Có thể tiên lượng sốc phản vệ thuốc, vắc xin?

(Dân trí) - Dù hiếm gặp, nhưng thỉnh thoảng thông tin về ca tử vong do sốc phản vệ sau tiêm vắc xin, sau tiêm kháng sinh ở trẻ em khiến bất cứ ông bố, bà mẹ nào có con nhỏ cũng hoang mang… Vậy có cách nào để tiên lượng nguy cơ sốc phản vệ thuốc, vắc xin… để phòng ngừa hay không?

Thức ăn, thuốc, vắc xin… đều có thể gây sốc phản vệ?

Ca tử vong đột ngột của bé trai 3 tháng tuổi tại Nghệ An sau khi tiêm vắc xin được 4 phút tại Trạm Y tế xã xã Quang Phong, huyện Quế Phong khiến nhiều người lo lắng. Bởi chỉ khoảng 4 phút sau tiêm, khi các y tá mới tiêm thêm được cho 3 trẻ thì bé trai này đột ngột tím tái và dù được cấp cứu nhưng đã không qua khỏi.

Tiêm vắc xin Quinvaxem cho trẻ tại Hà Nội. Ảnh: H.Hải
Tiêm vắc xin Quinvaxem cho trẻ tại Hà Nội. Ảnh: H.Hải

Theo hội đồng khoa học của Sở Y tế Nghệ An, sau khi xem xét quy trình tiêm, diễn biến của trẻ… các nhà khoa học nhận định nhiều khả năng em bé bị sốc phản vệ do vắc xin. Và trên thực tế, bé đã được được cấp cứu theo quy trình chống sốc phản vệ.

Chia sẻ với báo Dân trí, nhiều độc giả đặt câu hỏi, liệu có thể tiên lượng được nguy cơ sốc phản vệ thuốc, vắc xin cho trẻ hay không? Vì nếu tiên lượng được sẽ không xảy ra những sự cố đáng tiếc cho trẻ. Hơn nữa, việc phát hiện sốc vắc xin, sốc thuốc vì sao đã cấp cứu nhưng có những trẻ vẫn không qua khỏi?

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), ai cũng mong muốn y học phát triển để lúc nào đó chúng ta có thể tiên lượng được nguy cơ sẽ xảy ra sốc phản vệ thuốc, vắc xin với trẻ từ đó phòng nguy cơ này, hạn chế xảy ra những ca tử vong mà y học nhiều khi cũng bó tay. Tuy nhiên, thực tế, sốc phản vệ không thể tiên lượng được.

“Sốc phản vệ hiện nay vẫn là thách thức của nền y học không chỉ trong nước mà cả thế giới. Đã có rất nhiều nghiên cứu làm thế nào để phát hiện ra những ai là người dị ứng với thuốc hoặc 1 hóa chất nào đó khi đưa vào cơ thể. Tuy nhiên, đến nay mọi biện pháp trên thực hành chưa thể tìm hết được”, TS Dũng nói.

Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng khẳng định, không thể tiên lượng được nguy cơ sốc phản vệ thuốc hay vắc xin.

“Bởi phản ứng phản vệ (khi cơ thể tiếp xúc với vật thể lạ) có thể xảy ra tức thì, trong một vài giây hoặc vài giờ. Vì thế, bác sĩ không bao giờ nói trước được bệnh nhân nào có thể xảy ra phản ứng phản vệ hay không. Vì thế, cái cần là xử lý khi xảy ra sốc phản vệ”, TS Bình nói.

TS Dũng khẳng định, sốc phản vệ vô cùng hiếm gặp nhưng có thể xảy ra với bất cứ ai, với bất cứ dị nguyên nào mà không lường trước được, chứ không riêng gì kháng sinh và vắc xin. Có người, chỉ một nốt ong đốt cũng sốc phản vệ, hay có người sốc phản vệ với B1, với vitamin C.

TS Dũng chia sẻ câu chuyện về một cán bộ y tế bị sốc vitamin C ngay khi người y tá này đang làm việc tại BV. Được phát hiện ngay lập tức khi có dấu hiệu sốc phản vệ, rất nhiều bác sĩ, đồng nghiệp đã lao vào cấp cứu ngay tại chỗ nhưng bệnh nhân đã không qua khỏi.

Không riêng gì kháng sinh, vắc xin, thuốc bổ mà ngay cả thực phẩm cũng có thể gây tình trạng sốc phản vệ nghiêm trọng. Ở các nước châu Âu, châu Mỹ, có người ăn một hột lạc, trứng, uống sữa, thậm chí vào vườn hoa thấy mùi bất thường cũng có thể gây ra cái chết đột ngột.

Khó cứu chữa

TS Bình phân tích, để hiểu dễ dàng về sốc phản vệ, có thể lấy ví dụ đơn giản, khi chúng ta bị muỗi đốt trên da sẽ xuất hiện vết đỏ. Bản chất của vết đỏ này là do bị sung huyết, thoát dịch ra khỏi mạch máu và bệnh nhân thấy ngứa. Nguyên nhân là do protein lạ - ở đây là nước dãi của con muỗi vào cơ thể người - gây phản ứng tại chỗ đó. Còn nếu một chất đưa vào người gây phản ứng mạnh hơn gọi là phản vệ hay dị ứng, bản chất là phản ứng bảo vệ của cơ thể, nhưng nếu mạnh quá dẫn đến sốc.

"Hình dung mạch máu giống như các đường ống cao su có các dòng máu chảy, quả tim bóp máu đi đến các cơ quan, sau đó trở về tim, gọi là hệ tuần hoàn. Khi mạch máu đang bình thường đột nhiên giãn ra thì rõ ràng sẽ không có máu hoặc rất ít trở về tim. Như thế tim không thể co bóp đẩy máu đi đâu được, dẫn đến ngừng tuần hoàn, có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Trường hợp này gọi là sốc phản vệ", tiến sĩ Bình lý giải.

Theo TS Dũng, ngay cả nhiều trường hợp khi tiêm kháng sinh đã test kháng sinh âm tính nhưng khi tiêm 30 phút, 1 tiếng, em bé có biểu hiện tím tái, sốc phản vệ.

“Đây là điều hoàn toàn bình thường. Các chuyên gia trên thế giới cũng cho biết, kể cả test âm tính thì nó vẫn có thể xảy ra. Đây là hiện tượng cực kỳ khó khăn vì thế trên thế giới nhiều nước không tiến hành test kháng sinh khi tiêm. Bởi như đã giải thích, dù test âm tính thì sốc phản vệ vẫn có thể xảy ra và  đến giờ giờ y học chưa làm cách nào phát hiện được nguy cơ để có thể đưa ra tiên lượng”, TS Dũng nói.

Theo TS Dũng, thi thoảng lại có bệnh nhân tử vong vì sốc phản vệ với kháng sinh, hay như em bé tiêm vắc xin này, thậm chí khi đi làm đẹp cũng bị sốc. Cấp cứu các bệnh nhân sốc phản vệ như thế nào là một vấn đề rất khó khăn bởi nó xảy ra rất nhanh. Chỉ vài phút huyết áp tụt, mạch không bắt được mà không đưa mạch được trở về bình thường, bệnh nhân có nguy cơ ngừng tuần hoàn. Vì thế, nhân viên y tế phải có chuyên môn xử trí sốc phản vệ, có kinh nghiệm lâu năm, kèm theo đó là phương tiện, dụng cụ cấp cứu tại chỗ.

“Do vậy một phác đồ cấp cứu sốc phản vệ được đưa ra để trong tình huống xảy ra ca bệnh sốc phản vệ thì cố gắng cứu. Tuy nhiên thực tế, không phải 100% trường hợp sốc phản vệ được cấp cứu đều qua khỏi. Có một số trường hợp mặc dù đã cố gắng cứu chữa rất đúng, bài bản, theo đúng phác đồ chuẩn nhưng không thể cứu được do phản ứng cơ địa của từng cơ thể với dị nguyên gây phản ứng”, TS Dũng nói.

Tại Việt Nam, từ năm 2010 đến 4/2013 ghi nhận 43 trường hợp phản ứng sau tiêm vắc xin Quinvaxem, có 9 trường hợp được cho là có thể liên quan đến vắc xin.

9 trường hợp này thì 8 ca là sốt, co giật, giảm trương lực cơ, có phản ứng dị ứng, nổi ban (là phản ứng thông thường của kháng nguyên lạ, tùy thuộc vào cơ địa của trẻ, không phải tất cả trẻ em khi tiêm vắc xin đều gặp phản ứng này) và một trường hợp sốc phản vệ nhưng đã điều trị đã qua khỏi.

17 trường hợp tai biến sau tiêm chủng có liên quan đến bệnh lý sẵn có của trẻ (14 ca tử vong).

17 trường hợp không xác định nguyên nhân nhưng không có đủ thông tin để kết luận nhưng qua hỏi bà mẹ, hỏi những người trong gia đình không có yếu tố liên quan đến vắc xin.

 

Hồng Hải