Cúm A/H1N1: Không nguy hiểm nếu được điều trị sớm
(Dân trí) - Thực tế điều trị cho thấy, các ca nhiễm cúm A/H1N1 ở nước ta biểu hiện bệnh rất nhẹ do được phát hiện, điều trị sớm. Hiện việc điều trị không gặp khó khăn gì, 3 ca nhiễm cúm đã được xuất viện, các ca còn lại tình trạng sức khoẻ đều ổn định.
Phát hiện sớm, phục hồi tốt
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp bệnh viện Nhiệt đới TPHCM cho biết, trường hợp bệnh nhân đầu tiên bị nhiễm cúm A/H1N1 tại Việt Nam có biểu hiện bệnh rất nhẹ, chỉ là sốt, hắt hơi, xổ mũi như cúm thông thường. Sau khi được điều trị, bệnh nhân đã xuất viện, sức khỏe hoàn toàn ổn định, không có biến chứng. Hay như trường hợp người mẹ 40 tuổi bị nhiễm cúm A/H1N1 đang được điều trị tại bệnh viện Nhi đồng 1. Bệnh nhân này hầu như không có triệu chứng gì là nhiễm cúm.
Theo TS Châu, các ca bệnh nhiễm cúm biểu hiện đều nhẹ, có thể là do được phát hiện, điều trị sớm. Về các ca nhiễm cúm A/H1N1 trên thế giới, TS Châu cho biết theo thông báo của WHO, đa số bệnh nhân mắc đều biểu hiện nhẹ, hồi phục tốt. Tuy nhiên cũng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Nếu ở những đối tượng có suy giảm miễn dịch hay có bệnh lý đồng thời thì bệnh có thể diễn tiến nặng hơn.
Về các ca mắc cúm A/H1N1 tử vong trên thế giới, đặc biệt là tại Mexico, theo TS Phan Trọng Lân, Trưởng phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Cục Y tế Dự phòng và Môi trường), có rất nhiều giả thiết đặt ra về các ca bệnh này. Theo đó, đây có thể là những ca lây bệnh đầu tiên nên bệnh cảnh nặng nề. Từ những ca bệnh nặng này lây cho người khác bệnh cũng biểu hiện nặng hơn. Những ca mắc sau có thể nhẹ đi là do thế hệ lây sau 2 - 3 vật chủ khác…
Bệnh cúm diễn tiến nặng rất nguy hiểm
Về tính chất độc lực của vi rút cúm A/H1N1, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ khẳng định, loại vi rút này tính chất lây lan mạnh, có thể tấn công mọi đối tượng. lứa tuổi. Tuy nhiên, về độc lực, nó không mạnh như lúc đầu người ta tưởng. Mức độ tử vong được xác định là từ 0 - 4%.
Mức độ tử vong này phụ thuộc nhiều vào chẩn đoán và điều trị sớm, chăm sóc y tế tốt. Tỷ lệ tử vong này cũng tương đương với tỷ lệ tử vong của cúm theo mùa. Vì thế, cũng như bệnh cúm thông thường, nếu phát hiện, điều trị sớm khi bệnh chưa diễn tiến nặng thì cũng sẽ ít nguy hiểm đến tính mạng.
“Triệu chứng cúm A/H1N1 cũng giống như cúm thường, là bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, khó thở khi bệnh tiến triển nặng. Tuy nhiên, ở mỗi người, biểu hiện bệnh lại hoàn toàn khác nhau. Có trường hợp nhẹ, nặng, có trường hợp bị cúm A/H1N1 mà không hề có triệu chứng. Tuy nhiên, bệnh cúm nói chung, dù bất cứ do tuýp nào gây nên, nếu có miễn dịch tốt, khả năng chống đỡ bệnh càng lớn. Còn nếu diễn tiến nặng đều rất nguy hiểm”, TS Lân khẳng định.
Cùng quan điểm này, ThS Nguyễn Hồng Hà, Phó Viện trưởng Viên các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia, người mắc vi rút cúm A/H1N1 có biểu hiện không khác gì với cúm thường. Với những người khỏe mạnh, sau vài ba ngày sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, với những người có cơ địa yếu, người già, trẻ suy dinh dưỡng, bệnh nhân tiểu đường.. sẽ bị nặng nhanh, gây biến chứng viêm phổi, trường hợp nặng có thể dẫn tới tử vong.
“Với bất kỳ chủng cúm nào cũng là nguy hiểm vì nó đều có khả năng gây biến chứng viêm phổi. Vì thế, khi có dấu hiệu cúm, sốt, ho… thì mọi người không nên chủ quan, cần đi khám bệnh để điều trị sớm, tránh biến chứng nguy hiểm. Mới đây, một bệnh nhân nam còn rất trẻ, bị cúm H3N2 - một thể cúm hay gặp - đã tử vong. Vì khi bị cúm, bệnh nhân này chủ quan không đến viện, chỉ tới khi bệnh đã quá nặng, gây biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, nên đã không thể cứu được. Do đó, người mắc cúm khi có các triệu chứng nặng nên vào viện để được hỗ trợ, đặc biệt là để được phân lập, xác định chủng vi rút cúm đang mắc phải để có hướng điều trị kịp thời", ThS Hà khuyến cáo.
Vì thế, các chuyên gia lưu ý, bệnh cúm cũng như bất cứ bệnh truyền nhiễm nào như tiêu chảy, sốt xuất huyết, nếu không đến viện sớm điều trị, diễn tiến bệnh sẽ nặng hơn và nguy hiểm cho tính mạng.
Vì thế, những người có triệu chứng sốt, ho, sổ mũi thì nên cảnh giác để có thể theo dõi, nhất là nếu từ vùng dịch trở về. Khi có dấu hiệu cúm, nên hạn chế tới nơi đông người, tránh lây bệnh cho người khác. Ngoài ra, để phòng bệnh cúm, người dân nên thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý. Thường xuyên đeo khẩu trang khi tới nơi đông người, tiếp xúc với người bệnh…
Hồng Hải