Áp lực cấp cứu 100 bệnh nhân trong đêm của bệnh viện vùng trung tâm Thủ đô
(Dân trí) - Chỉ trong 6 giờ đồng hồ của ca đêm, đã hơn 100 lần cánh cửa chính của khoa Cấp cứu mở ra tiếp nhận bệnh nhân. Mỗi ca trực sẽ là một cuộc chạy đua đúng nghĩa của các "blouse trắng".
Trời chập tối, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn "nóng" dần lên với những bước chân cấp tập của các y bác sĩ. Những chiếc cáng còn trống trong khoa ít dần đi.
Phía cửa tiếp nhận, các bệnh nhân mới liên tục được chuyển vào.
Nằm ở vị trí trung tâm Thủ đô, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận lượng bệnh nhân cấp cứu rất lớn. Điều này đồng nghĩa với việc, mỗi ca trực sẽ là một cuộc chạy đua đúng nghĩa của các "blouse trắng".
Nằm trên cáng, người phụ nữ hơn 40 tuổi da mặt nhợt nhạt, thở từng nhịp nặng nề. Người nhà cho biết, bệnh nhân bị sốt ngày thứ 5, có triệu chứng khó thở, mệt nhiều, ho tức ngực nên được đưa vào bệnh viện.
Sau khi thăm khám và kiểm tra bước đầu, nữ bệnh nhân được BS Nguyễn Ngọc Thắng chỉ định siêu âm, chụp X-quang để kiểm tra tình trạng tràn dịch ở phổi và làm thêm điện tim đề phòng trường hợp viêm cơ tim.
"Có những bệnh nhân nhìn sơ qua tưởng bệnh nhẹ nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ lớn. Do đó, chúng tôi phải rất cẩn trọng lường trước các rủi ro. Viêm cơ tim ở người trẻ là một tình trạng rất nguy hiểm có thể xuất hiện sau khi bị sốt virus. Bệnh có thể gây xuất huyết tiên lượng tử vong.
Mùa dịch sốt xuất huyết, chúng tôi đã gặp không ít trường hợp bị viêm cơ tim, do trong quá trình mắc bệnh, virus tấn công mạnh vào cơ quan này", BS Thắng phân tích.
Bàn giao bệnh nhân sau khi chỉ định, BS Thắng vội di chuyển về phía giường bệnh của người đàn ông đang hôn mê, phải thở máy. Đây cũng là bệnh nhân nặng nhất đang điều trị tại Khoa Cấp cứu.
Tối hôm trước, người đàn ông này được chuyển đến từ tuyến dưới trong tình trạng sốc mất máu, xuất huyết tiêu hóa và ngay lập tức được đặt ống, thở máy, đặt cartherte, bù khối lượng tuần hoàn.
Sau khi kiểm tra các chỉ số sinh tồn trên màn hình máy monitor, BS Thắng cùng một nữ điều dưỡng thực hiện đo áp lực tĩnh mạch trung tâm. Điều may mắn là các chỉ số vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, để cứu được bệnh nhân sẽ là một cuộc chiến dài.
"Bệnh nhân tiên lượng nặng, bị xuất huyết tiêu hóa nhưng hẹp tá tràng. Mục tiêu trước mắt là phải hồi sức cho bệnh nhân. Giúp bệnh nhân ổn định về mặt huyết động. Sau khi tình trạng bệnh nhân tốt lên mới có thể tiến hành mổ", BS Thắng phân tích.
Sau khi giải thích cho người nhà bệnh nhân, nam bác sĩ lại cuốn theo guồng quay hối hả quen thuộc.
Đơn vị này là nơi cấp cứu đa chuyên khoa 24/7 gồm nội khoa, nhi khoa, ngoại khoa và chấn thương. Ngoài ra còn có những ca cấp cứu ngoại viện như trường hợp cấp cứu vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ.
"Ở đây ngày nào cũng như vậy. Lực lượng thường trực của chúng tôi chỉ có 13 nhân lực chính, trong đó có 3 bác sĩ phòng Nội - Nhi, 4 bác sĩ phòng Cấp cứu ngoại, 6 điều dưỡng, nhưng thường phải tiếp nhận gần 200 ca cấp cứu/ngày.
Thêm vào đó, nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ là tiếp nhận bệnh nhân và khám chữa bệnh", BS Lương Văn Chương, Trưởng Khoa Cấp cứu chia sẻ.
- Chị có đau đầu không, bị sốt bao nhiêu ngày rồi?
….
Sau khi thăm khám cho người phụ nữ nằm mê man trên cáng, nghi ngờ bị sốt xuất huyết diễn biến nặng, BS Nguyễn Nhật Lệ bàn giao bệnh nhân cho một đồng nghiệp.
Nữ bệnh nhân nhanh chóng được đẩy về căn phòng phía cuối hành lang để truyền dịch và làm các xét nghiệm theo dõi và chẩn đoán bệnh.
"Giai đoạn này, sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng mạnh, khối lượng công việc của chúng tôi lại thêm chồng chất", BS Lệ chia sẻ.
21h, lượng bệnh nhân vào khoa dồn dập hơn trước. BS Chương cho biết, giai đoạn 21h - 23h là khung giờ cao điểm của khoa. Thời điểm này, bệnh nhân tiếp nhận thường sẽ là trẻ em, người bị tai nạn giao thông, đột quỵ…
Có đến 40% bệnh nhân tiếp nhận là trẻ em. Bệnh nhi được đưa vào khoa với đủ các bệnh cảnh. Các trường hợp bị suy hô hấp, ngộ độc, suy tuần hoàn, suy thần kinh đòi hỏi các bác sĩ phải can thiệp thật nhanh.
"Ở Khoa Cấp cứu, thời gian cũng chính là sinh mệnh của bệnh nhân", BS Chương nhấn mạnh.
Khu vực sảnh giữa chuyên để tiếp nhận bệnh nhân mới, xử trí bước đầu đã gần kín chỗ, nhưng phía cửa chính, liên tiếp 4 trẻ được gia đình đưa vào.
Sau khi bác sĩ thăm khám, kiểm tra dấu hiệu sinh tồn, 2 bệnh nhi có tình trạng nặng hơn được đưa vào khu trong xử trí. 2 gia đình có con mắc bệnh nhẹ hơn, có thể trì hoãn, được đề nghị chờ vì phía bên trong đang quá tải.
Bác sĩ nội trú và học viên tại khoa hỗ trợ người nhà và theo dõi diễn biến của bệnh nhi, khi lực lượng chính đều đã có nhiệm vụ.
"Anh cố gắng bình tĩnh. Chúng tôi phải ưu tiên trường hợp khẩn cấp hơn. Tình trạng của cháu vẫn đang ổn, chúng tôi sẽ cố gắng quay trở lại thăm khám cho cháu sớm", nữ bác sĩ trấn an người đàn ông đang nổi nóng vì con chưa được cấp cứu.
"Khoa quá tải vào giờ cao điểm, sẽ có một áp lực rất lớn với chúng tôi từ việc người nhà mất bình tĩnh, có thái độ tiêu cực khi bệnh nhân phải chờ.
Nếu không kiểm soát tốt tình hình, từ khâu tổ chức thăm khám bệnh nhân cho đến giải thích với người nhà sẽ gây nguy hiểm cho bệnh nhân và bức xúc cho người nhà. Vì thế chúng tôi cần phân loại người bệnh chính xác tránh bỏ sót những trường hợp nặng", BS Chương phân tích.
21h54, một chiếc xe cấp cứu đỗ ở cổng tiếp nhận. Cửa xe vừa mở, người bố vội vàng bế ngửa con chạy nhanh vào khoa. Trước khi vào viện, bệnh nhi bị sốt cao, lên cơn co giật trong khoảng một phút, liền được gia đình đưa đi cấp cứu.
Được đặt xuống giường, bé trai vẫn co giật nhẹ, mắt lờ đờ. Nhận định trường hợp khẩn cấp, BS Nhật Lệ bàn giao lại một bệnh nhân đang thăm khám, nhanh chóng tiếp cận.
"Mạch và huyết động của cháu ổn định, tỉnh táo hoàn toàn. Tuy nhiên, trẻ trước đây đã có tiền sử co giật nên cần nhập viện điều trị nội trú, để làm các xét nghiệm chuyên sâu hơn, tìm căn nguyên co giật", nghe bác sĩ giải thích, cơ mặt người đàn ông giãn ra như trút bỏ được gánh nặng.
Chỉ 10 phút sau, ánh đèn xe cấp cứu lại lóe lên phía cửa khoa. Một người đàn ông lớn tuổi, nằm trên cáng được đẩy vào.
- Bệnh nhân bị đau bụng, có bệnh nền xơ gan.
- Phim chụp X-quang cho thấy bệnh nhân bị thủng tạng rỗng.
…
Nữ điều dưỡng từ bệnh viện tuyến dưới trao đổi thông tin sơ bộ và bàn giao lại bệnh án cho điều dưỡng Lê Thị Kim Chi. Bệnh nhân được làm điện tim và kiểm tra kết quả phim chụp. Các bác sĩ hội chẩn ngay vì tình trạng của nam bệnh nhân quá nặng.
"Ngoài thủng tạng rỗng, bệnh lý nội khoa của bệnh nhân rất nặng. Đáng ngại nhất là tình trạng xơ gan cổ trướng. Bệnh nhân tiên lượng rất xấu.
Trước mắt cần truyền kháng sinh, chống nhiễm khuẩn, truyền dịch bù các yếu tố để nâng chức năng gan lên. Sau khi tình trạng nội khoa tiến triển mới có thể tính đến việc mổ cho bệnh nhân", bác sĩ thông tin sau cuộc hội chẩn bên giường bệnh.
Chỉ trong một tiếng đồng hồ của khung giờ cao điểm, đã có 5 lượt xe cấp cứu đỗ trước cửa khoa.
Bệnh nhân vẫn dồn dập, các y bác sĩ cũng đẩy tối đa công suất làm việc. Những bệnh nhân nặng đã cấp cứu bước đầu, ổn định, nhanh chóng được đưa sang các chuyên khoa tiếp tục điều trị nội trú, dành chỗ tiếp nhận bệnh nhân mới.
Chỉ trong 6 giờ đồng hồ của ca đêm, đã hơn 100 lần cánh cửa chính của khoa mở ra tiếp nhận bệnh nhân.
23h30, lượng bệnh nhân vào khoa đã "hạ nhiệt", một số y bác sĩ tranh thủ lúc vừa ngơi việc ngồi thụp xuống ghế cho đôi chân đã mỏi nhừ được nghỉ ngơi, có người đến giờ vẫn chưa kịp ăn tối.
Giờ giải lao hiếm hoi nhanh chóng kết thúc, khi tiếng còi xe cấp cứu lại một lần nữa vang lên ở phía đầu đường Chu Văn An, báo hiệu một cuộc chiến mới.