1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vụ bệnh nhân cắt hết thận kiện bệnh viện: Luật sư hai bên nói gì?

(Dân trí) - Ngay sau khi phiên tòa hòa giải giữa bệnh nhân Cẩm Tú và bệnh viện ĐK TP Cần Thơ diễn ra chiều ngày 5/11 bị hoãn lại với lý do luật sư mới nhận được ủy quyền của bệnh viện, Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư của 2 bên

Như Dân trí đã thông tin, sau khi sự cố xảy ra, 2 bên đã hợp tác với nhau đi đến ghép thận thành công. Nhưng đến tháng 6/2013, phía bệnh nhân (nguyên đơn) đã gửi đơn đến Tòa án khởi kiện bệnh viện ĐKTP Cần Thơ yêu cầu bồi thường một lần số tiền thiệt hại gần 443 triệu đồng và 8,2 triệu đồng trợ cấp/tháng đồng thời có trách nhiệm phải chăm sóc, bảo đảm sức khỏe cho chị Tú đến cuối đời.

Tại phiên hòa giải thứ nhất, 2 bên đã không thống nhất được quan điểm, không tìm được tiếng nói chung và theo đó, ngày hôm nay 5/11 sẽ diễn ra phiên hòa giải lần 2. Tuy nhiên chiều nay đại diện của TAND quận Ninh Kiều cho biết Tòa hoãn phiên hòa giải vì luật sư Nguyễn Trường Thành, người được BVĐK TP Cần Thơ ủy quyền bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bệnh viện đã gửi đơn tới TAND quận Ninh Kiều đề nghị hoãn phiên tòa với lý do mới nhận được ủy quyền của Bệnh viện, trong khi vụ việc liên quan đến chuyên môn y học cần có thời gian tập hợp tài liệu chứng cứ chuẩn bị cho việc hòa giải vụ kiện.

Sau khi phiên hòa giải không diễn ra như dự kiến, phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư của nguyên đơn và bị đơn.

Luật sư Lê Quang Vũ - Trao đổi với bệnh nhân Hứa Cẩm Tú
Luật sư Lê Quang Vũ - Trao đổi với bệnh nhân Hứa Cẩm Tú
 
“Số tiền đó không bù được những mất mát của chị Tú”
 
Luật sư Lê Quang Vũ, người tư vấn pháp lý miễn phí cho bệnh nhân Hứa Cẩm Tú, nói: Thực ra, ngay từ đầu, phía chị Tú và anh Trí không muốn kiện bệnh viện nhưng do bệnh viện không chịu nhận lỗi nên mới dẫn đến đỉnh điểm. Phần thiệt hại, phải nằm bệnh viện gia đình liệt kê ra các khoản như thế để 2 bên có thể thương lượng với nhau. Tôi nghĩ số tiền đó không nhiều, người như chị Tú phải nằm viện 8 tháng, mổ đi mổ lại hàng chục lần, con cái gần cả năm không ai chăm sóc. Tôi nghĩ những mất mát đó, số tiền bao nhiêu cũng không bù lại được.
 
Sau khi cắt thận xong bị tai biến, bệnh viện không có ai quan tâm để ý, đến khi bệnh nhân bị ứ nước, người sưng phù gia đình làm dữ, lúc đó bệnh viện mới chạy đi tìm nguồn thận và đưa đi ghép. Tôi nghĩ, sau các phiên hòa giải, 2 bên vẫn không thương lượng được thì nên để Tòa xét xử, lúc đó Tòa án sẽ có yêu cầu các cơ quan chức năng trưng cầu giám định các vấn đề cụ thể lúc đó sẽ có kết luận rõ ràng.
 
Luật sư Lê Quang Vũ cũng cho biết, số tiền gần 500 triệu đồng mà phía bệnh viện tuyên bố đã chi từ ngày cắt hết thận của bệnh nhân Hứa Cẩm Tú đến nay không thể xem là tiền bồi thường, vì vậy không được cấn trừ vào tiền đòi bồi thường trong khoản 443 triệu đồng mà gia đình chị Tú đưa ra.
Vụ cắt hết thận: Tòa sẽ có phán quyết công bằng!.
Luật sư Nguyễn Trường Thành -  Trưởng VP Luật sư Vạn Lý - Tham gia tố tụng miễn phí cho bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ

Theo quy định của luật hiện hành bệnh viện không phải bồi thường
 
Luật sư Nguyễn Trường Thành, người được BVĐK TP Cần Thơ ủy quyền bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bệnh viện cho biết: Sau khi sự việc xảy ra đối với bệnh nhân Hứa Cẩm Tú, bệnh viện đã có họp hội đồng chuyên môn với sự tham dự của nhiều bác sĩ chuyên khoa hàng đầu của các phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ khoa tiết niệu, bệnh viện lớn của thành phố Hồ Chí Minh, bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ và khoa Y- Đại học Cần Thơ, và đã kết luận“Tai biến xảy ra đối với bệnh nhân Hứa Cẩm Tú không phải là sai sót về chuyên môn, kỹ thuật. Bác sĩ đã thực hiện đúng các chuyên môn, kỹ thuật trong quá trình khám, chữa bệnh cho bệnh nhân nhưng tai biến vẫn xảy ra do bệnh lý của bệnh nhân thuộc trường hợp hiếm trong y học”.

Về góc độ tình cảm và pháp luật cá nhân tôi thấy rằng sau tai biến xảy ra đối với bệnh nhân Hứa Cẩm Tú, bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ nói riêng ngành y tế nói chung đã làm việc một cách có tình người và trách nhiệm rất cao đối với bệnh nhân. Cần lưu ý rằng tổng số tiền để xử lý tai biến cho bệnh nhân Hứa Cẩm Tú và giúp đỡ gia đình này đã vượt ngưỡng tiền tỷ đồng. Đây là một số lượng tiền rất lớn đối với nghành y tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Còn đối với về việc bà Hứa Cẩm Tú khởi kiện bệnh viện đến Tòa án để đòi bồi thường một khoản tiền rất lớn, đây là quyền của bà được pháp luật quy định trong Luật khám chữa bệnh cũng như Bộ luật dân sự. Tuy nhiên việc xét xử cụ thể như thế nào thì Tòa án sẽ dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành, trong đó quan trọng nhất là luật Khám chữa bệnh để phán quyết bệnh viện có phải bồi thường hay không. Tôi tin tưởng Tòa án sẽ có phán quyết công bằng.

Theo quy định tại Điều 76 của Luật khám bệnh, chữa bệnh thì trường hợp của bà Hứa Cẩm Tú bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ không phải là một hợp đồng cung ứng dịch vụ mà là “Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” trong khám bệnh, trị bệnh gây tai biến cho người bệnh. Luật đã quy định rõ trường hợp mà bệnh viện phải bồi thường và trường hợp mà bệnh viện không phải bồi thường. Không phải tất cả các tai biến của bệnh nhân bệnh viện đều phải bồi thường nếu vậy ai còn khám bệnh, trị bệnh. Quan điểm của tôi trong trường hợp của bệnh nhân Hứa Cẩm Tú theo quy định của luật hiện hành bệnh viện không  phải bồi thường.
 

3 lý do để tôi nhận bào chữa cho bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ

 

“Thứ nhất: Bản thân tôi, người thân của gia đình tôi, bạn bè của tôi trong cuộc đời không ít lần đã đến bệnh viện để được nơi đây chăm sóc cho sức khỏe. Trong sâu thẳm tâm hồn mình, tôi quý trọng nghề y và những người  công tác trong ngành y. Nên tôi tự nguyện làm công việc bảo vệ cho bệnh viện.

 

Thứ hai: Nghề nghiệp chính của bác sĩ là khám, trị bệnh để cứu người họ không có kinh nghiệm và thời gian để tham gia tố tụng trong những vụ kiện tụng mà nhiều khả năng phải kéo dài nhiều tháng thậm chí nhiều năm. Trong khi đó tôi lại có kinh nghiệm hơn trong nghề tranh tụng, tôi giúp họ để họ có thời gian hơn dành cho việc chăm sóc sức khỏe các bệnh nhân và cộng đồng.

 

Thứ ba: Thực tế cho thấy hiện nay trong điều kiện của đất nước ta nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng kinh phí dành cho y tế chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội nếu phải dành một khoản kinh phí để thuê mướn luật sư sẽ khó cho bệnh viện thay vì khoản tiền đó được dùng cho việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh”, luật sư Nguyễn Trường Thành.

 Bài, ảnh: Phạm Tâm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm