Vì sao bệnh nhân cắt 2 thận kiện bệnh viện?

(Dân trí) - Bệnh nhân Cẩm Tú, người bị cắt 2 quả thận và sau đó được điều trị, ghép thận và đến nay sức khỏe đã ổn định, kiện các bác sĩ tại bệnh viện ĐKTP Cần Thơ với lý do bệnh viện cắt trợ cấp. Trong khi các bác sĩ khẳng định không cắt hẳn trợ cấp.

  

Vợ chồng chị Tú cho rằng bệnh viện cắt hết tiền hỗ trợ nên buộc phải khởi kiện
Vợ chồng chị Tú cho rằng bệnh viện cắt hết tiền hỗ trợ nên buộc phải khởi kiện
 
“Bệnh viện không hiểu hoàn cảnh của gia đình tôi”

 

Sáng 29/10, tiếp xúc với phóng viên Dân trí, chị Hứa Cẩm Tú nói: Bác sĩ cứu mạng tôi, gia đình tôi biết chuyện đó nên sau khi sự cố xảy ra chúng tôi đã hợp tác với bệnh viện để thống nhất tìm cách chữa trị và tìm nguồn thận phù hợp để ghép.

 

Suốt thời gian ở bệnh viện, vợ chồng, con cái chúng tôi rất khổ sở, khi còn khỏe mạnh tôi làm việc nhà, phụ chồng làm nghề quay chậu cảnh, cơm nước, dạy dỗ con học hành nhưng từ ngày xảy ra chuyện, thời gian dành cho con cái không có, việc học của con cũng sa sút, còn anh Trí (chồng-PV) cũng phải bỏ nghề để chăm sóc tôi.

 

Thế nhưng bệnh viện không hiểu được nỗi khổ của chúng tôi, trước đây ngoài tiền thuốc men, bệnh viện hỗ trợ cho gia đình tôi mỗi tháng 6 triệu, trong đó cho tôi 3 triệu, các con tôi 3 triệu. Nhưng từ ngày 5/9/2012 bệnh viện đã cắt một nửa. Đến tháng 5/2013 thì mời chúng tôi xuống và thông báo là ngưng trợ cấp.

 

 Anh Nguyễn Thiện Trí, tiếp lời vợ: “Do phía bệnh viện cắt trợ cấp buộc lòng chúng tôi phải gửi đơn khởi kiện. Gia đình chúng tôi đã đi xin nhiều nhà hảo tâm, nhiều tổ chức từ thiện nhưng không ai cho một đồng xu. Những chỗ này nói rằng tiền của họ chỉ để cho những người nghèo không nơi nương tựa hay hỗ trợ những nơi bị thiên tai bão lũ. Còn hoàn cảnh của gia đình chúng tôi bệnh viện gây ra thì bệnh viện phải có trách nhiệm chứ không ai đi lo dùm”.

 

Anh Trí cũng cho biết, nhiều lần anh yêu cầu bệnh viện cho biết số tiền hỗ trợ gia đình anh bấy lâu nay lấy nguồn từ đâu ra và hỗ trợ trong bao lâu phải có văn bản rõ ràng. Vì bệnh của vợ tôi bây giờ trở thành bệnh mãn tính. Sau mổ, vợ tôi không làm được việc gì nữa, dù việc đó to hay nhỏ, nặng hay nhẹ. “Nếu bệnh viện nuôi không được gia đình tôi thì tôi đưa Tú xuống cho bệnh viện nuôi, còn tôi đi làm kiếm tiền nuôi bản thân và các con”, anh Trí bức xúc nói.
 
Vợ chồng chị Tú cho rằng bệnh viện cắt hết tiền hỗ trợ nên buộc phải khởi kiện
 
Vợ chồng chị Tú cho rằng bệnh viện cắt hết tiền hỗ trợ nên buộc phải khởi kiện
Bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa, Phó giám đốc BV ĐKTP Cần Thơ khẳng định bệnh viện không ngừng hỗ trợ số tiền 3 triệu đồng/ tháng, nhưng bằng hình thức khác
 
Bệnh viện: Khó đáp ứng đòi hỏi của bệnh nhân

 

 Trao đổi với phóng viên Dân trí, Bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn khẳng định người nhà chị Tú phản ánh như vậy là chưa chính xác: “Bệnh viện không ngừng hỗ trợ cho bệnh nhân nhưng do bệnh nhân đòi số tiền 6 triệu đồng/tháng là không phù hợp. Lãnh đạo bệnh viện tổ chức một cuộc gặp giữa bệnh nhân, Ban giám đốc bệnh viện để thỏa thuận mức hỗ trợ 3 triệu đồng /tháng, bằng hiện vật từ những nguồn vận động được nhưng bệnh nhân không chấp nhận và gửi đơn khởi kiện”, bác sĩ Nghĩa nói.

 

Cũng theo bác sĩ Nghĩa, ngoài khoản hỗ trợ này thì bệnh viện cũng không ngừng chăm sóc sức khỏe cho chị Tú, hỗ trợ số tiền 20% mà bảo hiểm không thanh toán, đồng thời vào tất cả các dịp lễ tết, hay con chị Tú nhập học, bệnh viện đều ghé thăm và tặng quà. Bệnh viện đã hỗ trợ tiền để bệnh nhân xây nhà mới khang trang thay cho nhà tôn cũ dột nát, đồng thời hỗ trợ cả các vật dụng trong nhà như giường, tủ, bàn….

 

Bệnh viện đã tích cực điều trị, ghép thận thành công đáp ứng phần lớn các đòi hỏi của người bệnh và gia đình dựa trên khả năng của mình, nhưng gia đình không thỏa mãn, gây áp lực lên Bệnh viện. Ngoài phần chi phí điều trị, ghép thận tại bệnh viện trung ương Huế khoảng 2,5 tỉ đồng, bệnh viện ĐKTP Cần Thơ đã chi gần 500 triệu đồng.

 

Cũng theo bác sĩ Nghĩa thì những đòi hỏi này của bệnh nhân là khó đáp ứng: Đơn khởi kiện ngày 25/6/2013 thì đòi trên 377 triệu cùng nhiều quyền lợi khác. Ngày 28/10/2013 tại phiên hòa giải ông Nguyễn Thiện Trí, đại diện cho bệnh nhân Cẩm Tú lại đòi bồi thường 442 triệu đồng từ khi xảy ra sự cố cho tới nay và yêu cầu trợ cấp hàng tháng 8,2 triệu đồng đến cuối đời với nhiều khoản rất vô lý như tiền thiệt hại chăn nuôi hơn 237 triệu đồng/năm (trên 13 triệu/ tháng). Nhưng thực tế, gia đình sống trên mảnh đất diện tích khoảng 750m² mặt tiền đường liên huyện nhưng thuộc hộ cận nghèo, sống chủ yếu bằng làm chậu cảnh, chỉ chăn nuôi nhỏ không đáng kể.

 

Chánh thanh tra Sở Y tế: Bồi thường thế nào cho thỏa đáng là rất khó

 

Trao đổi với phóng viên Dân trí sáng 30/10 ông Trần Hữu Bình, Chánh Thanh tra Sở y tế cho biết: Việc chị Hứa Cẩm Tú bị cắt hết thận móng ngựa, bây giờ hỏi bồi thường thế nào cho thỏa đáng, tôi cho là rất khó. Nhưng theo tôi, khi xảy ra sự việc, điều cơ bản là bác sĩ, tập thể bệnh viện, ngành y tế Cần Thơ đã biết lấy tính mạng bệnh nhân làm trọng để cứu mạng sống và giúp đỡ gia đình bệnh nhân.

  

Ai cũng biết và ngay cả gia đình bệnh nhân Tú cũng hiểu trước khi bị cắt hết thận gia đình rất khó khăn là hoàn cảnh cận nghèo, trong người đang bị thận ứ nước, có nhiều sạn thận mới đến bệnh viện. Trước ca mổ của bệnh nhân Tú, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đã cho siêu âm và chụp CT 16 lát cắt nhưng không phát hiện ra. Rõ ràng, đây là căn bệnh hiếm gặp không ai ngờ được, chỉ đến khi mổ, bác sĩ Trần Văn Nguyên, Trưởng kíp mổ, mới phát hiện thì đã muộn, buộc lòng phải cắt hết thận để cứu bệnh nhân, trong trường đó không cắt hết bệnh nhân sẽ chảy máu và chết trên bàn mổ.

 

Cũng theo ông Bình, nếu yêu cầu của bệnh nhân không hợp lý, bệnh viện không thể đáp ứng được thì khởi kiện là quyền của đương sự. Tôi nghĩ Tòa án là nơi công tâm nhất, vì thế hãy để tòa định đoạt. Nhiệm vụ của bệnh viện là chữa bệnh cho bệnh nhân. Sai sót này là điều bất khả kháng và ngoài ý muốn, nhưng quan trọng là đã biết sửa sai.

 

“Tôi cũng xin nói thêm, bệnh viện là cơ quan Nhà nước, không thể muốn chi thế nào thì chi, dù một đồng tiền lẽ cũng phải hợp lý và có hóa đơn chứng từ rõ ràng. Trong trường hợp này, từ khi xảy ra sự cố đến nay, bệnh viện làm như vậy là có tình có lý lắm rồi, vì thế bệnh nhân cũng nên hợp tác với bệnh viện”, ông Bình nói.

 
Chị Tú bên các con sáng ngày 29/10
Chị Tú bên các con sáng ngày 29/10
 
Cuối năm 2011, bệnh nhân Hứa Cẩm Tú đã bị cắt hết thận móng ngựa, sau đó được chuyển ra Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị và ghép thận. Tháng 7/2012 bệnh nhân Tú được các sĩ ở Huế ghép thận thành công. Từ đó tới nay sức khỏe chị Tú khá tốt, sinh hoạt bình thường.

 
Gần đây nhất là dịp Tết Quý Tỵ, đại diện bệnh viện đến thăm và tặng quà với số tiền 6 triệu đồng và chị Cẩm Tú cho biết: Gia đình chị được Sở y tế, các bác sĩ ở bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ rất quan tâm. Hàng tháng bệnh viện hỗ trợ gia đình chị 3 triệu đồng tiền mặt, 20% tiền thuốc ngoài bảo hiểm, hỗ trợ gạo, tiền học cho con… Trước đó, các bác sĩ đã hỗ trợ cho chị 35 triệu đồng, xây được nhà mới khá khang trang. Anh Trí cũng dự định qua tết sẽ kiếm việc làm trở lại vì từ khi xảy ra sự cố với chị Tú tới nay, anh Trí nghĩ việc ở nhà để chăm sóc chị.

 
Tuy nhiên, đến ngày 24/5 vừa qua, Bệnh viện thông báo ngừng chu cấp tiền cho chị Tú, chỉ hỗ trợ về y tế. Sau đó, bệnh viện đã đưa tiếp tiền trợ cấp trong tháng 6 là 3 triệu đồng. Ngày 27/6, bệnh nhân Cẩm Tú khởi kiện và ngày 28/10, Tòa án Nhân dân Quận Ninh Kiều đã đứng ra hòa giải giữa gia đình bệnh nhân Cẩm Tú và bệnh viện ĐK TP Cần Thơ nhưng không thành.
 
Phạm Tâm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm