Ngày càng nhiều người trẻ mắc căn bệnh hiểm phải cắt lưỡi, đau đớn nặng nề
(Dân trí) - "Khi ở giai đoạn cuối, tiên lượng sống của bệnh nhân chỉ còn 30-40%. Nếu không điều trị, thời gian tử vong có thể tính bằng tháng" - bác sĩ cảnh báo về căn bệnh hiểm ác ở lưỡi đang ngày càng trẻ hóa.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS.BS Nguyễn Anh Khôi, Trưởng khoa Ngoại 6, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Phó trưởng bộ môn Ung Bướu, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ, những năm gần đây, khoa tiếp nhận ngày càng nhiều bệnh nhân tuổi đời còn khá trẻ đã mắc ung thư lưỡi.
Ung thư lưỡi ngày càng trẻ hóa
Điển hình là trường hợp của một nam thanh niên 26 tuổi. Khai với bác sĩ, chàng trai cho biết trước đó xuất hiện một vết loét khoảng 1cm ở bờ lưỡi trái. Đi khám tại bệnh viện địa phương, bệnh nhân được chẩn đoán là viêm lưỡi, cho toa thuốc. Gần 4 tháng trời, bệnh nhân uống thuốc và đi tái khám nhiều lần, nhưng sang thương ở lưỡi không lành, vết loét ngày càng lan rộng, gây đau và hạn chế cử động của lưỡi. Khi vào Bệnh viện Ung bướu TPHCM "cầu cứu", bệnh nhân được chẩn đoán đã mắc ung thư lưỡi giai đoạn 4.
Ekip điều trị đã tiến hành cắt hơn nửa lưỡi và sàn miệng, nạo hạch cổ cho bệnh nhân. Sau đó, nam thanh niên được lấy da đùi để tái tạo lưỡi bằng kỹ thuật vi phẫu tạo hình. Hậu phẫu, bệnh nhân tiếp tục được hóa xạ trị đồng thời để ngăn ngừa bệnh tái phát. Đến nay, bệnh nhân có thể nói và nuốt tương đối bình thường.
TS.BS Nguyễn Anh Khôi chia sẻ, cách đây khoảng 20 năm, trung bình mỗi năm có khoảng 100-150 ca ung thư lưỡi nhập Bệnh viện Ung bướu TPHCM điều trị, phẫu thuật. Hiện nay, con số này đã lên đến 300 trường hợp.
Một nghiên cứu tại Mỹ chỉ ra, trong vòng 30 năm (1976-2006), số bệnh nhân ung thư lưỡi dưới 40 tuổi đã tăng gấp 4 lần. Tại Việt Nam, dù chưa có những thống kê lớn nhưng thực tế điều trị ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho thấy, người mắc ung thư lưỡi có sự trẻ hóa theo thời gian. Nếu trước đây, số lượng bệnh nhân dưới 40 tuổi chiếm dưới 5% tổng số ca, thì giờ đã khoảng 15%.
Với bệnh nhân trẻ, vì chủ quan sức khỏe tốt và không nghĩ mình bị ung thư nên ít đi khám bệnh, đến khi vào viện đã ở giai đoạn muộn. Một tình trạng khác là việc cơ sở y tế tuyến dưới ít có kinh nghiệm chẩn đoán ung thư lưỡi, dễ bị nhầm lẫn sang viêm loét lưỡi thông thường và điều trị sai cách, khiến việc can thiệp sau đó tại tuyến trên gặp nhiều khó khăn.
"Ban đầu, người mắc bệnh ung thư lưỡi không có triệu chứng rõ ràng, chỉ là một vết loét ở lưỡi. Lâu dần, vết loét này gây đau ngày càng nhiều. Đến khi biến chứng nặng, lưỡi cử động khó, thậm chí không thể thè ra được, bệnh nhân mới hốt hoảng đi khám. Lúc này, bệnh đã ở vào giai đoạn trễ" - TS.BS Khôi dẫn chứng.
Đau đớn nặng nề, thời gian sống tính bằng tháng
Bác sĩ Khôi phân tích thêm, ở người mắc bệnh ung thư lưỡi, ăn uống rất bất tiện. Lúc mới đau, nhiều người sẽ cố gắng chuyển từ thức ăn cứng sang thức ăn mềm để dễ nuốt, tuy nhiên sau đó cũng không thể chịu nổi. Bệnh nhân không ăn uống được sẽ khiến cơ thể suy mòn, xuống cân.
Ngoài ra, việc vệ sinh răng miệng cũng rất khó. Đến khi khối bướu lở loét ra, bệnh nhân sẽ không dám đánh răng, khiến tình trạng tổn thương càng nghiêm trọng. Nhiều trường hợp phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư lưỡi giai đoạn trễ, mùi hôi thối nồng nặc trong miệng cũng khiến các bác sĩ ám ảnh.
Đáng chú ý, thời gian để ung thư lưỡi phát triển từ giai đoạn đầu đến giai đoạn cuối ở người trẻ chỉ cần từ 4-8 tháng, đồng nghĩa với việc tính mạng bị đe dọa nặng nề. "Khi ở giai đoạn cuối, tiên lượng sống sót của bệnh nhân chỉ còn từ 30-40%. Nếu không điều trị, bệnh nhân ung thư lưỡi chắc chắn sẽ chết và thời gian tử vong có thể tính bằng tháng" - bác sĩ Khôi phân tích.
Ngoài phẫu thuật, người mắc ung thư lưỡi có thể được hóa xạ trị. Khi tiến hành phương pháp này, bệnh nhân sẽ gặp các tác dụng phụ như không còn nước bọt, hư răng nặng nề, viêm niêm mạc… Bệnh nhân sau khi cắt lưỡi trị ung thư có thể được vi phẫu tạo hình lưỡi. Sau khi tái tạo, bệnh nhân cơ bản phục hồi 2 chức năng nói và nuốt, nhưng vị giác khó có thể trở lại như trước.
Hiện nay, vẫn chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân khiến ung thư lưỡi trẻ hóa. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ được suy nghĩ đến, như thói quen uống rượu và hút thuốc lá kéo dài, vệ sinh răng miệng kém, nhiễm virus khi quan hệ tình dục đường miệng, do gen… Bác sĩ Khôi cho biết, vẫn cần có những nghiên cứu chuyên sâu hơn để xác định vấn đề trên.
Dù bằng chứng gây bệnh chưa rõ ràng, bác sĩ khuyến cáo người dân vẫn nên hạn chế sử dụng rượu và thuốc lá, cũng như chú ý vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng. Khi có các triệu chứng bất thường, như lở loét miệng và lưỡi kéo dài, nên đi khám để được chẩn đoán bệnh và can thiệp sớm.