Cấp cứu vì tắm nước lá
Quan niệm tắm nước lá, dược mỹ phẩm thiên nhiên lành tính, không hóa chất… có thể chữa khỏi các bệnh ngoài da cũng như bảo vệ làn da mỏng manh của trẻ sơ sinh là quan niệm rất sai lầm và cần dừng ngay”, TS Nguyễn Văn Dũng, Phó trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cảnh báo.
Nhập viện vì tắm lá
Bé M., 3 tháng tuổi, nhập viện Xanh pôn trong tình trạng khó thở, sốt cao, người đầy mụn kê. Các bác sĩ chẩn đoán, bé bị nhiễm khuẩn ngoài da nặng, nếu không ứng cứu nhanh sẽ bị nhiễm khuẩn huyết. Nguyên nhân của tình trạng này chính là do gia đình đã tắm bằng lá hương nhu, hạt mùi với hy vọng da bé sau này thơm tho.
Nặng hơn là bé T., 3 tuổi, được các bác sĩ chẩn đoán là nhiễm khuẩn huyết nặng do gia đình tự ý dùng nước lá bàng với sài đất để tắm, điều trị bệnh chốc lở. Thuyên giảm đâu không thấy, chỉ thấy bé lên cơn sốt cao, co giật, phải nhập viện. Rất may là tính mạng bé đã qua cơn nguy kịch.
Đấy là chưa kể nhiều gia đình ở thành phố có điều kiện đã tắm nước dừa cho trẻ vì nghe nói làm vậy da trẻ sẽ trắng hơn. Kết quả là làm cho tình trạng nhiễm khuẩn da trầm trọng hơn, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh bởi da bé lúc này vẫn còn chất gây (chất béo). Theo TS Dũng, trong nước dừa có đường, khi tắm, đặc biệt tắm không sạch, chất đường ít nhiều còn lưu lại trên da và trở thành thức ăn béo bở của vi khuẩn, nguyên nhân dẫn tới nhiễm trùng da.
TS Dũng cho biết đây là hiện tượng mùa nào cũng gặp và mùa hè thường nhiều hơn.
Thông thường, dấu hiệu dễ nhận thấy của viêm nhiễm là sốt. Tuy nhiên, sự đáp ứng thân nhiệt đối với bệnh tật của trẻ kém nên khi trẻ sốt thì đó là dấu hiệu bị viêm nhiễm khá nặng rồi.
Cũng vì lý do trên, theo TS Dũng, nhiều trẻ khi đến được bệnh viện thì đã ở trong tình trạng bị viêm nhiễm nặng. Nếu bị nhiễm khuẩn huyết thì chữa chạy sẽ rất tốn kém, phải dùng kháng sinh đặc trị. Thời gian điều trị cho nhiễm khuẩn huyết thường không dưới 2 tuần, và chi phí ít nhất cần tới là 6 triệu – 8 triệu đồng.
Đấy là chưa kể, nếu trẻ bị chốc lở ở những vùng da đầu, mặt, cổ, những vùng da có nhiều dây thần kinh nhạy cảm thì khi bị nhiễm trùng sẽ không chỉ dừng ở nhiễm khuẩn huyết mà còn có thể bị viêm tắc tĩnh mạch não, gây di chứng não suốt đời.
Chú ý
Không tự ý dùng nước lá tắm để chữa các bệnh ngoài da vì nước lá có thể tốt hơn nước không đạt tiêu chuẩn vệ sinh bình thường chứ không thể đảm bảo sạch hơn nước máy.
Sử dụng xà bông diệt khuẩn cho mỗi lần tắmvà đảm bảo tắm nước sạch thường xuyên là cách tốt nhất nếu muốn phòng các bệnh ngoài da, TS Dũng nhấn mạnh. |
Thói quen tắm lá cho trẻ nhỏ, đặc biệt là cho trẻ sơ sinh chính là do truyền miệng, nghe nhiều người nói tắm nước lá tốt, vừa có tác dụng diệt khuẩn, vừa thơm tho mà lại không hóa chất.
Trên thực tế, vào các hàng lá ở trong các chợ, bạn sẽ được người bán tư vấn rất tỉ mỉ. Ví như nếu bé chỉ bị mụn kê thì dùng sài đất, lá chè, kinh giới; nếu trẻ bị lở chốc, lở, mụn nhọt thì dùng thêm nhọ nồi, cây hoa cứt lợn, rau chân vịt; nếu muốn tắm cho thơm thì dùng lá mùi tươi, hạt mùi, lá chanh. Nhiều người bán cho biết, lá tắm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất chạy, đặc biệt là vào mùa hè.
“Đúng là có những trường hợp tắm lá chữa được bệnh ngoài da nhưng đó chỉ là trường hợp ngẫu nhiên và với khả năng tự miễn của con người, nhiều bệnh tự sinh ra và tự khỏi. Hơn nữa, chưa có bất kỳ bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng các loại nước lá có khả năng chữa bệnh ngoài da.
Khi trẻ mắc các bệnh về da, nguyên nhân đầu tiên nên nghĩ tới là do không giữ vệ sinh da tốt. Đặc biệt ở trẻ em, do da mỏng, sức đề kháng yếu hơn, chưa thích ứng được với những thay đổi đột ngột của môi trường nên càng dễ bị vi khuẩn tấn công. Và làm sạch da bằng xà bông diệt khuẩn là cách làm tiện lợi, ít tốn kém, an toàn và hiệu quả cao nhất.
Việc nhiều gia đình không hiểu dùng hết thứ lá này đến thứ lá khác không chỉ làm kéo dài bệnh vì nước lá không có tác dụng diệt khuẩn, thậm chí còn gây nhiễm trùng nặng thêm vì không đảm bảo vệ sinh trong khâu rửa sạch lá”, TS Dũng quả quyết.
Theo Kim Sen
Thời báo Việt