Đi khám vì rong kinh, người phụ nữ tình cờ phát hiện ung thư đã di căn
(Dân trí) - Sau 20 ngày bị rong kinh, người phụ nữ 46 tuổi, ở Hà Nội đi khám thì phát hiện mắc u tế bào hạt ở người lớn, một thể hiếm gặp của ung thư buồng trứng, ung thư đã di căn phúc mạc.
Bệnh nhân là chị B.T.N.H. 46 tuổi. 20 ngày trước khi vào viện, chị có biểu hiện rong kinh, rong huyết kéo dài, kèm theo mệt mỏi, ăn kém, gầy sút cân. Chị đi khám tại Bệnh viện 354 thì phát hiện thiếu máu mức độ vừa. Kết quả chụp CT ổ bụng phát hiện khối u dưới gan trái, u buồng trứng phải, nhân di căn phúc mạc.
Sau đó, chị nhập viện Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai để điều trị. Năm 2018, chị từng phẫu thuật u nang buồng trứng trái.
Theo bác sĩ, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng da niêm mạc nhợt nhạt nhiều, không còn ra máu âm đạo, khám bụng phát hiện vùng hạ sườn phải có khối u kích thước 10x6cm, cứng chắc, không di động. Bệnh nhân được chỉ định làm xét nghiệm tế bào học cổ tử cung-âm đạo song không thấy tế bào ác tính.
Kết quả chụp CT bụng có khối u dưới gan trái kích thước 71x113mm, nhiều nhân di căn phúc mạc kích thước 46x69mm, u buồng trứng phải kích thước 52x48mm… Bệnh nhân được hội chẩn, chỉ định mổ nội soi cắt u buồng trứng phải, u dưới gan trái, và các nhân di căn.
Chị được chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng giai đoạn 4 di căn phúc mạc. Kết quả giải phẫu bệnh là u tế bào hạt ở người lớn. Bác sĩ chỉ định điều trị hóa chất với 6 chu kỳ.
U tế bào hạt ở người lớn là một thể bệnh học trên lâm sàng và phân tử đặc biệt của ung thư buồng trứng. Nó được xếp vào trong nhóm ung thư buồng trứng nguồn gốc từ mô đệm sinh dục của buồng trứng.
Trong phân loại giải phẫu bệnh của ung thư buồng trứng, u tế bào hạt được xếp vào trong nhóm một của ung thư biểu mô buồng trứng là nhóm có tiên lượng tốt. Tỷ lệ gặp u tế bào hạt ở người lớn trong ung thư buồng trứng là 3-5%. Phần lớn bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn sớm nên có tiên lượng tốt.
Theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, phẫu thuật là phương pháp điều trị chính trong điều trị ban đầu cũng như khi bệnh tái phát hoặc tiến triển. Hóa trị thường được chỉ định duy nhất khi bệnh tiến triển hoặc không thể phẫu thuật được. Tuy nhiên, khoảng 1/3 bệnh nhân tái phát hoặc tiến triển sau 4-7 năm dẫn đến khoảng 50% bệnh nhân tử vong trong nhóm bệnh này.
Đặc trưng lâm sàng của loại mô bệnh học này là tình trạng rong kinh, rong huyết kéo dài do tế bào hạt tăng tiết estrogen dẫn đến tăng sinh niêm mạc tử cung. Vì vậy, bệnh nhân xuất hiện ra máu âm đạo bất thường kéo dài cần lưu ý đi khám sớm để được chẩn đoán bệnh kịp thời.