Bí thư TPHCM: Người dân bệnh bác sĩ lo, khi bác sĩ không khỏe... ai lo?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Ông Nguyễn Văn Nên chia sẻ trong cuộc làm việc với nhân viên ngành y TPHCM rằng, bản thân ông có câu hỏi luôn trăn trở, đó là khi người dân bệnh thì bác sĩ lo, vậy khi bác sĩ không khỏe... ai lo?

Sáng 5/8, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên có cuộc gặp gỡ các cán bộ, nhân viên ngành y tế TPHCM để tìm hiểu những tâm tư, khó khăn và thách thức của ngành y tế trong giai đoạn hiện nay.

Sau khi nghe các báo cáo từ Giám đốc Sở Y tế, ông Nguyễn Văn Nên nói rằng bản thân có một câu hỏi luôn trăn trở, đó là khi người dân bệnh thì bác sĩ lo, vậy thì khi bác sĩ không khỏe... ai lo?

Bí thư TPHCM: Người dân bệnh bác sĩ lo, khi bác sĩ không khỏe... ai lo? - 1

Bí thư Thành ủy TPHCM gặp gỡ cán bộ, nhân viên y tế ngày 5/8 (Ảnh: Hoàng Lê).

Ông Nên nhận định, trong đợt chống dịch vừa qua, dù ở cấp độ, nhiệm vụ gì thì ai cũng là "chiến sĩ áo trắng". Ông hy vọng sau buổi lắng nghe, gặp gỡ nhân viên y tế này, TPHCM sẽ tìm ra được thông điệp trọng tâm để bàn bạc và tháo gỡ.

Bí thư Thành ủy tin rằng, khi người thầy thuốc chọn ngành là họ đã mong muốn được cứu người. Muốn học y phải giỏi, trải qua nhiều năm nên không dễ để ai đó thay đổi con đường lựa chọn. Nhưng nếu cùng lúc dồn dập nhiều thứ quá, sức chịu đựng của con người có hạn. Do đó, những ai đã chọn từ bỏ ngành y, chắc hẳn rất đau xót.

Bí thư Nguyễn Văn Nên đặt câu hỏi, ngoài 4 khó khăn, thách thức mà Sở Y tế TPHCM nói đến (dịch chồng dịch; nguy cơ thiếu thuốc, vật tư y tế; biến động nguồn nhân lực y tế; tình trạng lo lắng trong một bộ phận nhân viên y tế), còn gì khác nữa không?

Bí thư TPHCM: Người dân bệnh bác sĩ lo, khi bác sĩ không khỏe... ai lo? - 2

Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ nhận định về các nguyên nhân khiến nhân viên y tế nghỉ việc (Ảnh: Hoàng Lê).

Riêng vấn đề nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt, Bí thư Nên cho biết, ông có đọc một khảo sát từ 500 bác sĩ, ghi nhận 6 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên.

Thứ nhất là lương thấp. Thứ hai là không hài lòng với môi trường làm việc (chiếm 57%). Thứ ba là cường độ làm việc quá cao. Thứ tư là không có cơ hội học hỏi, nâng cao tay nghề. Thứ năm, có 38% người khảo sát cho biết nghỉ việc vì không hài lòng với giám đốc. Và cuối cùng vì không hài lòng với người quản lý trực tiếp của mình.

Bí thư Thành ủy dẫn chứng, một trường hợp ông từng hỏi thăm làm bác sĩ tham gia chống dịch, hiện công tác tại trạm y tế ở TPHCM. Bác sĩ này tâm sự phải làm việc cả thứ 7 và Chủ nhật, rất vất vả nhưng không có thêm lương. Gia đình các bạn của bác sĩ này khá giả nên họ tự đi học thêm để lấy các chứng chỉ khác, trong khi nhân viên y tế ông Nên nhắc tới... không có điều kiện.

Bí thư TPHCM: Người dân bệnh bác sĩ lo, khi bác sĩ không khỏe... ai lo? - 3

Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, lãnh đạo bệnh viện cần có sự chia sẻ, thấu cảm, làm điểm tựa để giải tỏa áp lực làm việc cho các y bác sĩ (Ảnh: Hoàng Lê).

"Vấn đề đặt ra, câu chuyện đó có phải sự thật không, có phổ biến không. Tôi không tin rằng chỉ vì lương thấp có thể khiến bác sĩ bỏ việc hoặc bỏ công ra tư. Tôi cũng không tin chỉ vì một sự không hài lòng nào đó khiến nhân viên y tế nản lòng. Nhưng tôi tin nếu tất cả vấn đề trên cùng dồn nén ở một nơi, sẽ tạo ra được câu chuyện trên" - Bí thư Thành ủy TPHCM nhìn nhận.

Ông Nguyễn Văn Nên cho rằng, mọi việc ngành y tế TPHCM làm đều trên cơ sở có lợi cho dân, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm với nhân dân, thay vì suy nghĩ phải làm theo chỉ đạo.

"Khi cường độ làm việc cao thì phải có người lãnh đạo chia sẻ, thấu cảm, làm điểm tựa cho anh em chiến đấu. Đây là "vaccine tinh thần", năng lượng tình cảm. Chúng ta phải yêu thương nhau mới vượt qua được" - Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị.