Bác sĩ chống dịch: 3 tháng không về nhà, chồng chất khó khăn, thu nhập giảm

Biên Thùy

(Dân trí) - Ngày chỉ ngủ 3-4 tiếng, nhiều tháng không thấy mặt vợ con, thu nhập giảm nghiêm trọng… là những khó khăn, áp lực mà nhiều nhân viên y tế chống dịch Covid-19 tại TPHCM đang nỗ lực vượt qua.

Ngày 4/9, Bộ Y tế đã ban hành văn bản số 7330/BYT-KCB về việc tăng cường quản lý người hành nghề khám bệnh chữa bệnh (KBCB). Trong đó có nội dung yêu cầu các Sở Y tế tăng cường kiểm tra các trường hợp tự ý bỏ việc hoặc vi phạm đạo đức nghề để xem xét xử lý, thậm chí cân nhắc rút chứng chỉ hành nghề.

Nhiều nhân viên y tế tại TPHCM chia sẻ, họ cảm thấy buồn trước thông tin trên, khi khoảng thời gian qua, khó khăn áp lực của lực lượng tuyến đầu chống dịch là rất lớn.

Bệnh nhân giảm hơn 90% nhưng không ai nghỉ việc

TS.BS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Bệnh viện (BV) Da Liễu TPHCM cho biết, kể từ tháng 7, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nơi đây được giao phụ trách chính tại BV dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12, quy mô 4.000 giường.

Nhân sự của BV cũng phải chia ra hỗ trợ khu cách ly KTX Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Chốt kiểm soát dịch ở chân cầu Vĩnh Bình (TP Thủ Đức) và phải lập 5 đội đi tiêm vắc xin ở nhiều khu vực khác nhau.

Bác sĩ chống dịch: 3 tháng không về nhà, chồng chất khó khăn, thu nhập giảm - 1

Các bác sĩ tuyến điều điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TPHCM.

Chính vì áp lực công việc tăng gấp bội, phải túc trực tại các điểm nóng 24/24h, nên nhân viên y tế không có ngày nghỉ. Là BV chuyên ngành da liễu nên các BS phải vừa làm, vừa tập huấn gấp rút về quy trình thăm khám, hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân. Đến nay, đã có 24 nhân viên y tế của BV nhiễm Covid-19 trong quá trình tham gia chống dịch.

Trái ngược với cường độ công việc tăng lên, thu nhập của nhân viên y tế tại BV lại sụt giảm nghiêm trọng.

"Bệnh nhân giảm hơn 90%. Có những ngành mũi nhọn của BV chúng tôi như phẫu thuật da, thẩm mỹ da cũng dừng hoạt động nên thu nhập của mọi người giảm mạnh" - bác sĩ Hào nói.

Mặc dù gặp vô vàn khó khăn nhưng theo bác sĩ Hào, đến nay không ai tại BV bày tỏ ý định nghỉ việc mà cùng động viên nhau cố gắng vượt qua, tất cả vì mục tiêu cứu chữa bệnh nhân.

Bác sĩ chống dịch: 3 tháng không về nhà, chồng chất khó khăn, thu nhập giảm - 2

Các y bác sĩ lực lượng tuyến đầu đang "bỏ lại gia đình phía sau", nhiều tháng không thấy mặt người thân để chăm sóc bệnh nhân (Ảnh minh họa).

Ngoài ra, BV cũng thành lập nguồn quỹ riêng hỗ trợ tinh thần cho lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch, được quyên góp từ các nhân viên y tế "hậu phương".

"Đây là khó khăn chung của cả xã hội, trong đó ngành y phải 'đứng mũi chịu sào'. Chúng tôi đã chuẩn bị tư tưởng từ trước. Mọi người hiện rất vững vàng tinh thần. Dù thu nhập giảm nhưng BV vẫn cố gắng cầm cự được. Tuy nhiên nếu tình trạng này vẫn kéo dài thì không biết sẽ ra sao…" - Giám đốc BV Da Liễu chia sẻ.

3 tháng xa nhà chống dịch, chưa nhận hỗ trợ

Với bác sĩ Nguyễn Viết Thịnh, Phó Giám đốc BV dã chiến điều trị Covid-19 Bình Chánh số 1, kiêm quản lý 3 khu cách ly tại xã Tân Túc, Phong Phú và Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), cùng nhiều đồng nghiệp đã 3 tháng nay chưa được về nhà.

Theo BS Thịnh, vào thời điểm tháng 6, 15 y bác sĩ của BV Nhân dân 115 được phân công xuống BV huyện Bình Chánh với nhiệm vụ ban đầu là hỗ trợ các trường hợp F1 và F0 nhẹ. Nhưng diễn biến dịch quá nhanh khiến các khu cách ly dần biến thành nơi điều trị. Hiện tại dù có thêm các đoàn y bác sĩ của tỉnh Quảng Ngãi và Phú Thọ hỗ trợ, song họ đang phải gồng mình quản lý gần 7.000 F0.

Bác sĩ chống dịch: 3 tháng không về nhà, chồng chất khó khăn, thu nhập giảm - 3

"Chúng tôi là bác sĩ, có chế độ hay không vẫn cứu chữa hết lòng cho bệnh nhân. Cá nhân tôi mong anh em sẽ được giải quyết trợ cấp sớm" - bác sĩ Thịnh tâm sự (Ảnh minh họa).

"Những ngày căng thẳng, bệnh nhân trở nặng diễn tiến suy hô hấp rất nhiều. Anh em phải xoay tua liên tục, tranh thủ ngủ 3-4 tiếng rồi lại đứng dậy làm việc. Với bác sĩ ngoại khoa như chúng tôi còn đỡ - đã quen việc đứng mổ kéo dài. Nếu bác sĩ nội thì khó mà chịu nổi" - BS Thịnh nói.

Theo bác sĩ Thịnh, hiện nay riêng các khu ông quản lý đã có hơn 70 bệnh nhân nặng phải thở máy, nhưng chỉ có 7 bác sĩ và 25 điều dưỡng thay phiên nhau điều trị, chỉ đáp ứng 40-50% yêu cầu thông thường. Quá thiếu nhân lực nên có nhân viên y tế dù phát hiện nhiễm bệnh vẫn phải ở lại vừa điều trị, vừa chăm sóc các F0.

"10 bác sĩ đã hết 7 người nhiễm bệnh. Bác sĩ Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu đã không còn nhận biết mùi vị vẫn hằng ngày chăm sóc các ca nặng. Ở đây suốt 3 tháng, sinh hoạt trong khu điều trị là trường tiểu học, ăn uống theo chế độ như bệnh nhân thì sức nào chịu nổi. Mới khoảng một tuần nay, Hội Phụ nữ huyện Bình Chánh thấy thương anh em quá mới bắt đầu nấu suất ăn riêng" - BS Thịnh kể tiếp.

Hỏi về các chế độ hỗ trợ chống dịch, bác sĩ Thịnh thoáng buồn cho biết, đến nay tất cả mọi người ngoài lương cứng từ BV, chưa nhận được một đồng thu nhập nào khác.

Bác sĩ chống dịch: 3 tháng không về nhà, chồng chất khó khăn, thu nhập giảm - 4

Các bác sĩ tuyến đầu đang nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, áp lực để chăm sóc bệnh nhân.

Theo bác sĩ Thịnh, ở BV trước còn có thu nhập tăng thêm, giờ không còn nữa. Ai có điều kiện thì đỡ, còn người phải lo cho vợ con, gia đình thì chỉ lương cứng thôi không thể đủ. Có thể đây là lý do khiến thời gian qua một số anh em ở nơi khác muốn rời bỏ hàng ngũ chống dịch.

"Nghe nói TPHCM duyệt chi cho lực lượng tuyến đầu 10 triệu đồng/người, nhưng muốn nhận chắc phải qua nhiều thủ tục. Chúng tôi là bác sĩ, có chế độ hay không vẫn cứu chữa hết lòng cho bệnh nhân. Cá nhân tôi mong anh em sẽ được giải quyết trợ cấp sớm" - bác sĩ Thịnh tâm sự.

"Tổn thương" khi từ bác sĩ thành bệnh nhân

Đã gần một tháng kể từ ngày khỏi Covid-19, bác sĩ Nguyễn Văn An (tên đã thay đổi) vẫn không quên được khoảnh khắc từ bác sĩ trở thành F0, khi anh tham gia lực lượng chống dịch tại BV dã chiến điều trị Covid-19 số 11 (TP Thủ Đức).

Bác sĩ An chia sẻ với quy mô tiếp nhận 5.500 F0, anh cùng các đồng nghiệp phải làm việc liên tục, không chỉ lo điều trị mà còn giải quyết các vấn đề hậu cần như bưng bê bình oxy, điện nước, vệ sinh…

Bác sĩ chống dịch: 3 tháng không về nhà, chồng chất khó khăn, thu nhập giảm - 5

Một bệnh viện dã chiến điều trị F0 tại TPHCM.

Từ khi BV được nâng tầng để điều trị bệnh nặng, áp lực của các bác sĩ trở nên nặng nề hơn. Có thời điểm, họ phải căng mình làm việc tới 1-2 giờ sáng, tranh thủ chợp mắt rồi 7 giờ lại vội vã mặc đồ bảo hộ tiếp tục.

Một ngày tháng 8, bác sĩ An nhận tin dương tính SARS-CoV-2, phải vào cách ly điều trị. 

"Vừa nhận tin nhiễm bệnh, chế độ ăn của tôi từ 120.000 đồng/ngày xuống còn 80.000 đồng. Tôi may mắn chỉ nằm một tuần là khỏi bệnh nhưng nhiều đồng nghiệp khác vì chuỗi ngày căng sức làm việc mà sức khỏe kém nên điều trị lâu hơn - anh An kể.

Nam bác sĩ nói, đến ngày xuất viện, anh không có xe đón, phải tự thuê taxi giá 750.000 đồng để về nhà cách ly. Anh An chia sẻ đôi lúc suy nghĩ thấy tổn thương vì nhiễm bệnh khi chống dịch nhưng không được nhìn nhận xứng đáng.

Chia sẻ về yêu cầu tăng cường quản lý nghiêm người hành nghề KBCB của Bộ Y tế, bác sĩ An thẳng thắn cho rằng văn bản không sai nhưng chưa phù hợp về hoàn cảnh.

"Tôi thấy việc nhân viên tự ý nghỉ làm chỉ là thiểu số. Bác sĩ không thiếu nghề để kiếm sống nhưng khi đã chọn nghề y, chúng tôi luôn coi việc cứu người là thiên chức. Bây giờ khi mọi thứ đều khó khăn vất vả, chúng tôi cần nhất là động viên tinh thần và các chính sách hỗ trợ phải rõ ràng" - bác sĩ An mong muốn.

Bác sĩ chống dịch: 3 tháng không về nhà, chồng chất khó khăn, thu nhập giảm - 6

"Bác sĩ không thiếu nghề để kiếm sống nhưng khi đã chọn nghề y, chúng tôi luôn coi việc cứu người là thiêng chức" - bác sĩ An chia sẻ (Ảnh minh họa).

May mắn hơn, BS Cao Tấn Phước, Giám đốc BV điều trị Covid-19 Thủ Đức cho biết, nhân viên BV ông đang được giải ngân gói hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch đã được HĐND TPHCM thông qua tại Nghị quyết số 12.

"Thu nhập của gần 800 nhân viên BV hiện đã khá hơn. Tôi chỉ thấy trong đợt dịch này, ngành y tế cần quan tâm nhất là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực. Vì bác sĩ hồi sức cấp cứu điều trị Covid-19, biết lọc máu, biết sử dụng máy thở không phải luôn sẵn có. Điều này chắc phải cần có thời gian" - bác sĩ Phước nhận định.

Không có tình trạng nhân viên y tế gặp thiếu thốn

Chiều 9/9 trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Y tế tại phía Nam, đã chia sẻ về công văn 7330 của Bộ Y tế, có nội dung yêu cầu xử lý hành chính hoặc thu hồi chứng chỉ y bác sĩ tự ý bỏ việc.

Thứ trưởng Bộ Y tế giải thích, công văn đã có 3 phần nội dung rất rõ.

Nội dung đầu tiên là yêu cầu người đứng đầu cơ sở y tế bố trí nhân lực đảm bảo khám chữa cho bệnh nhân Covid-19 và các bệnh khác. Mục đích chính của nội dung này là kiên quyết không để xảy ra tình trạng bỏ rơi, không tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 và các bệnh nhân khác cần cấp cứu.

Bác sĩ chống dịch: 3 tháng không về nhà, chồng chất khó khăn, thu nhập giảm - 7

Ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Y tế tại phía Nam (Ảnh: Hữu Khoa).

Nội dung thứ 2 là Bộ Y tế muốn nâng cao ý thức, trách nhiệm nghề nghiệp với ngành y tế. Trong đó, Bộ Y tế cũng khuyến khích các hình thức khen thưởng các y, bác sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ, đặc biệt lực lượng tuyến đầu.

Về nội dung thứ 3, ông Nguyễn Trường Sơn cho biết, thời gian qua, một số đơn vị y tế trên cả nước đã có hiện tượng từ chối nhận bệnh nhân, dẫn đến những tổn thất về sinh mạng.

"Thời gian đầu, có những y, bác sĩ vì áp lực tâm lý mà không chịu nổi, tự ý bỏ việc. Công văn này không nhấn mạnh vào hình thức kỷ luật, mà khuyến cáo, trong trận chiến, Bộ Y tế mong muốn toàn bộ lực lượng ngành y cùng chung tay vượt qua", Thứ trưởng Bộ Y tế Trường Sơn phân tích.

"Chúng tôi khẳng định, ngay từ những ngày đầu, các lực lượng y tế được điều động từ Trung ương, các tỉnh thành đã nhận được sự quan tâm chi tiết chỗ ăn, chỗ ngủ, các điều kiện sinh hoạt khác. Không có lý do nào để nói lực lượng y tế chưa được quan tâm, xảy ra tình trạng thiếu thốn", Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định.