Chất béo: hại đến đâu?

(Dân trí) - Sau khi có thông tin cho thấy chất béo no có lẽ không hại cho sức khỏe nhiều như mọi người vẫn nghĩ thì nhiều người đang băn khoăn không biết loại chất béo nào là không tốt, tốt hoặc cần thiết cho bữa ăn.

Chất béo trong chế độ ăn là chủ đề phức tạp nhất vì nhiều lý do. Các nhóm thực phẩm khác có ít phân nhóm hơn; ví dụ như carbohydrat (chất bột đường) chỉ có dạng đơn và dạng phức. Nhưng chất béo thì có rất nhiều phân nhóm - chất béo no, chất béo không no, chất béo không no chuỗi đa, chất béo không no chuỗi đơn, dầu tinh luyện.... Tiếp đó là các omega (thực ra là chất béo không no chuỗi đa, song omega được coi là một loại đặc biệt của nhóm này) trong đó omega 3 đã “nức tiếng” là loại chất béo tốt cho sức khỏe.
 

Đã có rất nhiều tranh cãi về chất béo no trong thực phẩm. Song thuật ngữ “chất béo no” được dùng để chỉ nguyên một nhóm khoảng chừng 20 loại chất béo có cấu tạo hóa học giống nhau; nhưng không phải tất cả các loại chất béo no đều được tạo ra như nhau. Trong khi một số thực sự được xem là có lợi, thì một số khác lại ít có lợi hơn.

 
Có lẽ khía cạnh gây nhầm lẫn nhiều nhất của chất béo là ở chỗ nhóm thực phẩm này có chung tên gọi với thứ nằm dưới da bụng và những chỗ khác khiến ta bị thừa cân và béo phì. Và càng ngày cái tên này càng mang ý nghĩa tiêu cực hơn: Tôi thấy mình béo quá. Cô ấy béo lên phải không? Đừng ăn món đó, béo lắm đấy.
 
Là một loại thực phẩm, chất béo là nguồn calo tập trung nhất với 9 calo trên mỗi một gam chất béo, trong khi chất đạm cho khoảng 4 calo mỗi gam và chất bột đường cho khoảng 4 calo. Do đó, một cách đơn giản để giảm nhiều calo từ chế độ ăn là tuân thủ chế độ ăn ít chất béo. Điều này càng làm chất béo mang thêm tai tiếng và nổi bật như một thứ cần tránh mặc dù quan điểm này hiện đã lỗi thời.
 
Vấn đề là ở chỗ nếu thay chất béo bằng những carbohydrat đơn thì chúng có thể góp phần gây bệnh và béo phì.
 
Chất béo: hại đến đâu?
 
Xu thế đã xoay chuyển trong ít nhất một thập kỷ gần đây, và hiện nay chất béo no đang quay lại trên các bản tin thời sự, một cuộc tranh luận mới đã bùng lên về các loại chất béo trong chế độ ăn. Cho dù chất béo no được thấy nhìn chung là có lợi và mối liên quan với bệnh tim mạch và béo phì chưa hẳn đã đúng, thì vẫn phải mất nhiều năm nữa thái độ của chúng ta với chất béo trong chế độ ăn mới có chuyển biến.
 
Vậy chúng ta còn lại gì? Chúng ta nên ăn loại chất béo nào và nên tránh loại nào?
 
Không ăn?
 
Chất béo chuỗi trans, chất béo hydro hóa và  hydro hóa một phần có trong: một số thực phẩm chế biến sẵn, bánh kẹo, bánh quy, thức ăn nhanh, một số thực phẩm đông lạnh và một số loại đồ ăn liền.
 

Hướng dẫn: Kiểm tra bảng thành phần trên thực phẩm đóng gói và nếu nhìn thấy những thành phần này thì nên chọn thứ khác thay thế.

 
Ăn vừa phải? Chất béo no
 
Có trong: bơ, mỡ lợn, bánh nướng, thịt đỏ và pho mát.
 
Hướng dẫn: Hướng dẫn của Anh gợi ý tối đa 30g/ngày đối với nam và 20g/ngày đối với nữ. Nhãn thực phẩm sẽ liệt kê các chất béo no giúp bạn dễ dàng đánh giá lượng ăn vào.
 
Ăn nhiều, nhưng đừng vô độ? Chất béo không no.
 
Có trong: dầu ô-liu, cá, quả bơ, các loại quả hạch (lạc, hạt điều, hạnh nhân v.v..) và hạt.
 
Hướng dẫn: Bao gồm chất béo omega 3 có thể ngăn ngừa viêm và omega 6 có tác dụng ngược lại. Tốt nhất là ăn nhiều omega 3 hơn omega 6.
 
Thùy Linh

Theo telegraph

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm