Chùm ca sởi thương tâm trước giờ Bộ trưởng vào thăm

(Dân trí) - Ngay trước giờ Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhi mắc sởi tại khoa Nhi BV Bạch Mai, một trẻ 25 tháng tuổi đã tử vong sau hơn 1 tháng chống chọi với bệnh tật. Em ruột bệnh nhi mới được 7 tháng tuổi cũng đang trong tình trạng nguy kịch.

Chùm ca sởi thương tâm trước giờ Bộ trưởng vào thăm
Bà N.T.X ôm chặt đứa cháu ngoại 7 tháng đang nguy kịch trong tay mà xót xa, bần thần thương đứa cháu 25 tháng tuổi đã ra đi mãi mãi sau 30 ngày chống chọi với bệnh sởi Ảnh: H.Hải
 
Anh tử vong, em nguy kịch vì sởi
 
Lúc 7h30' ngày hôm nay (21/4), có mặt tại khoa Nhi (BV Bạch Mai) ngay trước giờ Bộ trưởng y tế đến thăm bệnh nhi, chúng tôi không thể cầm lòng khi người mẹ trẻ ngất lên ngất xuống, ôm đứa con trai V.G.K (25 tháng tuổi, ở Ứng Hòa, Hà Nội) về quê an táng. Về lo hậu sự cho con, đau đớn, nhưng chị vẫn còn nỗi lo cháy lòng khi đứa con còn lại (7 tháng tuổi) cũng đang nguy kịch vì viêm phổi sau sởi, đang được thở ôxy, theo dõi ngày đêm tại phòng Cấp cứu khoa Nhi.
 
Tại viện, bà N.T.X, bà ngoại của bé V.G.K ôm đứa cháu bé bỏng V.G.B (7 tháng tuổi) vào lòng, nước mắt cứ lặng lẽ rơi. Bà không thể về lo hậu sự cho đứa cháu ngoại vì đang phải trông em của K đang trong tình trạng viêm phổi rất nặng. “Đến hôm nay là K. tròn tháng nằm viện. Cháu nó đã được cai thở máy sau 10 ngày thở máy liên tục. Gia đình đã khấp khởi mừng thầm dù bác sĩ nói phổi vẫn tổn thương nặng, vẫn phải ở lại viện theo dõi. Không ngờ, mấy ngày trước bệnh của K. diễn biến nặng lên, bác sĩ đã tích cực cứu chữa mà vẫn không tiến triển, cháu lại phải thở máy lại, rồi bỏ gia đình mà đi. Giờ còn thằng chó con bé bỏng này, sự sống của nó mong manh quá, không dám nghĩ đến ngày mai cháu mình sẽ ra sao”, bà X nấc nghẹn nói.

Bác sĩ điều trị cho biết, đây là chùm ca bệnh vô cùng đặc biệt và thương tâm. Trước đó, cũng có những chùm ca bệnh nhưng thường chỉ 1 trong hai anh em ruột bị nặng nhưng rồi cũng qua khỏi. Còn với chùm ca bệnh này, các bác sĩ nỗ lực cứu chữa mà cháu bé vẫn không qua khỏi. Hiện em trai của bệnh nhân này cũng đang rất nguy kịch.

Một bác sĩ nam đã chăm sóc cháu nhiều ngày qua mắt đỏ hoe nói: “Tôi không thể cầm lòng được. Ngay khi cháu có dấu hiệu nhịp tim chậm dần, các bác sĩ đã luôn ở bên, cố gắng dùng mọi loại thuốc tốt nhất chăm sóc cháu, nhưng tim bệnh nhi vẫn ngừng đập. Nỗ lực gần một tiếng để ép tim, bé đã không thở lại. Tất cả các bác sĩ, điều dưỡng có mặt tại kíp cấp cứu đều lặng người, rồi tiếng khóc nấc nghẹn của gia đình bệnh nhi khiến chúng tôi thêm trĩu nặng vì đã nỗ lực mà không thể cứu được bé”.

Nói về chùm ca bệnh đặc biệt này, bác sĩ điều trị cho biết, khoảng hơn 1 tháng trước, mẹ bệnh nhi nhiễm bệnh đầu tiên, sau đó lây cho bé K. là con trai lớn. Tiếp sau đó, con trai thứ 2 mới 7 tháng tuổi cũng bị nhiễm bệnh.

Bà ngoại N.T.X cho biết, chỉ vài ngày sau khi phát ban, cả ba mẹ con đã nhập viện Nhiệt đới Trung ương điều trị. Nhưng hai bé diễn biến ngày càng nặng và phải chuyển sang khoa Nhi (BV Bạch Mai) để thở máy.

Lúc nhập viện, cả hai bé đều tổn thương phổi nhưng quá nặng nề, thuốc đổ vào rất nhiều, nhưng vi rút sởi phá hủy toàn bộ các nhu mô phổi, phổi không còn khả năng trao đổi khí nên thở máy 100% vẫn không hiệu quả.
 
Khoa cấp cứu chỉ dành bệnh nhi sởi
Khoa cấp cứu chỉ dành bệnh nhi sởi

Chỉ vài giờ trước đó, lúc 2h sáng, một bé trai 9 tháng tuổi (Hà Nội) cũng trút hơi thở cuối cùng sau 10 ngày chống chọi với bệnh sởi…

Đúng 8h30 sáng 21/4, người đứng đầu ngành y tế có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai. Bỏ qua khâu đón tiếp, Bộ trưởng tiến thẳng đến khoa Nhi (BV Bạch Mai), nơi có 61 bệnh nhân sởi đang nằm điều trị, Bộ trưởng bày tỏ niềm thương tiếc, chia sẻ khi bác sĩ thông báo có thêm 2 bệnh nhi vừa tử vong vì viêm phổi do sởi.
 
Chia sẻ với các bác sĩ nỗi vất vả chăm sóc 11 bệnh nhân nặng, 5 trường hợp phải thở máy cùng hàng chục bệnh nhi mắc sởi khác, người đứng đầu ngành y tế cũng đánh giá cao BV Bạch Mai khi kịp thời kê thêm 15 giường bệnh dọc hành lang, đảm bảo không có bệnh nhi nào phải nằm dưới đất.
 
Em bé bụ bẫm, dễ thương lơ mơ vì phải thở máy do viêm phổi biến chứng sởi. Ảnh: H.Hải
Em bé bụ bẫm, dễ thương này đang trong tình trạng lơ mơ, phải thở máy do viêm phổi biến chứng sởi. Ảnh: H.Hải

Dịch vẫn diễn biến phức tạp!

Trận mưa nhẹ sáng nay không làm dịu bớt không khí oi bức, nóng nực tại bệnh viện mà chỉ khiến thầy thuốc, cha mẹ bệnh nhi thêm lo lắng. “Thời tiết mưa ẩm này, vi rút sởi phát triển càng mạnh, bệnh nhân sẽ càng nhiều. Những trẻ chưa tiêm chủng có nguy cơ lần lượt bị mắc hết”, một bác sĩ nói.

Hiện các bác sĩ đang lo ngại trẻ có thể nhiễm sởi và rota vi rút khi miền Bắc bắt đầu bước vào mùa tiêu chảy do rota vi rút. Khi đó, thể trạng trẻ càng yếu, sức đề kháng càng giảm, bệnh tình diễn biến rất nặng hơn. Tại Bệnh viện Bạch Mai đã có một trường hợp bệnh nhi đồng nhiễm 2 loại vi rút này.
 
Theo PGS.TS Bùi Vũ Huy, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong vụ dịch sởi này, có những bệnh nhi có HIV bị nhiễm sởi, dẫn đến suy giảm miễn dịch, vô cùng khó khăn trong công tác điều trị.
 
Đáng lưu ý trong vụ dịch này, có bệnh nhân đã tiêm 2 mũi vắc xin sởi nhưng vẫn phát bệnh. Đó là trường hợp bệnh nhân Đào Hoàng N (15 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội). Theo gia đình, cách đây 1 tuần, bệnh nhi có biểu hiện sốt nhưng không ai nghĩ là sốt vi rút vì N. đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi. Chỉ đến khi N. nổi ban, kèm theo khó thở, gia đình vội đưa đến BV Bệnh nhiệt đới Trung ương khám và phải nhập viện điều trị. Nhìn thấy bệnh nhân sởi la liệt nằm viện, bố mẹ bé N không khỏi lo lắng cho tình trạng sức khỏe của con.
Bộ trưởng thăm Bệnh nhi mắc sởi tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Ngọc Thắng)
Bộ trưởng thăm Bệnh nhi mắc sởi tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Ngọc Thắng)

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đặt câu hỏi: Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh  là những nơi có điều kiện nhất nhưng dịch sởi lại bùng phát mạnh. Để có giải pháp giảm tử vong phải chỉ được nguyên nhân do đâu?

Theo bà Tiến, nguyên nhân đầu tiên khiến dịch sởi quay trở lại là do người dân không tiêm vắc xin phòng sởi. Nguyên nhân thứ 2 phải kể đến là do người bệnh đổ dồn lên tuyến trên, tập trung vào một vị trí dẫn đến bội nhiễm lây chéo. Nguyên nhân thứ ba là lực lượng chăm sóc không đủ. Khi quá tải thì chất lượng sẽ giảm, trẻ dễ lây chéo, nhiễm trùng bệnh viện, khiến số tử vong tại bệnh viện tuyến trên cao. Con số tử vong chỉ ghi nhận tại các bệnh viện lớn như Bệnh viện Nhi Trung ương (105 trường hợp), Bệnh viện Bạch Mai 8 trường hợp, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương 1 trường hợp, còn các bệnh viện, tỉnh khác hầu như không ghi nhận.
 
Ngoài ra, do trong những tháng vừa qua, khí hậu miền Bắc ẩm liên tục khiến cho các vi rút gây bệnh hô hấp phát triển mạnh. Vì vậy, nhiều trường hợp trẻ ban đầu vào viện là do viêm phổi, sau đó mới lây bệnh sởi. Khi trẻ bị bệnh hô hấp nặng, phổi đã trắng xóa lại nhiễm thêm bệnh sởi nữa, bệnh chồng bệnh nên nguy cơ tử vong rất cao.

Vì thế, trong buổi làm việc này, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo Bạch Mai phải phối hợp tốt với bệnh viện Thanh Nhàn: Ngoài kê thêm giường bệnh, giãn bệnh nhân nằm ghép thì phải phối hợp để chuyển bệnh nhân nhẹ, gần khỏi về Thanh Nhàn và tiếp nhận BV nặng từ bệnh viện này chuyển lên. Bệnh viện Thanh Nhàn cũng đã cử cán bộ y tế lên học để mở một phòng Hồi sức cấp cứu, kịp thời tiếp nhận, cấp cứu bệnh nhân sởi nặng.

Cũng trong chiều nay, Bộ trưởng Bộ Y tế có buổi làm việc nóng với UBND TP Hà Nội về tình hình dịch sởi và những diễn biến phức tạp trên địa bàn.

Hồng Hải