất" chỉ nằm trong phỏng đoán.
Đừng lấy suy đoán làm hy vọng hão huyền
Đồng tình với quan điểm trên, bác sĩ Nguyễn Trần Nam, chuyên khoa Nhiễm, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho rằng, chưa đủ căn cứ để nói virus SARS-CoV-2 có cơ chế "tự hủy", "tự diệt".
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, trong lịch sử các lần bùng phát dịch, có những đợt siêu vi sau một thời gian lưu hành sẽ thích ứng, trở thành lành tính hơn và suy yếu. Như ở coronavirus, có chủng gây bệnh cho động vật (animal coronavirus) và chủng gây bệnh cho người (human coronavirus). Chủng ở người sau một thời gian là siêu vi lạ thì hiện tại chỉ gây bệnh cảm cúm thông thường.
Tuy nhiên, virus gây ra dịch Covid-19 là một chủng mới, và chưa có một biểu hiện cụ thể nào cho thấy đang đi theo quy luật trên.
Bên cạnh đó, dù thời gian qua có một số đột biến gen bị giảm độc lực, làm virus SARS-CoV-2 suy yếu đi, nhưng không có nghĩa là tất cả biến chủng của siêu vi đều như vậy. Do đó, muốn trả lời được câu hỏi dịch bệnh ở châu Phi hay Nhật Bản có đang giảm xuống hay không, cần có một thời gian dài thống kê và nghiên cứu.
Theo bác sĩ Nam, tỉ lệ tiêm chủng tại Nhật Bản rất tốt. Thói quen đeo khẩu trang với người Nhật đã có từ trước khi có dịch một thời gian dài, là thứ không thể tách rời như quần áo. Về chiến lược xét nghiệm, Nhật Bản không xét nghiệm tràn lan mà chọn lọc những người có triệu chứng là chính. Đây có thể là những nguyên nhân lý giải về việc chống dịch thành công của "xứ sở mặt trời mọc".
Tại châu Phi, không thể phủ nhận khu vực này có lợi thế là dân số trẻ và sống thưa thớt. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho rằng, hệ thống quản lý y tế của châu Phi nhìn chung vẫn còn khiếm khuyết, do đó các số liệu, thống kê chưa đủ để xem như bằng chứng xác thực mà nhận diện tình hình.
Làm thế nào để đánh giá một quốc gia như Nhật Bản đã đạt miễn dịch cộng đồng với Covid-19? Trả lời câu hỏi này, chuyên gia cho rằng đây là khái niệm mà mọi người vẫn còn nhầm lẫn. Nếu gọi là miễn dịch cộng đồng thì người dân phải nhiễm hết, để khi hết bệnh có kháng thể. Nhưng kháng thể hiện tại của người Nhật hầu hết do tiêm vaccine mà có, và sau đó mới nhiễm bệnh.
"Để đạt được miễn dịch cộng đồng (nhiễm bệnh tất cả) sẽ phải trả giá bằng sinh mạng nhiều người" - bác sĩ Nam nhận định.
Về khả năng Covid-19 có thể tồn tại một chủng tiềm tàng trong cơ thể để bùng phát ở tương lai hay không, bác sĩ Nam cho rằng là điều "không thể". SARS-CoV-2 là một virus gây bệnh cấp tính, không phải các loại có thể "trú ẩn" như virus viêm gan siêu vi gây bệnh mạn tính.
Chuyên gia khuyến cáo với những thông tin chưa đủ sơ sở, người dân có quyền lạc quan nhưng đừng chủ quan, hy vọng "hão huyền" vào việc Covid-19 tự rời xa con người. Vaccine và 5K vẫn quan trọng nhất trong tình hình hiện tại.
Ngày 26/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tổ chức một cuộc họp đặc biệt để thảo luận về biến chủng mới của SARS-CoV-2 có tên B.1.1.529 (được đặt tên là Omicron), trước nguy cơ lây lan rộng.
Biến chủng B.1.1.529 được đánh giá "tồi tệ" hơn cả chủng Delta, khi có 32 đột biến trong protein gai, có thể ảnh hưởng tới khả năng nhiễm bệnh và tốc độ lây lan của virus, cũng như khiến tế bào miễn dịch khó tấn công mầm bệnh hơn.
Biến chủng này xuất hiện đầu tiên ở châu Phi, khu vực mà trước đó theo thống kê chỉ chiếm 3% số ca tử vong trên toàn cầu dù tỷ lệ tiêm chủng thấp, làm dấy lên giả thuyết virus SARS-CoV-2 đang "tự diệt". Ngoài Nam Phi và Botswana, Hong Kong (Trung Quốc) là khu vực khác đã phát hiện biến chủng B.1.1.529.
Hiện tại, Anh và Israel là hai quốc gia đã đưa một số nước châu Phi vào danh sách hạn chế di chuyển vì lo ngại dịch bệnh từ biến chủng mới.
(Theo CNN, CNBC, WHO.INT)