1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

85% người tiêu dùng phát hiện thực phẩm bẩn không tố giác

(Dân trí) - TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, một điều tra xã hội học do Bộ Y tế phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện cho thấy, gần 85% người tiêu dùng phát hiện hành vi vi phạm ATTP nhưng không tố giác.

TS Phong (ảnh) cũng chia sẻ với báo chí xung quanh câu chuyện, làm thế nào để giảm tới mức thấp nhất những rủi ro về an toàn thực phẩm.

85% người tiêu dùng phát hiện thực phẩm bẩn không tố giác - 1

 

Thưa ông, thời gian gần đây, con số bệnh nhân ung thư tăng lên, những câu chuyện về tình trạng mất an toàn thực phẩm vẫn diễn ra hàng ngày khiến người dân vô cùng lo ngại, không biết ăn gì để không bị ung thư? Những chia sẻ, lo lắng về tình trạng ăn cũng chết (vì sợ ung thư), không ăn cũng chết là rất phổ biến.

Trước hết phải khẳng định, có nhiều nguyên nhân gây ung thư. Như ung phổi phần nhiều là do thuốc lá, ung thư gan phần lớn do rượu, ung thư cổ tử cung, ung thư vú và nhiều loại ung thư khác... có sự sai lệch về gen, yếu tố di truyền. Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, có nhiều loại ung thư liên quan đến thực phẩm, trong đó có nguyên nhân do thực phẩm chưa đảm bảo an toàn và cả nguyên nhân do chế biến, thói quen ăn uống.

Nhưng chúng ta không thể ngừng ăn, ngừng uống để phòng ngừa ung thư. Vì thế, việc tìm nguồn thực phẩm an toàn, đảm bảo là rất quan trọng.

Người dân có thể lựa chọn thực phẩm an toàn ở đâu? Như thế nào để giảm nguy cơ mất an toàn thực phẩm, thưa ông?

Các sản phẩm nông nghiệp đã được cấp chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt, như cơ sở được chứng nhận sản xuất rau an toàn là những cơ sở đáng tin cậy. Các sản phẩm đã được công bố tiêu chuẩn, được bày bán ở nơi đảm bảo vệ sinh như thực phẩm bao gói sẵn cũng đáng tin cậy; thịt gia cầm, gia xúc có nguồn gốc xuất xứ, kiểm dịch là đáng tin cậy.

Tuy nhiên những rủi ro do sử dụng sản phẩm thực phẩm là khó tránh. Như ngay tại các nước phát triển, các sản phẩm đã được cơ quan quản lý nhà nước cho phép lưu hành nhưng trong quá trình sản xuất, lưu thông, bảo quản, thậm chí kể cả quá trình lưu trữ ở gia đình trước khi sử dụng không bảo quản tốt có nguy cơ không an toàn cho người sử dụng.

Vì thế, để đạt được mong muốn giảm đến mức thấp nhất nguy cơ rủi ro sử dụng sản phẩm không an toàn cần phải có sự cộng đồng của cả cơ quan quản lý, nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Thưa ông, nhiều người dân vẫn hoài nghi, cho rằng ăn rau, thực phẩm siêu thị chắc gì đã an toàn, chỉ là để cảm thấy yên tâm hơn. Theo ông, đâu là yếu tố khiến người dân luôn có sự nghi ngại về tính an toàn kể cả với những sản phẩm, cơ sở được chứng nhận?

Chứng nhận của cơ quan quản lý nhà nước là đảm bảo, nhưng trong thực tế, có những cửa hàng, cơ sở khi được cấp chứng nhận này lại kinh doanh không nghiêm túc. Như có cơ sở được cấp chứng nhận rau an toàn nhưng trà trộn rau không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khi phát hiện, cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm bởi nó làm mất lòng tin rất lớn đối với người tiêu dùng.

Nghị định xử phạt mới rất có tính răn đe bởi nếu mức phạt không tương xứng hành vi sẽ cho phép phạt gấp 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm. Ví dụ, được cấp 1 tạ hàng hóa chứng nhận an toàn nhưng lại lợi dụng làm đến 1 tấn, thì 9 tạ hàng hóa vi phạm có thể bị phạt gấp 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm. Mức phạt rất cao và mang tính răn đe, vấn đề là cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm túc. Được biết, Thanh tra Bộ Y tế đã từng phạt những đơn vị hàng tỷ đồng.

Ông có khuyến cáo gì để người tiêu dùng có thể bảo vệ sức khỏe của chính mình và gia đình?

Người tiêu dùng dứt khoát không mua sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đó vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng phải có trách nhiệm quan trọng, đó là sử dụng sản phẩm đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Trách nhiệm thứ 3 là tố giác, đấu tranh với hành vi vi phạm.

Một điều tra xã hội học do Bộ Y tế phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện cho thấy, gần 85% người tiêu dùng phát hiện ra hành vi vi phạm ATTP mà không tố giác vì ngại va chạm.

Nguyên nhân của vấn đề này là do mối quan hệ họ hàng, tình làng nghĩa xóm hay do nể nang. Tuy nhiên, cần phải thay đổi quan niệm này. Người tiêu dùng có trách nhiệm tố giác và đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật.

Trong khi đó, nếu không có sự tự giác của các nhà sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, một mình cơ quan quản lý rất khó để suốt ngày đêm giám sát. Một cơ sở có thể sản xuất suốt ngày đêm, cơ quan chức năng không thể trông chừng 24/24. Vì thế, để đảm bảo ATTP sự cộng lực của cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng là rất quan trọng.

Tất nhiên, trách nhiệm chính đảm bảo ATTP là do cơ quan chức năng. Tuy nhiên trong một điều kiện như thế này cần sự cộng tác của chính người tiêu dùng giảm thiểu nguy cơ rủi ro ATTP.

Xin cảm ơn ông!

Ngày 10/11 tại Hà Nội Cục An toàn thực phẩm đã tổ chức khai giảng khóa bồi dưỡng nghiệp vụ về thanh tra, chuẩn bị cho việc thí điểm thực hiện công tác thanh tra an toàn thực phẩm đến cấp quận/huyện, xã/phường tới đây tại 10 quận/huyện và 20 xã/phường ở Hà Nội và TP.HCM.  Đây là lần đầu tiên triển khai công tác thanh tra ATTP đến tận quận huyện, xã phường. Thanh tra viên sẽ được sử dụng tất cả quyền lực của 3 cơ quan quản lý trong vấn đề thanh kiểm tra an toàn thực phẩm. Như trước đây, y tế, công thương, nông nghiệp chỉ thanh tra lĩnh vực mình quản lý. Tới đây, một người thanh tra, một tổ, hay một đoàn được kiểm tra hết từ sản phẩm, quy trình liên quan đến cả 3 lĩnh vực này.

Hồng Hải (thực hiện)