Cứ ho, sốt là nghĩ ngay Covid-19: Có thể để lọt bệnh nguy hiểm
(Dân trí) - Con trai có triệu chứng ho, sốt, chị N.T.H. (Hà Nội) vội tự test nhanh cho con tại nhà. Dù nhiều lần test "âm tính", chị H. vẫn đinh ninh rằng, test nhanh bị sai và con mình thực sự mắc Covid-19.
Việc biến thể Omicron đang dần chiếm ưu thế đã khiến Covid-19 lây lan mạnh trong cộng đồng.
Điều này phần nào dẫn đến tâm lý cứ có triệu chứng nghi ngờ như ho, sốt là người dân đinh ninh rằng, mình đã mắc Covid-19. Ngay khi có triệu chứng, nhiều người tự mua thuốc điều trị, thậm chí là lạm dụng kháng sinh, thuốc kháng virus trong khi chưa có kết quả khẳng định mắc Covid-19, cũng như chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, đây là một thực trạng đáng báo động.
"Hiện nay, nhiều người cứ có triệu chứng hơi giống Covid-19 là đã nghĩ ngay đến Covid-19, mà quên mất rằng vẫn còn nhiều bệnh lý khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự", PGS Dũng nói.
Theo chuyên gia này, xét riêng các bệnh về đường hô hấp, các nhà khoa học đã xác định được 28 căn nguyên gây bệnh và Covid-19 chỉ là một tác nhân trong số đó.
Hiện tại, chúng ta cũng đang trong mùa dịch của các bệnh đường hô hấp. Do đó, khi có các triệu chứng như ho, sốt người bệnh hoàn toàn có thể mắc các bệnh lý khác thay vì Covid-19.
Bên cạnh việc tạo ra lo lắng không cần thiết, lãng phí test nhanh, PGS Dũng cảnh báo việc người dân cứ thấy ho, sốt là nghĩ ngay đến Covid-19 còn dẫn đến tình trạng điều trị sai cách, lạm dụng thuốc gây rủi ro với sức khỏe.
"Đơn cử như việc người dân lạm dụng thuốc kháng virus Molnupiravir. Trên thực tế, loại thuốc này ức chế virus rất tốt nhưng cũng có những tác dụng phụ. Thuốc chống chỉ định trẻ em, phụ nữ có thai và đang cho con bú. Do đó, không sử dụng Molnupiravir tùy tiện và cần có sự chỉ định của bác sĩ. Bây giờ nhiều người cứ lo sợ nên bắt buộc uống thuốc nhưng thật ra nhiều bệnh tự khỏi không cần thuốc. Qua kinh nghiệm tư vấn các F0 của tôi, thậm chí trong trường hợp khẳng định mắc Covid-19 nhưng triệu chứng nhẹ cũng không nên uống quá nhiều thuốc", PGS Dũng chỉ rõ.
PGS Dũng cũng dẫn chứng về việc người bệnh xuất hiện các triệu chứng tương tự Covid-19 nhưng có thể đã mắc sốt xuất huyết. Nếu không được thăm khám và chẩn đoán đúng bệnh mà cứ tùy tiện điều trị theo phác đồ của Covid-19 sẽ rất nguy hiểm.
"Vừa rồi trong TPHCM có một trường hợp bệnh nhi xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính nhưng cũng dương tính với sốt xuất huyết. Đây là trường hợp rất nguy hiểm vì cả 2 bệnh này khác nhau hoàn toàn về phương pháp điều trị. Nếu Covid-19 tập trung điều trị phổi thì sốt xuất huyết lại tập trung truyền nhiều dịch", PGS Dũng phân tích.
Nguy hiểm hơn, trong trường hợp mắc sốt xuất huyết mà sử dụng thuốc hạ sốt Ibuprofen có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, Ibuprofen có tác dụng chống đông máu khiến hiện tượng chảy máu do sốt xuất huyết không cầm được, đặc biệt là xuất huyết tiêu hóa. Do vậy, nếu chúng ta sử dụng Ibuprofen, bệnh sốt xuất huyết có thể trầm trọng hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, PGS Dũng cũng khuyến cáo những người có bệnh nền như tiểu đường, cao huyết áp… đừng vì quá lo sợ Covid-19 mà quên đi căn bệnh sẵn có trong cơ thể.
"Nếu quá tập trung vào Covid-19 mà quên đi việc kiểm soát và điều trị bệnh nền, chúng có thể "nổi lên" và đôi khi còn nguy hiểm hơn Covid-19 rất nhiều", PGS Dũng nhấn mạnh.
Theo quan điểm của chuyên gia này, SARS-CoV-2 diễn biến đúng theo quy luật của bệnh dịch. Tức là khi virus mới xuất hiện độc lực rất cao nhưng khi lan rộng ra độc lực sẽ giảm xuống nên những người mắc sau này chỉ diễn biến nhẹ và dần tỷ lệ không triệu chứng rất cao. Bên cạnh đó, hầu hết người dân đã được tiêm chủng đủ mũi vaccine Covid-19. Chính vì những lý do này mà người dân không nên lo lắng một cách thái quá về Covid-19.