Những thắc mắc thầm kín của chị em
(Dân trí) - Phụ nữ thường hay lo lắng về mọi dấu hiệu khác thường… Tuy nhiên, bản tính e thẹn đã khiến họ ngại ngùng thổ lộ một số thắc mắc thầm kín cùng bác sĩ. Nếu đã từng lo lắng về sự suy giảm ham muốn trong “chuyện ấy”, giờ là lúc bạn có thể tìm thấy câu trả lời.
Hỏi: Tôi không thích “chuyện ấy” lắm bởi mỗi lần như thế tôi cảm thấy không được thoải mái. Xin hỏi tôi phải làm gì để cải thiện tình trạng này?
Những yếu tố liên quan đến thể chất và tinh thần có thể góp phần gây ra tình trạng đau đớn khi giao hợp. Ngoài ra, một số bệnh phụ khoa cũng có thể là nguyên nhân khiến “chuyện ấy” trở nên khó khăn. Tuy nhiên, phần lớn các nguyên nhân này đều có thể điều trị khỏi. Điều quan trọng là bạn mạnh dạn đi khám để làm các xét nghiệm cần thiết.
Tình trạng đau rát có thể do viêm nhiễm hoặc cơ âm đạo co thắt do ảnh hưởng từ một số loại thuốc hoặc phản xạ sợ hãi với “chuyện ấy”. Nếu cảm giác đau đớn kéo dài, có thể bạn đang bị u nang buồng trứng hoặc viêm nhiễm khung xương chậu. Hãy trao đổi với bác sĩ về các triệu chứng của bạn.
Hỏi: Tôi đang gặp trục trặc trong việc làm thế nào để thụ thai. Chồng tôi và tôi có thể làm gì trước khi buộc áp dụng các phương pháp điều trị tốn kém?
Cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp việc thụ thai dễ dàng và sinh ra những đứa con khỏe mạnh.
Nếu muốn có con, trước tiên bạn cần giảm stress và đạt được trọng lượng cơ thể lý tưởng. Ăn nhiều hoa quả tươi và các thực phẩm có lợi cho sức khỏe.
Chúng tôi tin chắc rằng những chất độc và các chất hóa học sinh ra khi bạn thường xuyên stress sẽ cản trở ước muốn làm mẹ của bạn..
Cuối cùng, hãy nhớ rằng, để có được một đứa con đòi hỏi sự nỗ lực của cả hai bạn. Cả 2 vợ chồng cần tuân thủ những nguyên tắc dưới đây:
- Tránh xa chất cồn, cà phê; không hút thuốc
- Ăn các thực phẩm tươi sống, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn.
- Giảm stress.
- Không dùng các loại thuốc gây nghiện hoặc các loại thuốc điều trị khác.
- Uống vitamin bổ sung.
- Làm “chuyện ấy” đều đặn.
Khi đã tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn và loại trừ các yếu tố khách quan khác, lúc này bạn mới cần tới các phương pháp điều trị chuyên nghiệp nhưng cũng không nhất thiết phải áp dụng các phương pháp tốn kém.
Hỏi: Những ngày ấy với tôi thật khủng khiếp. Mặc dù nó chỉ diễn ra trong vài ngày nhưng đó thực sự là những ngày khốn khổ của tôi.
Có khoảng trên 150 biểu hiện liên quan tới hội chứng tiền kinh nguyệt, từ mụn đến phù chân… Nhưng nếu bạn có những triệu chứng vượt quá mức chịu đựng như đau bụng, trầm cảm hoặc chuột rút thì cần đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân đích thực.
Mặc dù không phải tất cả các triệu chứng đều có thể được điều trị nhưng chế độ dinh dưỡng và luyện tập phù hợp sẽ giúp giảm nhẹ tình trạng khó ở, khó chịu của chị em trong những ngày ấy.
Hãy tránh tuyệt đối cafein và chất cồn trong những ngày ấy. Hạn chế ăn muối, đường, các thực phẩm giàu chất béo và thịt đỏ. Thay vào đó là các thực phẩm giàu can xi, ma giê và vitamin B6, E. Một số bằng chứng cho thấy các liệu pháp thảo dược như dầu hoa anh thảo và một số loại tinh dầu có tác dụng xoa dịu tinh thần khá hiệu quả.
Tập luyện nhẹ nhàng và thư giãn cũng giúp giảm mệt mỏi, lo âu và trì trệ.
Nhân Hà
Theo MSN