1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Cháy” vắc xin dịch vụ vì thay đổi nhà sản xuất, công nghệ

(Dân trí) - Vắc xin dịch vụ vẫn “cháy” vì không có để mà nhập, trong khi nhu cầu của người dân vẫn tăng cao. Vì thế, cứ ở điểm tiêm chủng dịch vụ nào có vài trăm nghìn liều vắc xin về sẽ lại diễn ra cảnh xếp hàng cả đêm đợi đăng kí vắc xin.

Suốt năm 2014 tại Hà Nội liên tục tái diễn cảnh người dân thức cả đêm xếp hàng chờ đăng kí vắc xin dịch vụ tiêm cho con. Các ông bố, bà mẹ bỏ công, bỏ việc hàng ngày mò mẫm trên website các điểm tiêm chủng dịch vụ để “canh” thông báo. Khi thấy thông báo có vắc xin là lại thu xếp chờ đợi từ đêm hôm đến sáng tại điểm tiêm dịch vụ để chờ mua vắc xin.

Mới đây nhất, sáng 5/3 bất chấp thời tiết mưa rét hàng trăm người dân đã kéo đến Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế (Bộ Y tế), kiên nhẫn xếp hàng chờ mua cho được loại vắc xin “5 trong 1” Pentaxim.

Tuy nhiên, tại điểm tiêm chủng này chỉ về được 300 liều vắc xin và đã hết veo ngay trong ngày. Ở các điểm tiêm chủng dịch vụ khác, tình trạng vắc xin về cũng rất nhỏ giọt và hoàn toàn bị động. Khi có vắc xin về, họ thường vừa thông báo lên website về số lượng vắc xin, ngày tiêm là người dân đã ồ ạt biết tin đến xếp hàng chờ tiêm. 

“Cháy” vắc xin vì thay đổi nhà sản xuất, công nghệ
Không được tiêm vắc xin đúng lịch vì chờ đợi, trẻ có thể mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.Ảnh: H.Hải

Bộ Y tế cho biết trong năm 2015 chắc chắn vẫn diễn ra tình trạng căng thẳng vắc xin dịch vụ bởi nguồn vắc xin nhập được còn ít hơn so với năm 2014. Báo cáo bước đầu trong năm nay cho thấy chỉ có khoảng 30.000 liều 6 trong 1. Văcxin 5 trong 1 phải giữa năm mới về 40.000-50.000 liều một tháng.

Theo ông Đỗ Tất Đạt, Giám đốc Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1, do nhu cầu tiêm một số loại vắc xin dịch vụ, đặc biệt là các vắc xin 5 trong 1 Pentaxim của Pháp, phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và Hib; vắc xin 6 trong 1 Infarix Hexa nhâp của Bỉ phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và Hib thời gian gần đây tăng 3-4 lần. Dù các công ty đã lên kế hoạch dự trù nhưng nhà sản xuất không cung cấp đủ.

Bà Đặng Hồng Thúy, Giám đốc Công ty vấn phát triển đầu tư và thương mại Hồng Thúy, một trong các đơn vị nhập, cung ứng vắc xin cũng chia sẻ, tình hình cung ứng vắc xin dịch vụ khó khăn không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn cầu. Tháng 3, theo kế hoạch công ty nhập 20.000 liều vắc xin 5 trong 1, nhưng nhà sản xuất vừa báo lại không có. Như vậy sớm nhất thì tháng 5-6 sẽ có một đợt 20.000 liều văcxin 5 trong 1 nhập về, trong khi có thể phải chờ hai năm mới có văcxin 6 trong 1. 

Mới đây nhất tháng 12/2014  Công ty nhập được 20.000 liều vắc xin 5 trong 1 và đã ưu tiên những điểm có số người tiêm đông, có chức năng chỉ đạo tuyến như Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, Viện vệ sinh dịch tễ trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới trung ương với số lượng 1.300-1.500 liều; các nơi khác chỉ 100-200 liều. Hiện trong kho của công ty chỉ còn một lượng nhỏ vắc xin để dự trữ.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược Nguyễn Tất Đạt cho biết, vắc xin Pentaxim và Infarix Hexa đều có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam còn hiệu lực. Điều này có nghĩa là tất cả doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu vắc xin  đều có thể nhập khẩu các vắc xin với số lượng và số lần nhập khẩu không hạn chế mà không cần giấy phép nhập khẩu của Cục Quản lý Dược. 

Tuy nhiên thời gian qua vắc xin này luôn ở tình trạng "cháy hàng", Ông Đạt cho biết, vắc xin dịch vụ được điều tiết do thị trường. Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế chỉ là cơ quan cấp phép chứ không có quyền bắt buộc các công ty phải nhập khẩu vắc xin dịch vụ về VN. Khác với vắc xin trong TCMR được dự trù hàng năm theo số lượng trẻ em và các chiến dịch tiêm chủng, vắc xin dịch vụ được nhập và phân phối theo cơ thế chị trường.

Vấn đề khó khăn ở chỗ, vắc xin là một loại sinh phẩm, nói nôm na là một chế phẩm sống, không để lâu, không chế biến lại được. Vì vậy chỉ khi các cơ sở đặt hàng, các doanh nghiệp dược mới đi đặt hàng các hãng dược nước ngoài và khi đó, các hãng sản xuất mới bắt tay vào sản xuất. Như vậy độ lùi thời gian giữa lúc nhu cầu rộ lên và vắc xin về đến cơ sở tiêm dịch vụ thông thường phải khoảng 3 tháng. Như vậy sẽ xảy ra hiện tượng khan hiếm cục bộ vắc xin.

"Ngoài những nguyên nhân trên, chúng tôi nhận được thông tin chính thức từ nhà sản xuất, các vắc xin phối hợp phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và bệnh do Hib có thay đổi về cơ sở sản xuất, công nghệ nên số lượng và thời gian vắc xin nhập khẩu về Việt Nam có thay đổi so với kế hoạch, ít hơn so với nhu cầu”, ông Đạt nói. Bên cạnh các vắc xin đã có số đăng ký, để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng phòng ngừa các bệnh có nguy cơ bùng phát trong mùa Đông - Xuân như thủy đậu, ngày 11/02/2015, Cục Quản lý Dược đã cấp giấy phép cho Công ty TNHH TM và DP Sang nhập khẩu 300.000 liều vắc xin Varivax; ngày 05/01/2015, Công ty TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm y tế số 1 nhập khẩu gần 20.000 liều vắc xin Varicella.

Tuy nhiên Bộ Y tế khẳng định việc khan hiếm vắc-xin chỉ xảy ra đối với tiêm chủng dịch vụ còn trong chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn có vắc-xin Quinvaxem (vắc-xin 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và viêm màng não mủ do Hib) do Hàn Quốc sản xuất với tác dụng tương tự để tiêm cho trẻ. Tại Việt Nam, tỉ lệ tiêm Quinvaxem là 90%. Điều đó có nghĩa, tại các điểm tiêm vắc xin dịch vụ gây “náo loạn” vì cảnh chen chúc, xếp hàng thời gian qua thực tế cũng chỉ đáp ứng một nhu cầu rất nhỏ trong tiêm vắc xin 5 trong 1.

Hiện Bộ Y tế đang yêu cầu các công ty báo cáo kế hoạch 2015 lộ trình cung cấp đến 2016 như thế nào để đưa ra chỉ đạo, rút gọn điểm tiêm dịch vụ chứ không thể cung cấp tràn lan cho tất cả các điểm tiêm dịch vụ. Vì nếu cung cấp tràn lan cho nhiều điểm rất nguy hiểm, trẻ tiêm được mũi 1 nhưng mũi 2,3 lại không có, trẻ lại đợi tiêm dẫn đến tình cảnh như thời gian qua. Các điểm tiêm dịch vụ cũng phải tuyên truyền để bà mẹ đưa con đi tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đúng lịch.

Hồng Hải