Đại biểu Quốc hội TPHCM ước bệnh viện công được như bệnh viện tư
(Dân trí) - "Tôi ao ước bệnh viện công có được cơ chế hoạt động như bệnh viện tư, được định đoạt mọi thứ" - bà Phạm Khánh Phong Lan, thành viên đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM chia sẻ.
Ngày 7/10, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đã có buổi làm việc với Sở Y tế TPHCM và 25 bệnh viện, các số Sở ngành liên quan về vấn đề thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện công lập trên địa bàn trong giai đoạn 1/1/2020 - 30/6/2022.
ĐBQH TPHCM: Ao ước bệnh viện công được như bệnh viện tư
Sau khi nghe đại diện các bệnh viện nêu ý kiến, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan nhận thấy, TPHCM vẫn đang loay hoay làm sao thực hiện được việc xã hội hóa để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhưng vẫn phải giữ được sự công bằng và định hướng xã hội xã hội chủ nghĩa.
Về vấn đề sửa luật Khám chữa bệnh, bà Lan phân tích, gần 20 năm Việt Nam thực hiện tự chủ nhưng vẫn chưa có một tổng kết chính thức về những mặt lợi, hại, không có cơ sở nào để đưa vào luật. Bản thân những điều luật của ngành y tế cũng có tính chất rất đặc biệt so với các luật khác. Thậm chí, ngay cả luật Khám chữa bệnh 2009 vẫn chưa được áp dụng hết.
"Chúng ta nên tìm một hình mẫu nào đó gần gũi, tương đồng để học tập, đừng tìm kiếm xa xôi. Và bệnh viện công cần ra công, tư cần ra tư... Cái gì cũng muốn, vừa muốn bệnh nhân được chăm sóc tốt nhất nhưng giá cả phải thấp nhất. Như vậy sẽ triệt tiêu sự phát triển của bệnh viện" - bà Phong Lan nói.
Bà Lan đặt câu hỏi, bản thân lãnh đạo các bệnh viện không quyết định được về tài chính, giá không tự định được, tuyển dụng cũng không phải như mình mong muốn, thế thì tự chủ bằng cách nào?
Về vấn đề đấu thầu, thành viên đoàn ĐBQH TPHCM nhận định, chính việc chạy theo giá rẻ đã làm mất thời gian, mất công sức và mất cả con người.
"Tôi ao ước bệnh viện công lập có được cơ chế hoạt động như bệnh viện tư, được quyền tự định đoạt mọi thứ... Không thể đòi hỏi câu chuyện đã ngon, bổ lại rẻ được. Thay vì làm sao tăng cường nguồn thu để cân bằng quỹ, chúng ta lại chọn cái dễ nhất là siết lại về giá" - bà Phong Lan tiếp tục chia sẻ.
Cũng theo bà Lan, nếu cứ như tình trạng như hiện nay sẽ khiến người dân không được công bằng khi khám chữa bệnh, bản thân nhân viên y tế sẽ không được bảo vệ, rất dễ bị sai phạm và trả giá. Do đó, cần có giải pháp xử lý, xuất phát từ thực tế những người đang làm.
TPHCM mong được thí điểm xử lý các vấn đề nóng
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế khẳng định, dù có phát triển thế nào, xã hội hóa thế nào thì ngành y tế luôn phải đảm bảo việc người giàu và người nghèo đều được chăm sóc sức khỏe tốt, hay như ông ví von là "cùng đi trên chiếc máy bay hiện đại".
Thứ hai, phải đảm bảo sự công bình giữa các nhân viên y tế với nhau. Ông Thượng đặt vấn đề, hiện nay ở các cơ sở y tế công lập đã có sự chênh lệch thu nhập, cho dù năng suất lao động chưa chắc đã nâng lên. "Một nơi chênh lệch thu chi ngàn tỷ, một nơi thu chi âm, liệu ngân sách có cách nào để hỗ trợ việc này hay không?" - ông Thượng nói.
Ngoài ra, lãnh đạo ngành Y tế TPHCM bày tỏ sự cần thiết sớm sửa luật Khám chữa bệnh, đồng thời mong muốn Quốc hội hãy ra Nghị quyết để cho TPHCM làm thí điểm xử lý các vấn đề nóng.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, đoàn ĐBQH TPHCM nhận định, có rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong vấn đề tự chủ tài chính và mua sắm trang thiết bị y tế.
Bà Tuyết chia sẻ, nhờ thực hiện tự chủ đã giúp cho TPHCM thời gian qua làm được nhiều việc ở các bệnh viện công. Nhưng điều này chỉ được tính trong điều kiện bình thường, nên khi xảy ra dịch bệnh, các đơn vị đã lâm vào khó khăn.
Bà Tuyết đánh giá, việc tự chủ ở ngành giáo dục hiện đang thực hiện thoáng hơn, còn ngành y tế muốn làm gì cũng phải xin. Sắp tới, đoàn ĐBQH TPHCM sẽ kiến nghị để có luật cho các đơn vị sự nghiệp, làm cơ sở để ban hành các thông tư liên quan đến việc tự chủ, hỗ trợ các đơn vị vận hành.
Đại diện đoàn ĐBQH TPHCM đề nghị, khi các đơn vị y tế gửi các đề án về tự chủ, Sở Tài chính cần nhanh chóng phê duyệt, hỗ trợ để giúp các đơn vị sớm hoàn tất. Với Cục thuế TPHCM, đề nghị xem xét việc miễn giảm thuế cho các bệnh viện theo chính sách mà Nhà nước đã cho phép.
Đoàn cũng sẽ kiến nghị đến Sở Tài nguyên - Môi trường và các đơn vị liên quan tìm cách giải quyết việc sữa chữa cơ sở hạ tầng mà Bệnh viện Mắt TPHCM chia sẻ khó khăn. Đồng thời, đoàn ĐBQH ghi nhận các góp ý về luật Đấu thầu, luật Khám chữa bệnh để nghiên cứu, từ đó có ý kiến khi thông qua dự thảo luật mới.