Bị bệnh nhân cấp cứu bức xúc, một bệnh viện ở TPHCM phải "rút kinh nghiệm"
(Dân trí) - Sở Y tế TPHCM yêu cầu Ban Giám đốc Bệnh viện đa khoa Sài Gòn cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh, sau sự việc một bệnh nhân cấp cứu bức xúc "tố" bác sĩ của nơi này thờ ơ, vô cảm.
Ngày 7/1, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM đã có buổi làm việc với Ban giám đốc, lãnh đạo các phòng chức năng và khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Sài Gòn (quận 1), để làm rõ lý do một bệnh nhân bức xúc "tố" bác sĩ nơi này thờ ơ, vô cảm khi vào cấp cứu.
Cụ thể, phản ánh trên báo chí, người nhà của chị K.L. cho biết, ngày 1/1 sau khi bị tai nạn giao thông chấn thương cẳng chân, bệnh nhân vào Bệnh viện đa khoa Sài Gòn cấp cứu. Lúc này dù bệnh viện chỉ có vài bệnh nhân và có đến 6 bác sĩ ngồi trực, trò chuyện với nhau nhưng bệnh nhân phải chờ đợi rất lâu, không được đoái hoài.
Đến khi được chỉ định chụp X-quang, nhân viên y tế trực cũng không có mặt tại buồng chụp. Khi bệnh nhân hỏi han tình hình, bác sĩ chỉ biết im lặng. Điều này khiến bệnh nhân nghi ngờ, thậm chí lo sợ khi đặt sức khỏe, tính mạng của mình vào tay bác sĩ.
Theo báo cáo của Giám đốc Bệnh viện đa khoa Sài Gòn, lúc 10h31 ngày 1/1, chị K.L. (27 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) được khoa Cấp cứu tiếp nhận do tai nạn giao thông thông, được chẩn đoán chấn thương phần mềm cẳng chân phải. Bác sĩ chỉ định chụp X-quang cẳng chân, bệnh nhân được chụp trong vòng 15 phút. Sau đó, người bệnh được bác sĩ khám lại, hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình và cho về lúc 10g56.
Theo báo cáo, thời gian từ lúc tiếp nhận ở khoa Cấp cứu đến lúc xuất viện không quá 30 phút, nhưng người bệnh và thân nhân vẫn không hài lòng và bức xúc,
Tại buổi làm việc, qua trao đổi, nguyên nhân sự việc được xác định là ngay từ khâu tiếp nhận sàng lọc ban đầu. Theo đó, trước khi được tiếp nhận vào khoa Cấp cứu khoảng 10 phút, nhân viên y tế nhận thấy người bệnh tự đi lại được, cẳng chân không vết thương, nhận định đây không phải trường hợp cần cấp cứu nên đã hướng dẫn bệnh nhân sang khoa Khám bệnh.
Tuy nhiên, khi bệnh nhân vừa đến khoa Khám bệnh thì bác sĩ trưởng tua trực cấp cứu lại hướng dẫn vào khoa Cấp cứu để khám, sau khi nghe điều dưỡng báo việc tiếp nhận bệnh. Đây chính là nguyên nhân đã gây bức xúc cho chị L.
"Một nguyên nhân khác làm người bệnh bức xúc, mặc dù nhân viên khoa Cấp cứu chưa báo cáo, có thể là cách giao tiếp, ứng xử của nhân viên với người bệnh" - Sở Y tế TPHCM nhận định.
Ngoài ra, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Sài Gòn cho biết, thời điểm bệnh nhân đến, khoa Cấp cứu đang theo dõi và chăm sóc 2 người bệnh cấp cứu khác và 5 trường hợp đang điều trị hồi sức tích cực. Điều này cũng dễ làm người bệnh bức xúc vì không được xử lý ngay.
Qua sự việc trên, Sở Y tế yêu cầu Ban Giám đốc Bệnh viện đa khoa Sài Gòn cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh trong việc giải thích hướng dẫn người bệnh ngay khi tiếp nhận sàng lọc tại khoa Cấp cứu, Hồi sức.
Đồng thời, bệnh viện cũng cần có giải pháp cải thiện cách giao tiếp, ứng xử của nhân viên y tế với người bệnh và thân nhân, giúp tạo sự an tâm, giảm lo lắng, bức xúc không cần thiết.