Vắc xin: Thừa miễn phí, thiếu dịch vụ

Do tâm lý nghi ngại, nhiều gia đình đã đổ xô tới các cơ sở tiêm vắc xin dịch vụ khiến tình trạng thiếu vắc xin dịch vụ diễn ra trầm trọng.

Theo khảo sát của Pháp Luật TP.HCM tại các điểm tiêm vắc xin dịch vụ ở Hà Nội, hầu hết các trung tâm đều ở trong tình trạng hết vắc xin. Trong số 37 sản phẩm vắc xin dịch vụ đang được tiêm chủng tại phòng tiêm chủng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, một nửa trong số đó không còn. Đặc biệt, vắc xin 5 trong 1, vắc xin 6 trong 1, vắc xin thủy đậu… luôn trong trình trạng “cháy hàng”. Các trung tâm ở Viện Kiểm định vắc xin và sinh phẩm y tế, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội… cũng đều trong tình trạng như vậy.

Tại TPHCM, đến chiều 6/3, Viện Pasteur TP.HCM cũng hết sạch vắc xin dịch vụ “5 trong 1” Pentaxim, kể cả vắc xin dịch vụ 6 trong 1. Các BV phụ sản của TP cùng Trung tâm Dinh dưỡng cũng không còn liều nào!

Khan hiếm vắc xin dịch vụ

Ông Nguyễn Tất Đạt, Cục phó Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cho biết vừa qua Cục Quản lý dược có nhận được thông tin từ nhà sản xuất các vắc xin phối hợp có thay đổi về cơ sở sản xuất nên số lượng và thời gian vắc xin nhập khẩu về Việt Nam có thay đổi so với kế hoạch. Thêm vào đó, nhu cầu vắc xin trên thế giới cũng tăng cao, các nhà sản xuất không cung cấp đủ cho các nhà phân phối vắc xin để cung ứng đủ cho các điểm tiêm chủng vắc xin dịch vụ.

Theo ông Đạt, khác với vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng được dự trù hằng năm theo số lượng trẻ em và các chiến dịch tiêm chủng, vắc xin dịch vụ được nhập khẩu và phân phối theo cơ chế thị trường. Nghĩa là nhu cầu thị trường quyết định số lượng và chủng loại vắc xin nhập khẩu. Vấn đề khó khăn ở chỗ vắc xin là một loại sinh phẩm, nói nôm na là một chế phẩm sống, không thể để lâu, không chế biến lại được. Vì vậy, chỉ khi các cơ sở tiêm vắc xin dịch vụ đặt hàng, các doanh nghiệp dược mới đi đặt hàng các hãng dược nước ngoài và dĩ nhiên lúc đó các hãng sản xuất mới bắt tay vào sản xuất.

Vắc xin: Thừa miễn phí, thiếu dịch vụ
Sáng 6/3, nhiều bậc cha mẹ đưa con đến Viện Pasteur TPHCM tiêm vắc xin dịch vụ “5 trong 1” Pentaxim. Tuy nhiên, đến chiều thì vắc xin này không còn. Ảnh: TRẦN NGỌC

“Cục Quản lý dược, Bộ Y tế chỉ là cơ quan cấp phép chứ không có quyền bắt buộc các công ty phải nhập khẩu vắc xin dịch vụ về Việt Nam” - ông Đạt nhấn mạnh.

Theo ông Đạt, độ lùi thời gian giữa lúc nhu cầu rộ lên và vắc xin về đến cơ sở tiêm dịch vụ thông thường phải khoảng 3 tháng. Như vậy sẽ xảy ra hiện tượng khan hiếm cục bộ vắc xin.

Đại diện một công ty nhập khẩu và cung ứng vắc xin ở Hà Nội cho biết công ty đã lên kế hoạch nhập vắc xin từ giữa năm 2014 nhưng nhà sản xuất không đáp ứng kịp. “Nhanh nhất cũng phải đến tháng 5/2015 mới có khoảng 20.000 liều vắc xin 5 trong 1; còn vắc xin 6 trong 1 có thể phải chờ hai năm nữa”, vị đại diện này nói.

Sợ sự cố với tiêm chủng mở rộng

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thừa nhận nguyên nhân khiến các bà mẹ không mặn mà với chương trình tiêm chủng mở rộng vì lo ngại trẻ phản ứng sau tiêm chủng sau khi có một số sự cố xảy ra, mặc dù sau đó tất cả sự cố đều được chứng minh không phải do vắc xin.

Theo đại diện Cục Y tế dự phòng, tất cả loại vắc xin được đưa vào trong chương trình tiêm chủng mở rộng đều phải qua nhiều bước kiểm định, thử nghiệm lâm sàng và đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế và an toàn sử dụng. “Phụ huynh không nên lo lắng về chất lượng vắc xin”, ông Phu lưu ý.

Thực chất tình trạng ở nước ta hiện nay là vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng thừa, trong khi vắc xin dịch vụ lại thiếu.

Theo ông Phu, giám sát dịch bệnh thời gian qua cho thấy phần lớn các trường hợp mắc bệnh sởi, ho gà… là do không được tiêm, hoãn tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi. “Việc cha mẹ không đưa con đi tiêm sớm mà chờ đợi tiêm vắc xin dịch vụ là rất nguy hiểm. Nếu trẻ không được tiêm chủng đúng lịch có thể sẽ bị mắc bệnh trước khi được tiêm vắc xin. Để phòng bệnh cho trẻ tốt nhất cần cho trẻ được tiêm đúng lịch hoặc càng sớm càng tốt khi tới tuổi cần phải tiêm. Không nên để trẻ chờ đợi”, ông Phu nói.

Ông Phu cho biết Bộ Y tế đã họp với các nhà cung ứng vắc xin trong cả nước, đề nghị các điểm tiêm chủng hướng dẫn cho người dân đưa trẻ đến tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch trong chương trình tiêm chủng mở rộng, không chờ đợi vắc xin dịch vụ, không để trẻ không có vắc xin.

Có thể thay vắc xin miễn phí cho vắc xin dịch vụ

Có thể sử dụng một trong ba loại vắc xin để phòng ngừa các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm gan B, viêm màng não do Hib cho trẻ dưới một tuổi. Đó là vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng, vaccine dịch vụ “5 trong 1” Pentaxim và vắc xin dịch vụ “6 trong 1” Infanrix hexa.

Tuy nhiên, nếu tiêm Quinvaxem cần sử dụng thêm vắc xin Sabin uống hoặc vắc xin bại liệt tiêm đơn giá để phòng bệnh bại liệt. Nếu tiêm Pentaxim cần sử dụng thêm vắc xin viêm gan B đơn giá để phòng bệnh viêm gan B.

Để tạo miễn dịch cơ bản phòng bệnh cho trẻ dưới một tuổi cần phải tiêm ba mũi vắc xin liên tiếp. Mũi tiêm sau cách mũi tiêm trước ít nhất một tháng, không thể nhỏ hơn. Khoảng cách tối đa không có áp dụng. Vì vậy việc tiêm vắc xin “5 trong 1” hoặc “6 trong 1” trễ hẹn theo lịch tiêm chủng là chấp nhận, không ảnh hưởng đến việc tạo miễn dịch đáp ứng phòng bệnh cho trẻ. Tuy nhiên, nếu khoảng cách này quá lâu thì trẻ có thể mắc bệnh vì chưa được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin cơ bản.

Trong điều kiện thiếu hụt vắc xin, các tài liệu đều thống nhất có thể sử dụng vắc xin khác thay thế để hoàn tất ba mũi tiêm cơ bản. Tức là có thể sử dụng vắc xin Quinvaxem thay thế vắc xin Pentaxim và vắc xin Infanrix hexa. Phụ huynh không nên đợi vaccine dịch vụ mà hoàn toàn có thể đưa con đến tiêm vắc xin tại các trạm y tế phường, xã.

BS NGUYỄN TRÍ DŨNG, Giám đốc Trung tâm Y tế

dự phòng TP.HCM

_____________________________________

Để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng phòng ngừa các bệnh có nguy cơ bùng phát trong mùa đông xuân như thủy đậu, mới đây Cục Quản lý dược đã cấp giấy phép cho Công ty TNHH TM và DP Sang nhập khẩu 300.000 liều vaccine Varivax; Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm y tế số 1 nhập khẩu gần 20.000 liều vaccine Varicella.

Ông NGUYỄN TẤT ĐẠT, Cục phó Cục Quản

lý dược (Bộ Y tế)

Theo Huy Hà – Trần Ngọc

Pháp luật TPHCM