Đại tiện ra máu đỏ tươi, coi chừng tử vong vì căn bệnh tiêu hóa thường gặp
(Dân trí) - Theo bác sĩ, căn bệnh đường tiêu hóa thường gặp này sẽ gây biến chứng thủng ruột hoặc tạo áp xe, xuất huyết ồ ạt làm đại tiện ra máu, thậm chí tử vong nếu không được xử trí và can thiệp kịp thời.
Gần đây, ông K. (68 tuổi, ngụ quận 1, TPHCM) đại tiện ra phân có máu đỏ tươi và chảy ồ ạt, kèm đau vùng bụng phải, nên đến bệnh viện kiểm tra.
Tại bệnh viện, ông được các bác sĩ thăm khám, xét nghiệm máu và chụp cắt lớp vùng bụng, phát hiện đại tràng phải có túi thừa viêm tấy, có vị trí đang chảy máu nhiều.
Nhận định bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa mức độ nặng, nguy cơ mất máu nếu không được can thiệp kịp thời, các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn liên chuyên khoa, bù dịch và truyền khẩn hơn 700ml máu cho người bệnh. Sau hội chẩn, ekip điều trị quyết định can thiệp nội mạch cấp cứu, để tắc mạch máu đang chảy.
Quá trình can thiệp, người bệnh được đưa một ống thông nhỏ (đường kính 0,7mm) vào động mạch đùi tại vùng bẹn, luồn đến vị trí chảy máu. Ekip điều trị đã bơm dung dịch xốp qua ống thông, làm bít mạch máu đang chảy. Sau 40 phút, việc can thiệp thành công. Nhờ vậy, người đàn ông hết đi tiêu ra máu, giảm đau bụng và xuất viện sau vài ngày điều trị bằng kháng sinh.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Định, chuyên khoa Tiêu hóa cho biết, bệnh túi thừa đại tràng gặp ở 10% người trên 40 tuổi và đến hơn 50% người trên 60 tuổi. Hầu hết các túi thừa đại tràng không có triệu chứng, được phát hiện tình cờ khi nội soi đại tràng hoặc khi có túi thừa bị viêm.
Biến chứng viêm túi thừa đại tràng đa số là thủng hoặc tạo áp xe, khoảng 5% trường hợp có biến chứng xuất huyết, gây ra tình trạng đi tiêu phân có máu. Xuất huyết từ túi thừa chiếm 30-50% trường hợp chảy máu ồ ạt ở đại trực tràng, nhất là với bệnh nhân có độ tuổi từ 70 trở lên, hoặc ở những người béo phì.
Xuất huyết từ túi thừa đại tràng có thể âm ỉ. Một số trường hợp có thể tự cầm, nhưng cũng có khi gây xuất huyết ồ ạt làm đi tiêu ra máu đỏ tươi. Thậm chí, bệnh nhân có thể tử vong nếu không được xử trí và can thiệp kịp thời.
Tùy thuộc vào thể trạng bệnh nhân và phương tiện có sẵn, kinh nghiệm bác sĩ, có một phương pháp điều trị xuất huyết túi thừa đại tràng, như nội soi tìm điểm chảy máu và can thiệp cầm máu, nút động mạch chảy máu, hoặc phẫu thuật cắt đoạn đại tràng cấp cứu...
Bác sĩ khuyến cáo, để phát hiện sớm bệnh lý túi thừa đại tràng cũng như các bệnh lý đường tiêu hóa nói chung, người dân cần khám sức khỏe định kỳ, nội soi đại tràng tầm soát bệnh, đặc biệt ở những người trên 40 tuổi, hoặc có các triệu chứng như đau bụng, rối loạn tiêu hóa, đi tiêu phân đen...
Để phòng ngừa các biến chứng của túi thừa đại tràng, cần phải ăn chế độ ăn nhiều chất xơ, tăng cường vận động, tập thể dục...