1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đồng Tháp:

Cả gia đình 4 người cùng nhập viện vì sốt xuất huyết

(Dân trí) - Tính 2 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh có trên 400 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) - tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2015. Có trường hợp cả gia đình mắc bệnh phải nhập viện điều trị. Hiện ngành y tết Đồng Tháp giám sát, triển khai nhiều biện pháp phòng chống bệnh SXH.

Số ca mắc SXH tăng cao

Tháng 2/2016, toàn tỉnh có trên 400 trường hợp mắc SXH (tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2015), tuy nhiên không có trường hợp nào tử vong. Các huyện thị có số mắc SXH cao là TP Cao Lãnh, huyện Tháp Mười, huyện Cao Lãnh và TP Sa Đéc.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Ấn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Tháp cho biết, mặc dù bệnh SXH đang có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao.

Từ đầu năm 2016 đến nay, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đồng Tháp đã tiếp nhận trên 350 trường hợp nhập viện điều trị bệnh SXH, tăng 5,5 lần so cùng kỳ năm 2016. Có ngày bệnh nhân nhập viện đông không đủ giường bệnh nên phải tạm nằm điều trị tại hành lang của Khoa Nhiễm bệnh viện.

Tại BVĐK huyện Cao Lãnh, 2 tháng đầu năm nay, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho 100 ca mắc SXH, số chuyển viện lên tuyến trên là 16 ca (trong đó có những ca không nặng nhưng tự xin chuyển). Tại Khoa Nhi (BVĐK huyện Cao Lãnh), hôm PV đến mặc dù không có bệnh nhân nằm điều trị ngoài hành lang nhưng hầu hết giường bệnh trong phòng đều có bệnh nhân mắc SXH nằm điều trị từ 1 đến 5 ngày.

Tháng 2/2016, toàn tỉnh có trên 400 trường hợp mắc SXH (tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2015), tuy nhiên không có trường hợp nào tử vong.
Tháng 2/2016, toàn tỉnh có trên 400 trường hợp mắc SXH (tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2015), tuy nhiên không có trường hợp nào tử vong.

Suốt 3 ngày chăm sóc những người thân mắc bệnh SXH, Chị Phạm Thị Hồng, ngụ ấp 3, xã Bình Hàng Trung cho biết, mặc dù rất mệt mỏi nhưng chị và người thân lo cho 3 người em, cháu mình đang điều trị SXH và 1 cháu đang điều trị nghi do SXH (cả 4 người trong gia đình). Chị Hồng chia sẻ: “Tôi đang làm ăn ở xa, nghe nói cả gia đình em tôi bị bệnh tôi tức tốc về xem thế nào và tiện bề chăm sóc. Có ngày tôi vừa nuôi em ở BVĐK Đồng Tháp, vừa lấy xe chạy về BVĐK huyện Cao Lãnh nuôi em và cháu cũng nằm điều trị SXH ở đây”.

Nói về nguyên nhân bị SXH, em P.A.H., đang điều trị tại BVĐK huyện Cao Lãnh cho rằng có thể em bị muỗi cắn vì xung quanh nhà em muỗi rất nhiều. Dù được điều trị 3 ngày nhưng bác sĩ cho biết H. vẫn còn đang sốt cao.

Bác sĩ Lê Văn Diễn, Phó Giám đốc BVĐK huyện Cao Lãnh cho biết, 2 tháng nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 2 bệnh nhân mới, trước đó có nhiều ngày liên tục bệnh viện không tiếp nhận bệnh nhân mắc SXH. Bên cạnh phần nhiều bệnh nhân nhập viện sớm nhưng vẫn có một số trường hợp điều trị phòng khám tư không khỏi mới nhập viện, lúc đó bệnh tình trở nặng. Có trường hợp bệnh nhân bệnh nặng như sốc, tái sốc, biến chứng xuất huyết nhiều, xuất huyết có tổn thương gan, thận phải chuyển viện. Ngoài trẻ em, bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp người lớn mắc SXH. Bác sĩ Diễn khuyên, bệnh nhân sốt cao đột ngột và không hạ sốt, hoặc cho uống thuốc hạ sốt nhưng sốt lại và có các triệu chứng lừ đừ, đau bụng, nôn ói thì hãy nghi đó là triệu chứng SXH và người thân nên đưa người nhà đến bệnh viện khám bệnh, làm các xét nghiệm.

Tập trung phòng chống bệnh SXH

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Có, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cao Lãnh, từ đầu năm 2016 đến nay tại huyện Cao Lãnh có 164 ca mắc SXH, trong đó có 14 ca nặng. Hiện tại có 18/18 xã, thị trấn đều có ca mắc bệnh SXH. Xã có ca mắc cao gồm: Bình Thạnh (20 ca), Bình Hàng Trung (19 ca), Phong Mỹ (18 ca), Ba Sao (14 ca), TT Mỹ Thọ (10 ca). Trung tâm đã tham mưu với lãnh đạo trong việc phối hợp với các ngành, các cấp và đơn vị liên quan tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tuyên truyền trực tiếp đến hộ gia đình diệt lăng quăng. Ngoài công tác giám sát, xử lý ổ dịch, Trung tâm đang đẩy mạnh tuyên truyền cho viên chức trạm y tế, nhân viên y tế ấp, nhân viên sức khỏe cộng đồng trực tiếp hướng dẫn người dân diệt lăng quăng, phòng chống bệnh SXH tại cộng đồng; trạm y tế tổ chức phát đĩa hình, tư vấn khi bệnh nhân đến khám bệnh, lồng ghép các cuộc họp nhóm trực tiếp tuyên truyền.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Ấn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Tháp cho biết ở Đồng Tháp SXH xảy ra quanh năm, mùa khô sẽ giảm hơn mùa mưa. Năm nay ở thời điểm mùa khô, tuy bệnh đang chiều hướng giảm nhưng số mắc vẫn ở mức cao hơn cùng kỳ hai năm vừa qua. Có nhiều nguyên nhân liên quan đến việc SXH năm nay còn cao ở ngay mùa khô, nhưng nguyên nhân chính là đến chu kỳ dịch: năm 2014 đột biến bệnh giảm mạnh, làm cho số người chưa có miễn dịch SXH tăng cao, năm 2015 số mắc cao hơn 2014, năm 2016 bệnh đang trên đà tăng, dự báo sẽ cao hơn 2015, do vậy công tác phòng chống SXH phải thực hiện quyết liệt.

Mỗi gia đình cần chủ động các biện pháp phòng chống bệnh SXH, như diệt lăng quăng, đổ bỏ các vật dụng chứa nước không xài, phát hoang bụi rặm... để không còn chỗ cho muỗi sinh sống.
Mỗi gia đình cần chủ động các biện pháp phòng chống bệnh SXH, như diệt lăng quăng, đổ bỏ các vật dụng chứa nước không xài, phát hoang bụi rặm... để không còn chỗ cho muỗi sinh sống.

Theo bác sĩ Ấn, SXH là do muỗi truyền, muốn phòng bệnh SXH phải diệt muỗi, diệt lăng quăng, tránh muỗi đốt bằng nhiều biện pháp, không có biện pháp gì khác mà có hiệu quả hơn. Để kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa dịch bệnh SXH, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đang và tiếp tục giám sát chặt chẽ số ca bệnh, giám sát muỗi, lăng quăng, giám sát virus gây bệnh để dự báo, dự đoán các điểm nóng, xử lý kịp thời; xử lý từng ổ dịch nhanh gọn kịp thời tránh lây lan rộng; xử lý các điểm nóng bằng phun xịt diện rộng hóa chất diệt muỗi. Tuy nhiên, biện pháp căn cơ nhất vẫn là vận động nhân dân diệt muỗi, diệt lăng quăng.

Hiện đang là mùa khô, tuy nhiên vẫn xảy ra nhiều trường hợp mắc SXH, do vậy ngoài các biện pháp phòng chống bệnh SXH của cơ quan chức năng thì chính bản thân mỗi người dân cần chủ động phát hoang bụi rặm, đổ bỏ các vật dụng chưa nước không xài, diệt lăng quăng, đặc biệt là giăng màn khi ngủ…

Về cách chăm sóc trẻ bị bệnh SXH, Bác sĩ Ngô Thị Kiều Nga - Trưởng Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp cho biết: Có 5 dấu hiệu trẻ trở nặng, người nhà cần nhận biết sớm để đưa con đến bệnh viện ngay khi thấy các biểu hiện như lừ đừ, li bì hoặc bứt rứt, ói nhiều, đau bụng nhiều, xuất huyết, tay chân mát, lạnh. Chỉ cần có 1 trong 5 dấu hiệu trên thì phải đưa đến bệnh viện gần nhất.Điều trị SXH là sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình bệnh nhân và thầy thuốc, trong đó vai trò của người chăm sóc trực tiếp các cháu nói chung, của người thân nói riêng là hết sức quan trọng, góp phần bảo vệ sức khoẻ của các cháu một cách tốt nhất.

Nguyễn Hành – H.N