Bệnh nhẹ không được nhập viện, người nhà dọa tính sổ bệnh viện

(Dân trí) - Chỉ trong thời gian ngắn liên tiếp có 2 cơn bão tràn vào các tỉnh Miền Trung, ảnh hưởng tiêu cực đến thời tiết toàn quốc, gia tăng dịch bệnh. Áp lực quá tải đè nặng lĩnh vực điều trị, nhiều ca bệnh nhẹ không được nhập viện gia đình dọa tính sổ bệnh viện.

Nguy cơ dịch bệnh tăng trong mùa mưa bão

Chiều 24/7, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh tại 2 đầu cầu Hà Nội và TPHCM. Báo cáo từ PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho hay, ngoài nguy cơ một số bệnh cúm gia cầm, sốt xuất huyết đang diễn ra ở trong nước và các nước lân cận thì nguy cơ các bệnh khác như bệnh về mắt, đường ruột, da liễu có nguy cơ gia tăng dưới tác động của thời tiết mưa bão, mùa hè đến sớm ở Miền Bắc, mùa mưa đến sớm ở Miền Nam.

Mùa mưa bão, ô nhiễm môi trường đang gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh
Mùa mưa bão, ô nhiễm môi trường đang gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh

PGS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur, TPHCM nhận định: “Thời tiết mùa mưa, xen lẫn mùa khô đang tạo điều kiện cho côn trùng gia tăng. Bệnh sốt xuất huyết năm nay có sự gia tăng tuýp D2 (tuýp phổ biến những năm qua là D1, D4). Như vậy, những người chưa có miễn dịch sẽ gia tăng tỷ lệ mắc bệnh.

Từ 2010 đến nay, quá trình đô thị hóa nhanh đang tạo nên sự thay đổi của các yếu tố dịch tễ, số người lớn trên 15 tuổi mắc sốt xuất huyết đang gia tăng, một số địa phương đã chiếm trên 50% thay vì tỷ lệ 20% như trước.”

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lưu ý, ngoài những dịch bệnh thường gặp, các địa phương cần theo dõi sát các bệnh viêm não Nhật Bản, viêm não mô cầu và nhiều bệnh viêm não mà đến nay thế giới vẫn chưa chẩn đoán được căn nguyên. Nhận định, đây có thể là năm sốt xuất huyết đạt đỉnh theo chu kỳ 5 năm 1 lần, Bộ Trưởng yêu cầu ngành y tế phải đặc biệt lưu ý công tác phòng chống dịch trong thời gian tới.

Bộ trưởng Kim Tiến nhấn mạnh: “Chỉ trong thời gian ngắn nhưng có 2 cơn bão đã và đang tràn vào khu vực Miền Trung, ảnh hưởng tiêu cực đến thời tiết cả nước. Mưa bão sẽ khiến các bệnh dịch tả, lị, thương hàn... gia tăng”. Ngoài việc chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bộ cấp đầy đủ cơ số thuốc đảm bảo vệ sinh môi trường, diệt côn trùng, vắc xin phòng bệnh cho những tỉnh thành bị ảnh hưởng bởi mưa bão, Bộ trưởng kêu gọi cộng đồng trong mùa mưa bão cần thực hiện triệt để phương châm ăn chín, uống chín, tăng cường diệt ruồi, diệt muỗi, côn trùng, chủ động vệ sinh môi trường để hạn chế tối đa sự tác động từ môi trường bị ô nhiễm.”

Bệnh viện bị người nhà bệnh nhân dọa “tính sổ”

Riêng bệnh sốt xuất huyết, Bộ trưởng Kim Tiến yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường các giải pháp dự phòng, đánh giá đầy đủ các yếu tố nguy cơ của dịch, kịp thời xử lý những ổ dịch nhỏ, không để sốt xuất huyết lây lan trên diện rộng. Việc truyền thông cần có giải pháp trọng điểm không truyền thông theo kiểu “hô khẩu hiệu”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thăm bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, TPHCM
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thăm bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, TPHCM

Ở lĩnh vực điều trị, Bộ trưởng bày tỏ sự không hài lòng về thực trạng đang diễn ra tại khu vực Miền Bắc khi hầu hết người bệnh dù nặng hay nhẹ đều cho nhập viện khiến ca bệnh nặng khó tập trung chăm sóc trong khi người bệnh nhẹ cũng không được theo dõi sát tăng nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện, nhiễm chéo, tăng tỷ lệ tử vong.

Bộ trưởng yêu cầu các bệnh viện phải thực hiện nghiêm việc sàng lọc bệnh, phân tuyến điều trị cho người bệnh. “Phải đánh giá được mức độ nguy hiểm của bệnh theo phân độ, những ca bệnh nhân nhẹ (độ I, độ II) nên điều trị trong ngày hoặc điều trị ở tuyến cơ sở. Chỉ những ca bệnh nặng (độ III, độ IV) mới cho nhập viện điều trị ở tuyến trên để giảm quá tải, đồng thời tránh nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện, giảm nguy cơ tử vong cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, ở góc độ của những nhân sự trực tiếp thực hiện công tác chuyên môn TS.BS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho rằng, bệnh viện đã nỗ lực thực hiện sàng lọc bệnh, chỉ những ca nặng có biểu hiện lâm sàng với các dấu hiệu rõ ràng của sốt xuất huyết mới cho nhập viện. Tuy nhiên, bệnh viện chịu rất nhiều áp lực từ phía gia đình bệnh nhân, nhiều bệnh nhân không đến mức độ phải nhập viện được đề xuất về nhà theo dõi thân nhân đã nổi nóng quay sang đe dọa: “bác sĩ không cho nhập viện, người nhà tôi về nếu có vấn đề gì gia đình tôi sẽ quay lại tính sổ với bệnh viện”.

Vân Sơn