1001 chiêu lách luật quảng cáo thuốc lá
(Dân trí) - Tuy không còn rầm rộ quảng cáo qua băng rôn, áp phích, pano… nhưng thuốc lá vẫn được trưng bày khá bắt mắt tại các điểm bán thuốc lá.
90% điểm bán thuốc lá vi phạm
Đến nay, Việt Nam đã hoàn toàn cấm các hoạt động quảng cáo, khuyến mại thuốc lá công khai trên báo đài, truyền hình, pano, áp phích quảng cáo. Tuy nhiên, hình ảnh các loại thuốc lá vẫn đến được với người tiêu dùng bởi các “chiêu” lách luật quảng cáo rất tinh vi. Điển hình nhất là hình thức trưng bày bắt mắt tại các điểm bán thuốc lá. Các điểm bán này đã “lách luật” quy định “tại mỗi điểm bán không được pháp trưng bày quá một bao/gói hoặc trưng bày quá một tút/hộp của một nhãn hiệu thuốc lá” theo thông tư số 78/2008/TT-BVHTTDL.
Điều tra liên tục trong 3 năm (2009 – 2011) do Trường Đại học Y tế công cộng thực hiện tại tại 1.500 điểm bán thuốc lá tại 10 tỉnh, thành trên cả nước cho thấy, tỷ lệ điểm bán vi phạm quy định cấm trưng bày quá 1 bao/tút của một nhãn hiệu thuốc lá chiếm đến hơn 90%. Thậm chí ngay cả khi mức phạt tăng 1,5-2 lần, vi phạm vẫn không giảm.
Theo Thạc sĩ Lê Thị Thanh Hương, điều phối viên dự án Hướng tới một Việt Nam không có quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá, Đại học Y tế công cộng, quy định cho phép trưng bày thuốc lá tại điểm bán chính là kẽ hở để các công ty thuốc lá tiếp tục quảng bá hình ảnh của các loại thuốc lá đến người tiêu dùng.
“Các công ty thuốc lá nghĩ ra đủ chiêu trò để lách quy định trên. Ví dụ, trưng bày nhiều sản phẩm của một nhãn hiệu thuốc lá tạo thành các điểm quảng cáo hấp dẫn, dễ nhận biết tại điểm bán.
Thậm chí thuốc lá được trưng bày lẫn với các sản phẩm thông thường khác như kẹo, bánh… tạo ấn tượng rằng thuốc lá không phải là một sản phẩm độc hại. Điều này vô tình thúc đẩy hành vi mua và bắt đầu hút thuốc ở thanh thiếu niên, tạo ấn tượng rằng việc hút thuốc là được chấp nhận về mặt xã hội và khiến giới trẻ bị lôi cuốn. Ngoài ra, việc trưng bày này cũng làm những người đã cai thuốc có nguy cơ tái nghiện, gợi nhớ đến ham muốn hút thuốc trở lại ở những người đang cố gắng bỏ.
Trong khi những tác hại của thuốc lá chưa đến được với người dân, thì thuốc lá lại dễ dàng được quảng bá tới người tiêu dùng
“Lách luật” dễ dàng
Tuy nhiên, kẽ hở này không những chưa được khắc phục mà đang bị làm yếu đi trong Dự thảo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá.
Cụ thể, điều 25, khoản 1b của Dự thảo Luật có quy định “tại các điểm bán, không được trưng bày quá một bao/một tút/hộp của một sản phẩm của một nhãn hiệu thuốc lá”. Theo thạc sĩ Hương, cụm từ “một sản phẩm” trong quy định này là một kẽ hở rất lớn mà các công ty thuốc lá sẽ khai thác triệt để.
“Trên thực tế, mỗi nhãn hiệu thuốc lá thường có từ 5 đến 10, thậm chí nhiều hơn các loại sản phẩm khác nhau. Vì thế, nếu cho phép trưng bày một bao/ một tút của một sản phẩm của một nhãn hiệu thuốc lá thì mỗi cửa hàng bán lẻ sẽ trưng bày hàng chục loại sản phẩm khác nhau của mỗi nhãn hiệu. Với hàng trăm nhãn hiệu thuốc lá hiện có tại Việt Nam, chúng ta sẽ có hàng ngàn loại sản phẩm thuốc lá được phép trưng bày tại các điểm bán. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng trăm ngàn điểm bán lẻ trên các đường phố của nước ta sẽ trở thành hàng trăm ngàn điểm quảng cáo thuốc lá”, thạc sĩ Hương chia sẻ.
“Với quy định còn nhiều kẽ hở này, các công ty thuốc lá sẽ vẫn tiếp tục khai thác triệt để. Còn các điểm bán thuốc lá thì vì lợi nhuận chắc chắn vẫn vi phạm. Như vậy, mặc dù trong dự thảo Luật chúng ta có quy định cấm quảng cáo các sản phẩm thuốc lá dưới mọi hình thức nhưng các công ty thuốc lá sẽ tận dụng kẽ hở về quy định trưng bày để quảng cáo tràn lan các sản phẩm thuốc lá tại các điểm bán. Như vậy, quy định về cấm quảng cáo thuốc lá sẽ không phát huy được tác dụng như mong muốn của nhà quản lý. Và để tránh kẽ hở này, Điều 25, khoản 1b quy định về trưng bày thuốc lá trong Dự Luật cần bỏ chữ "một sản phẩm" và chỉ cho trưng bày như theo quy định hiện nay (Thông tư 78/2008/TT-BVHTTDL). Ngoài ra, cần có lộ trình tiến tới cấm hoàn toàn trưng bày thuốc lá tại điểm bán”, bà Hương nói.
Bên cạnh “kẽ hở” về quảng cáo, trưng bày trong dự thảo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, nhiều vấn đề khác cũng đang được tranh cãi như quy định về khu vực cấm hút thuốc nhưng được phép bố trí nơi dành riêng cho người hút thuốc, quy định về các hoạt động tài trợ của ngành công nghiệp thuốc lá… Trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Phòng chống tác hại thuốc lá. Hi vọng sẽ có một Luật hiệu quả, nhằm kiểm soát, tăng cường hiệu quả các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam.
Tú Anh