1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bỏ thuốc lá, bác sĩ cũng gặp khó!

(Dân trí) - Thật bất ngờ khi được nghe những chia sẻ rất chân thành của các bác sĩ BV Bạch Mai về tỉ lệ cán bộ y tế hút thuốc và tâm tư của những người trong cuộc tại Hội nghị Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia không thuốc lá 2012 vừa tổ chức mới đây.

Bỏ thuốc lá, bác sĩ cũng gặp khó! - 1
 
Thuốc lá là thủ phạm gây ra nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, tắc động mạch chi (Trích tài liệu của PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng)
 
Bác sĩ cũng bị “dẫn dụ”

 

Bên cạnh những cán bộ y tế bị “vướng” vào thuốc lá do hoàn cảnh và nhanh chóng thoát khỏi nó khi được tiếp cận, nghiên cứu các tài liệu về tác hại của thuốc lá như PGS.TS. Bùi Huy Phú, nguyên trưởng khoa Hô hấp bệnh viện Bạch mai, hay bị “ảnh hưởng” bởi những chia sẻ “Tôi không hiểu sao nhiều bác sĩ, giáo sư cũng hút thuốc lá?” của GS.TS Nguyễn Đình Hường, nguyên Viện trưởng Viện Lao và Bệnh phổi, một trong những chuyên gia tiên phong trong phòng chống tác hại thuốc lá thì vẫn còn tới khoảng 20% sinh viên y hút thuốc và có một tỉ lệ tương tự ở các bác sĩ đang công tác tại một số bệnh viện.

 

Đặc biệt, nhiều chuyên gia kỳ cựu của ngành y tế đã không ngần ngại bày tỏ, dẫn chứng các cá nhân nổi tiếng trong ngành y nghiện thuốc lá nặng và nhấn mạnh, tình trạng tai biến mạch máu não, đột quỵ… của những trường hợp này có sự “đóng góp” rất lớn của thuốc lá.

 

Thậm chí, có những bác sĩ, từng nghiện thuốc lá, chia sẻ rất thật rằng: “Các bác sĩ nghe nhiều về tác hại, biết thuốc lá hôi rình, hút vào thì ho khù khụ, chẳng có lợi gì nhưng vẫn thích nó bởi bị phụ thuộc vào nó (nicotine - PV). Và vì bị phụ thuộc vào nó nên sinh ra tâm lý bất chấp tất cả biển báo cấm hút hay sự khó chịu của cộng đồng và cả sức khỏe bản thân”.
 

 

Bỏ thuốc lá, bác sĩ cũng gặp khó! - 2

Trích tài liệu của ThS. BS Vũ Văn Giáp (Ảnh: Nhân Hà)

 
Theo lý giải của những người trong cuộc, họ hiểu rất rõ tác hại của thuốc lá (như nghiện thuốc lá là một bệnh lý rối loạn tâm thần, chất nicotine trong thuốc lá tương tự như cocain; nghiện thuốc lá gây ra đột quỵ, tai biến mạch máu não, bệnh phổi tắc nghẽn cho bản thân, hen suyễn cho con cháu…) nhưng cũng có tới hàng nghìn lý do khiến họ bị “dẫn dụ” (với những thế hệ lão thành, thuốc lá vốn là một phần thưởng của cơ quan, với những thế hệ sau, thuốc lá tạo cảm giác nam tính, phấn khích, mạnh mẽ, giúp tăng độ tập trung…), trong đó nhiều người thừa nhận họ bị nicotine, một chất gây nghiện được xếp tương đương cocain, “trói chặt” mất rồi.

 

Có lẽ vì thế mà một bác sĩ công tác tại một trong những bệnh viện hàng đầu về hô hấp đã phải ngậm ngùi: “Biết và thực hiện (thay đổi hành vi) là một khoảng cách dài, đầy khó khăn” khi nói về thực trạng hút thuốc của đồng nghiệp.

 

Bỏ thuốc lá, bác sĩ cũng gặp khó! - 3
Trích tài liệu của PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng
 
Bỏ thuốc - Quan trọng là tư tưởng?

 

Chia sẻ kinh nghiệm tư vấn cai nghiện thuốc lá, ngoài việc cung cấp các thông tin hữu ích về tác hại của thuốc lá đối với tim mạch, PGS Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký hội Tim mạch học Việt Nam, Trưởng đơn vị Tim mạch can thiệp, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch mai cho rằng vì “thuốc lá là viên đạn bọc đường” nên chẳng lời tư vấn nào hiệu quả bằng chính thực tế “nước sôi lửa bỏng” của bệnh nhân. Và điển hình của việc “cạch thuốc lá đến già” là trường hợp một bệnh nhân nam 35 tuổi, không có tiền sử bệnh tim mạch ngoại trừ hút thuốc lá (nặng) đã phải nhập viện 2 lần do nhồi máu cơ tim chỉ trong 4 tháng, lần sau nặng hơn lần trước chỉ vì sau lần cấp cứu thứ nhất đã hút thuốc trở lại. 
 

Về tình trạng khó cai thuốc lá, theo ThS. BS Vũ Văn Giáp, Bộ môn Nội tổng hợp, ĐH Y Hà Nội, TT Hô hấp - BV Bạch Mai, nhiều người không vượt qua được cái ngưỡng khó chịu, không thể chịu đựng những tác dụng phụ khi cai thuốc và quay trở lại hút thuốc là vì nghiện thuốc lá là một bệnh rối loạn tâm thần do nicotine “dắt dây”. Điều này có nghĩa khi thực sự bị nghiện thuốc lá, cơ thể sẽ có cảm giác dễ chịu, thoải mái khi được cung cấp đủ nicotine và cảm giác bứt rứt, cáu gắt, mất ngủ… sẽ đeo đẳng khi lượng nicotine trong máu sụt giảm dưới ngưỡng. Do đó, theo ThS. Giáp, cần phải kết hợp tư vấn điều trị (củng cố những tác hại của hút thuốc và những cái lợi khi bỏ thuốc cho người bệnh) và sử dụng thuốc có cơ chế phóng thích chất kích thích dopamin như thuốc lá nhưng lại ức chế sự liên kết giữa nicotine và thụ thể (cơ chế gây nghiện) giúp duy trì nồng độ nicotine trong máu ở mức thấp… theo đơn kê của bác sĩ, từ đó giúp giảm thiểu những hội chứng khó chịu do cai thuốc gây ra, giúp tăng hiệu quả cai thuốc lá.

 

Tuy nhiên, theo PGS.TS Ngô Quý Châu, PGĐ bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội hô hấp Hà Nội, Giám đốc trung tâm Hô hấp, Trưởng bộ môn Nội trường ĐH Y Hà Nội, ngay cả sử dụng loại thuốc mới nhất, hiệu quả nhất hiện nay thì cũng chỉ giúp khoảng 25% bệnh nhân bỏ được thuốc lá.
 
 
Bỏ thuốc lá, bác sĩ cũng gặp khó! - 4

PGS.TS Ngô Quý Châu (bên trái) và ThS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cùng chia sẻ những thông tin hữu ích về tác hại của thuốc lá

 

Do đó, theo các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này, ngoài sự hỗ trợ của pháp luật, vai trò của tư vấn, truyền thông, phổ biến giáo dục về tác hại của thuốc lá tới đối tượng hút thuốc và các đối tượng liên quan (phụ nữ, trẻ em)… phải luôn là những hoạt động can thiệp then chốt. Cụ thể, theo GS.TS Nguyễn Đình Hường, vai trò của truyền thông rất quan trọng, ví như chỉ cần một áp phích có hình ảnh một đôi môi đỏ quyến rũ kèm lời nói: “Hãy hôn một người không hút thuốc lá, bạn sẽ thấy sự khác biệt như thế nào” mà GS mang về từ một hội nghị quốc tế, nhiều sinh viên y, bác sĩ đã bỏ thuốc lá.

 

Còn theo kinh nghiệm thực tế của PGS.TS. Bùi Huy Phú, nguyên trưởng khoa Hô hấp bệnh viện Bạch mai và cũng là người từng hút thuốc, cai thuốc lá quan trọng là tư tưởng, có quyết tâm thì mới thực hiện được. PGS.TS. Hoàng Long Phát lại nhấn mạnh nên chú ý vai trò của phụ nữ, trẻ em trong việc hỗ trợ những người thân trong gia đình bỏ thuốc lá.

 
Bỏ thuốc lá, bác sĩ cũng gặp khó! - 5

Bỏ thuốc giúp giảm tới hơn 60% nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim (trích tài liệu của PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng)
 

“Bỏ thuốc lá không hề dễ chút nào. Lần thứ nhất chỉ cần nói ra là thôi không hút nữa là bỏ được luôn nhưng rồi hút lại lúc nào chẳng biết. Lần thứ 2 thì là do tức câu nói: “Miệng anh lúc nào cũng như cái bát nhang” của đồng nghiệp. Đến lần thứ 3 thì xuất phát từ suy nghĩ nhiều về sức khỏe của mình, sự quan tâm, khích lệ bỏ thuốc lá của con nhưng lúc này không tự bỏ được vì môi trường có khói thuốc rất kích thích người nghiện. Tôi cũng không muốn dùng các loại thuốc thay thế nên đã chọn thuốc ức chế thụ thể. Lần đầu dùng thuốc không thành công vì khi uống khi không. Đến lần thứ 2, đúng đến viên thứ 8 thì bao thuốc nằm im trong túi cả ngày. Lúc này, cộng thêm quyết tâm, tôi bỏ thuốc lá luôn”, TS Phạm Đình Đài, Phó trưởng khoa đột quỵ, bệnh viện 103, người đã từng nghiện thuốc lá tới vài chục năm, bỏ thuốc tới lần thứ 3 mới thành công, chia sẻ rất thật và cũng là lời kết cho một Hội nghị bổ ích không chỉ về mặt chuyên môn nghề nghiệp mà còn thiết thực với chính từng bác sĩ.

 

Trần Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm