Bác sĩ cắt 2 thận: “Tôi đã làm hết mình vì bệnh nhân”

(Dân trí) - Sau gần 2 năm xảy ra sự cố cắt hết thận móng ngựa của bệnh nhân Hứa Cẩm Tú ở BVĐKTP Cần Thơ,BS Trần Văn Nguyên, phẫu thuật viên chính cho ca bệnh này, mới lên tiếng.

Bác sĩ Trần Văn Nguyên:Tôi đã làm hết mình vì bệnh nhân
Bác sĩ Trần Văn Nguyên:"Tôi đã làm hết mình vì bệnh nhân"

Bác sĩ có thể cho biết tâm tư, suy nghĩ của ông từ khi xảy ra sự cố đến nay?

Ngay sau khi sự việc xảy ra tôi rất buồn, tôi đã gặp gia đình để giải thích nguyên nhân vụ việc. Tôi đã đọc được câu này trong một giáo trình nhi khoa của Đại học Y Johns Hopkins và tôi luôn ghi nhớ “Khi bệnh nhân của mình ra đi, không một thầy thuốc nào không cảm thấy đau buồn. Nhưng nhiệm vụ tiên quyết của người thầy thuốc là phải gác nỗi đau buồn của bản thân lại, cho đến khi những nhu cầu của gia đình và của bệnh nhân được giải quyết”. Đối với tôi bệnh nhân của tôi vẫn còn đó, trong giờ phút mong manh nhất, tôi đã làm tất cả để cứu sống bệnh nhân. Nhưng từ khi xảy ra sự cố đến nay tôi phải chịu áp lực từ nhiều phía. Lý trí tôi nói tôi phải bình tĩnh và tôi đã bình tĩnh giải quyết vấn đề nhưng trái tim tôi vẫn thổn thức.

 Từ khi làm nghề đến nay đây là ca thận móng ngựa lần thứ mấy bác sĩ gặp? Bác sĩ có thể cho biết tóm tắt về bệnh thận móng ngựa?

Trong đời làm nghề bác sĩ hơn 20 năm qua, đây là lần đầu tiên gặp bệnh nhân mắc thận móng ngựa. Thận móng ngựa là một dị tật bẩm sinh không phải hay gặp, có bác sĩ cả đời mới gặp một lần.Trường hợp hai quả thận của bệnh nhân Hứa Cẩm Tú là thận móng ngựa, (dị tật bẩm sinh), chúng dính liền vào nhau là một. Trên thực tế dị dạng này có thể có nhiều thể khác nhau, gây khó khăn cho công tác chẩn đoán và phẫu thuật như: Có thể hai quả thận dính nhau qua cột sống bằng dải sơ rất nhỏ, có trường hợp dính với nhau qua cầu nhu mô rất lớn giống như một quả. Có thể 2 quả thận có 2 cuống mạch khác nhau nhưng có khi lại chung cuống mạch…điều này phân biệt trong lâm sàng là rất khó khăn, cần các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh tinh xảo như chụp CT đa lát cắt. Nhiều trường hợp khi mổ ra mới biết.

Quay lại bệnh nhân Tú, đây là trường hợp hiếm gặp và khó trong chẩn đoán, điều trị: Bệnh nhân bị thận móng ngựa, phần thận bên trái chướng nước độ III-IV do sỏi (nhu mô thận rất mỏng, mất chức năng), có chỉ định cắt bỏ. Điều này được chứng minh bằng phim CT Scan và kết quả giải phẫu bệnh sau mổ. Tuy nhiên bác sĩ siêu âm không phát hiện thận móng ngựa; Bác sĩ chuyên khoa X quang cũng không phát hiện do phim CT Scan chỉ có vài mặt cắt là thấy thận móng ngựa (các mặt cắt khác không thấy do không cắt qua chỗ bất thường, đa số chỉ thấy thận trái trướng nước rất to). Bệnh nhân cũng đã khám ở một số cơ sở y tế khác nhưng không phát hiện thận móng ngựa. Trong khi mổ tôi thấy có bất thường lại nghĩ là thận trái đôi, khi thấy phần thận này chảy máu nhiều, bắt buộc phải cắt hết thận để cầm máu cứu bệnh nhân. Ngay sau khi sự cố xảy ra, tôi, bệnh viện, ngành y tế Cần Thơ và cả ngành y Việt Nam đã làm hết mình vì bệnh nhân, đây là một tai biến bất khả kháng

Thưa bác sĩ trước khi phẫu thuật bệnh nhân đã được siêu âm, chụp X-Quang, chụp CT Scan nhưng tất cả đều không phát hiện được, chỉ đến khi phẫu thuật ra mới biết thận móng ngựa, vậy tâm trạng của bác sĩ lúc đó như thế nào?

Như tôi đã nói, đây là ca bệnh khó lần đầu gặp và đã thực hiện đầy đủ các quy tắc chuyên môn nhưng tai biến vẫn xảy ra, đây là điều đáng tiếc và đáng buồn. Tôi không biết dùng ngôn từ nào để diễn tả lại tâm trạng của mình khi mổ ra mới phát hiện bệnh nhân có hai quả thận dính liền nhau. Tôi chỉ có thể nói rằng, điều này chỉ những người làm chuyên môn, cầm dao mổ, gặp trường hợp như thế thì mới hiểu rõ tâm trạng tôi lúc đó. Nhưng dù sao tôi cũng đã bình tĩnh tìm cách cứu sống bệnh nhân là ưu tiên số một đối với tôi lúc đó. Do vậy, tôi mong phán quyết về số phận của một người thầy thuốc phải đến từ một hội đồng chuyên gia y tế có uy tín về chuyên môn. Không nên nhận xét lương tâm, nghề nghiệp của một người thầy thuốc không may gặp tai biến chỉ dựa vào những chuyện nghe kể, nghe đồn.

Sau khi sự cố xảy ra, bệnh nhân đã được cả ngành y tế cùng chung tay tìm người hiến thận, tìm bệnh viện, bác sĩ để ghép lại thận cho bệnh nhân. Bệnh nhân đã được ghép thận thành công, sức khỏe đã tạm ổn. Nhưng 6/2013 bệnh nhân đã gửi đơn đến Tòa án khởi kiện bệnh viện. Mới đây, tức ngày 28/10 Tòa đã hòa giải bất thành và yêu cầu phiên hoà giải sắp tới (ngày mai) phải có mặt của bác sĩ, vậy bác sĩ đã sẵn sàng để tới Tòa?

Bản thân tôi, Bệnh viện và cả ngành y tế đã làm hết mình vì bệnh nhân nhưng bệnh nhân vẫn kiện bệnh viện ra Tòa, đó là điều ngoài ý muốn của chúng tôi. Tôi đã sẵn sàng để hầu Tòa. Tòa hỏi gì tôi sẽ trả lời trung thực, khách quan chuyện đó. Tôi mong mọi chuyện kết thúc có hậu.

Phạm Tâm (thực hiện)