Bộ Y tế nói gì về nguy cơ bùng phát dịch tại các tỉnh miền Tây?
(Dân trí) - Trước làn sóng người dân ồ ạt về quê, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng nếu không có các giải pháp đồng bộ thì nguy cơ dịch gia tăng trong những ngày tới là rất lớn.
Trong những ngày qua, hàng trăm nghìn người từ TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai kéo về quê, trong đó có nhiều người về các tỉnh miền Tây. Một số địa phương đã ghi nhận nhiều trường hợp F0. Vì thế, nhiều người lo ngại nguy cơ dịch bùng phát trở lại trong khi các tỉnh miền Tây vốn đang chịu tác động mạnh của dịch Covid-19.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, tại 12 tỉnh Tây Nam Bộ, tình hình dịch Covid-19 cơ bản từng bước kiểm soát tuy nhiên luôn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện các ổ dịch trong cộng đồng và có khả năng bùng phát.
"Những ngày vừa qua một số tỉnh nới lỏng giãn cách, TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai đang có di biến động dân cư lớn với số lượng lớn người dân trở về quê (các địa phương khác). Nếu không có các giải pháp đồng bộ thì nguy cơ dịch gia tăng trong những ngày tới là rất lớn, đặc biệt là các tỉnh miền Tây", Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, nguy cơ bùng phát dịch ở những địa phương có đông người dân di cư về là hiện hữu. Lý do vì ở nhiều nơi, tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 còn thấp, có thể có người về không khai báo hoặc khai báo không trung thực…
Ngoài ra, số lượng người dân về đông có thể gây quá tải cho các khu cách ly tập trung. Vì thế, các địa phương cần thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế về kiểm soát người về từ vùng dịch, nâng công suất tối đa cơ sở cách ly tập trung, làm tốt công tác cách ly tại nhà và chống nhiễm khuẩn để tránh lây nhiễm chéo.
Thứ trưởng Tuyên cũng đặc biệt nhấn mạnh việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ di biến động dân cư, quản lý chặt chẽ công dân khi ra, vào địa bàn, người có nguy cơ đang lưu trú, làm việc tại địa phương, doanh nghiệp (như lái xe, phụ xe đường dài, liên tỉnh; người làm việc ngoài tỉnh về địa phương lưu trú, người lưu trú ngoài tỉnh về địa phương làm việc,…) để có biện pháp quản lý phù hợp, khai báo y tế thường xuyên, xét nghiệm định kỳ theo quy định.
Đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta lây nhiễm nhanh, mạnh hơn. Nồng độ virus trong dịch đường hô hấp gấp 1.000 lần so với chủng cũ. Ngoài ra, chỉ trong 2-3 ngày đã có thêm một vòng lây nhiễm mới (các chủng cũ 5-7 ngày). Đặc biệt, khoảng 80% người nhiễm không có triệu chứng, việc lây nhiễm xảy ra trước khi bệnh nhân có xuất hiện triệu chứng, gây khó khăn cho việc phát hiện.
Vì thế, Thứ trưởng lưu ý các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và thường xuyên xét nghiệm tầm soát phát hiện sớm, xử trí kịp thời. Đồng thời, chuẩn bị đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19.
"Nơi nào đã kiểm soát tốt dịch thì cần tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, chuẩn bị 4 tại chỗ, sẵn sàng các tình huống xảy ra. Đối với các địa phương đang trong lộ trình nới lỏng, việc thực hiện giãn cách cần xây dựng và triển khai theo lộ trình, phục hồi sinh hoạt và hoạt động kinh tế xã hội thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả công tác phòng chống dịch", Thứ trưởng nhấn mạnh.