Bộ Y tế đề nghị Bộ Quốc phòng cử lực lượng hỗ trợ 2 tỉnh chống dịch
(Dân trí) - Kiên Giang, Tiền Giang là hai nơi tình hình dịch Covid-19 có nhiều diễn biến đáng lo ngại. Vì thế, Bộ Y tế đề nghị Bộ Quốc phòng xem xét tiếp tục cử lực lượng y tế hỗ trợ công tác phòng chống dịch.
Chiều 14/9, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc họp của Tiểu ban y tế. Tham gia có Thượng tướng Vũ Hải Sản - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng Tiểu ban và các thành viên.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế thời gian qua lực lượng tuyến đầu nòng cốt là y tế, bộ đội và công an đã cùng nhau phối hợp triển khai các hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả với tinh thần hết sức trách nhiệm, tích cực. Các lực lượng đã không quản ngại khó khăn tham gia chống dịch, nhiều người đã gác lại gia đình riêng, gác lại niềm riêng tư, hàng tháng chưa về với gia đình…
Bộ trưởng đề nghị Bộ Quốc phòng xem xét tiếp tục bố trí cử lực lượng y tế cùng Bộ Y tế để hỗ trợ công tác phòng chống dịch của Tiền Giang, Kiên Giang. Kiên Giang, Tiền Giang là hai nơi tình hình dịch có nhiều diễn biến đáng lo ngại. Nhiều xã, phường, thị trấn chuyển từ "xanh", "cam" thành "đỏ".
Tại Kiên Giang, trong đợt dịch thứ 4 đến nay đã ghi nhận hơn 3.000. Trong 7 ngày qua, ghi nhận hơn 1.200 ca, trong đó hơn một nửa là các ca ghi nhận tại cộng đồng. So với tuần trước đó, số ca mắc tăng hơn 500, số ca tại cộng đồng tăng 203 ca.
Tại Tiền Giang, kể từ khi bùng phát đợt dịch thứ 4 đến nay, ghi nhận hơn 12.200 ca mắc. Từ ngày 29/6, trung bình có 190 ca/ngày, cao nhất là 234 ca/ngày.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng lưu ý các lực lược cần chuẩn bị nhân lực để hỗ trợ xét nghiệm thần tốc của các địa phương.
"Quan điểm của Thủ tướng và bài học kinh nghiệm của quốc tế cũng như của nhiều địa phương nước ta trong các đợt chống dịch cho thấy chỉ có xét nghiệm thần tốc mới có thể bóc tách F0 ra cộng đồng, cùng đó kết hợp quản lý cách ly, khoanh vùng tránh lây nhiễm ra cộng đồng sẽ tránh được giãn cách kéo dài", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đối với tổ quân y, Bộ Y tế đề nghị tiếp tục triển khai hoạt động được giao, nhất là triển khai các trạm y tế lưu động tại TPHCM. Đồng thời, đánh giá hiệu quả của hoạt động trạm y tế lưu động, từ đó nhân rộng ra các địa bàn khác.
Ngoài ra, trong tháng 9 và tháng 10 vắc xin Covid-19 về Việt Nam rất nhiều, do đó các lực lượng y tế và quân đội, công an phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong tổ chức bảo quản, vận chuyển, phân phối và tiêm vaccine tối đa công suất để đảm bảo tiến độ tiêm chủng.
Các bên cũng cần phối hợp chặt chẽ trong nghiên cứu sản xuất máy thở, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, khẩu trang, oxy y tế (oxy bồn, oxy bình, oxy trung tâm tương ứng với giường điều trị…)
Bộ trưởng cũng yêu cầu các bệnh viện tuyến huyện và y tế công an và quân đội cũng vậy phải tập huấn cho toàn bộ lực lượng y tế để chủ động phương châm "4 tại chỗ" trong phòng chống dịch.