Bệnh viện Nhi Trung ương cầu cứu Bộ Y tế vì quá tải
(Dân trí) - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương khẩn thiết kêu cứu Bộ y tế, đồng thời đề nghị các bệnh viện trong tuyến tham gia vào công tác khám chữa bệnh để giảm tình trạng quá tải trầm trọng đang diễn ra tại bệnh viện.
Bệnh nhẹ thành nặng vì quá tải!
PGS.TS Lê Thanh Hải cho biết, tình trạng quá tải tại BV vì không chỉ có những bệnh nhân nặng, mà nhiều bệnh nhân, tuyến cơ sở hoàn toàn có thể điều trị nhưng vẫn chuyển bệnh nhân lên, hoặc bệnh nhân chủ động vượt tuyến.
Như tại khoa Hô hấp, tình trạng bệnh nhi nằm ghép rất phổ biến. PGS.TS Đào Minh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, BV Nhi cho biết, cả khoa có 14 bác sĩ, 36 điều dưỡng mà phải điều trị cho trên 200 bệnh nhân. Trong số này có đến 118 bệnh nhân phải thở oxy. Thế nhưng trong số bệnh nhân này cũng có rất nhiều bệnh nhi chỉ viêm phổi, nằm viện được chỉ định duy nhất một loại thuốc kháng sinh, 5 – 7 ngày là được xuất viện.
“Vấn đề ở chỗ, vì bệnh viện đông, quá tải, nên sau khi viêm phổi trở về nhà một hai ngày, một số bệnh nhân lại bị lây sởi, phát ban liền quay lại kiện bệnh viện làm con mình mắc sởi”, PGS.TS Phạm Nhật An chia sẻ.
Đại diện bệnh viện Sản – nhi Ninh Bình cho rằng, các bệnh viện cũng luôn cố gắng đồng hành cùng BV Nhi, nhưng đứng trước sức ép dư luận xã hội nếu bệnh nhân không may tử vong nên thường vẫn phải “kính chuyển” bệnh nhân khi bệnh diễn tiến nặng lên.
Không riêng gì tuyến Trung ương mà tại Hà Nội, các bệnh viện đều quá tải. Bà Lưu Thị Liên, Phó giám đốc Sở tế Hà Nội cho biết, tại BV Xanh pôn khoa Nhi có khoảng 120 giường nhưng luôn có khoảng 400 bệnh nhân nhi; Thanh Nhàn 50 giường có 163 bệnh nhân…
Trong khi đó số lượng máy thở rất ít (BV Xanh pôn có 4, BV Thanh Nhàn 1, BV Hà Đông có 4 và BV Đức Giang có 2. “Đây là lý do Hà Nội không thể nhận bệnh nhân sởi từ BV Nhi T.Ư chuyển về như đề nghị, bởi nếu nhận về, 4 bệnh nhi ôm hết 4 máy thở thì sẽ không còn máy chăm sóc những bệnh nhân khác”, bà Liên nói.
Các bệnh viện cũng đã phải có giải pháp cho các bệnh nhân viên phế quản phổi ở người lớn, bệnh nhân nhược cơ phải thở máy xuất viện, hướng dẫn gia đình mua máy thở, thở tại nhà, có sự hỗ trợ của kíp bác sĩ.
Siết chặt chuyển tuyến!
PGS Lê Thanh Hải đề xuất Cục Quản lý Khám chữa bệnh cần có các văn bản, cùng Bệnh viện Nhi trung ương làm tốt công tác chuyển viện. Thời gian qua, BV Nhi Trung ương đã gửi lại về tuyến dưới nhiều bệnh nhân sởi nhẹ, không phải thở oxy, mong được sự chia sẻ từ bệnh viện tuyến cơ sở.
TS Hải cũng đề xuất, ở các bệnh viện vệ tinh được trang bị máy thở, máy học máu nhưng hiệu suất sử dụng chưa cao. Do vậy, khi cử học viên lên học nên mang theo máy, vừa phục vụ học viên học, vừa phục vụ bệnh nhân, học xong lại mang về.
Bà Lưu Thị Liên hoàn toàn thống nhất quan điểm nếu người dân tự ý vượt tuyến đưa con lên BV Nhi T.Ư khám, nếu bệnh nhẹ BV Nhi T.Ư hoàn toàn có thể chuyển trả về tuyến dưới. Nhưng khi chuyển bệnh nhân cần có thông báo trước để chuẩn bị, tránh tình trạng chuyển bệnh nhân tới lại không tiếp nhận.
Về vấn đề chuyển tuyến, TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, theo luật người bệnh có toàn quyền quyết định cơ sở y tế điều trị. Tuy nhiên Bộ Y tế đang xây dựng một thông tư về chuyển tuyến, nêu rõ bệnh nhân hoàn toàn được lựa chọn cơ sở điều trị, được yêu cầu chuyển tuyến nhưng khi chuyển lên tuyến trên nếu được xác định là bệnh nhẹ và được yêu cầu chuyển về tuyến dưới vẫn phải thực hiện. Tuy nhiên, trước áp lực xã hội hiện nay cũng rất khó khăn để thực hiện quy định này.
Bộ Y tế đánh giá cao những giải pháp chống quá tải mà BV Nhi Trung ương đang thực hiện. Tuy nhiên Bộ Y tế cũng cho rằng không thể nâng thêm số giường bệnh tại cơ sở này, vì số giường bệnh vì càng nâng, bệnh nhân càng đông, các dịch vụ kỹ thuật cao sẽ bị lu mờ. Vì thế, BV Nhi cần có thống kê, đánh giá lại về thực trạng quá tải về từng nhóm bệnh để từ đó phối hợp với các vụ cục, bệnh viện thành phố để đề xuất phương án giải quyết, xem xét, sàng lọc bệnh nhân trước khi cho nhập viện hay chuyển về tuyến cơ sở.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, với nhóm bệnh nhân tự vượt tuyến rất khó can thiệp, nhưng với nhóm bệnh nhân được chuyển từ y tế cơ sở cần có quy định chuyển làm sao cho hợp lý, đúng, chặt chẽ sẽ giảm được số lượng bệnh nhân. Những bệnh đưa lên tuyến trung ương chỉ nên là những bệnh khó, cần can thiệp nhưng tuyến dưới không can thiệp được. Phải quy định những bệnh thông thường cần điều trị tuyến dưới, vì lên bệnh viện trung ương cũng không hơn. Hơn nữa, nếu bệnh viện tuyến T.Ư cứ tập trung điều trị bệnh thông thường sẽ không có hiệu quả, không có thời gian phát triển những kỹ thuật cao.
Số bệnh nhân tự đến cũng có thể giảm được, đó là dựa vào truyền thông, để gia đình bệnh nhân nghe được, nhìn được tình trạng quá tải nghê gớm tuyến trung ương, điều trị. Với những bệnh lý thông thường, lên tuyến trung ương hiệu quả không cao hơn mà lại có nguy cơ lây nhiễm bệnh vì quá tải.
Hồng Hải