1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nhớ một thời cả nước hướng về Thủ đô yêu dấu

(Dân trí) - Tháng 12/2012, ký ức về chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn hào hùng, oanh liệt như cách đây 40 năm tròn.

Ký ức còn mãi

Với mưu đồ biến miền Bắc trở về với thời kỳ đồ đá, Ních-Xơn đã dốc toàn bộ lực lượng, tiềm lực quân sự để xây dựng những "pháo đài bay" trên không nhằm đánh phá Thủ đô và các tỉnh miền Bắc nước ta. Hơn nữa, để gây sức ép trên bàn đàm phán Paris, không lực Hoà Kỳ đã sử dụng toàn bộ B52 (pháo đài bay chiến lược) hiện đại nhất thời bấy giờ để rải bom nhằm giành thế áp đảo trên mặt trận ngoại giao.

Và, một chiến dịch mà tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Ních-Xơn đưa ra với tên gọi “Linebacker II” nhằm huy động toàn bộ lực lượng đánh trả lại các trung tâm đầu não của Việt Nam như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên…đã được thực hiện. Tối 18/12/1972, không lực Hoà Kỳ đã dùng máy bay B52 ném bom vào Hà Nội và Hải Phòng.

Đây là loại máy bay tải trọng 30 tấn bom, có sức công phá khủng khiếp nhất thời đó. Trong 12 ngày đêm (18/12 - 29/12/1972), Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu trọng yếu khác trên miền Bắc nước ta hơn 100 ngàn tấn bom đạn.

Trong đó, tại Hà Nội, Mỹ đã sử dụng 441 lần B52, hơn 1.000 lần máy bay chiến thuật, ném hơn 1 vạn tấn bom đạn, giết hại 2.368 người và làm bị thương 1.355 người. Thậm chí có những gia đình không một ai sống sót. Những con đường, góc phố Khâm Thiên, bệnh viện Bạch Mai, Gia Lâm, Đông Anh… còn đó bao dấu tích của 12 ngày đêm rực trời Hà Nội năm xưa.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng đến bây giờ, ký ức của trận chiến kinh hoàng ấy vẫn vẹn nguyên. “Ngày ấy, B52 thả nhiều lắm, dữ dội lắm. Nhà tôi gần bệnh viện Bạch Mai nên cũng bị máy bay B52 rải bom tàn phá. Ngày đó không đi sơ tán kịp thì cũng bị bom Mỹ sát hại. Sau này, về lại Hà Nội thấy cảnh tan hoang, hàng xóm có người thân mất mát sau 12 ngày đêm ấy mới thấy tội ác của Mỹ không thể tha thứ được. Bây giờ, sống trong cảnh thanh bình nhưng mỗi khi đài báo đưa tin nói về chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, tôi vẫn không thể quên được ký ức về hình ảnh của Hà Nội bi thương nhưng oai hùng ngày ấy” - bà Nguyễn Thị Nụ (80 tuổi) hiện nay sống ở phố Phương Mai, quận Đống Đa (Hà Nội) nhớ lại.

Bảng ghi hoạt động của máy bay B52.
Bảng ghi hoạt động của máy bay B52.

Cũng như bà Nụ, hàng triệu người dân Thủ đô ngày ấy đã trải qua ký ức 12 ngày đêm khói lửa, từng chứng kiến cảnh đổ nát, điêu tàn trong bom đạn B52 mà giặc Mỹ gây ra. Họ có thể là những cựu quân nhân, là những người phụ nữ ở lại cùng với bộ đội bám trụ để “sống chết với Thủ đô”, là những em bé ra đời đúng vào thời khắc của những ngày tháng mười 12 để rồi phải sống trong mùi bom do Mỹ ném xuống, là những cặp vợ chồng trẻ vừa mới cưới nhau đành phải tạm chia tay để chồng ra mâm pháo canh giữ bầu trời Hà Nội…

Bảo tàng chiến thắng B52 - chứng tích của 12 ngày đêm khói lửa

Ngày chiến thắng, có những người vợ mất chồng, con mất cha rồi côi cút tất cả. Có lẽ, không chỉ thế hệ sau này không được sinh ra trong thời khắc 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972 mà còn cả những người từng sống, chiến đấu vào thời kỳ ấy vẫn không quên ký ức tàn khốc mà B52 trải thảm ném bom miền Bắc. Và, hôm nay, những gì còn sót lại sau chiến tranh, những gì được coi là minh chứng tội ác của giặc Mỹ vẫn còn đây giữa lòng Hà Nội.

Một ngày đầu tháng 12, giữa bảo tàng chiến thắng B52, những hiện vật hiện lên trong mắt khách tham quan từ mọi miền Tổ quốc với bao nỗi căm hờn lẫn với khâm phục ý chí của quân và dân Thủ đô một thời. Với bao hiện vật được lưu giữ đầy đủ tại đây là niềm tự hào chiến thắng và cũng là một chút ký ức để lại trong lòng người dân Hà Nội một thời đau thương.

40 năm trước, cả nước thắt lòng hướng về Hà Nội. Mỗi chiếc B52 của không quân Hoa Kỳ rơi là hàng triệu trái tim đồng bào cả nước rung lên hồi chuông hạnh phúc.

Chiếc B52 cuối cùng bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội được lưu giữ tại Bảo tàng chiến thắng B52.
Chiếc B52 cuối cùng bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội được lưu giữ tại Bảo tàng chiến thắng B52.

Dịp này, vào thăm bảo tàng chiến thắng B52 trên phố Đội Cấn, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến một Hà Nội 40 năm về trước trong 12 ngày đêm với đầy đủ sa bàn điện tử hiện đại tái hiện lại không gian chiến đấu quyết liệt của quân và dân bảo vệ bầu trời Hà Nội bằng gần 9.000 hiện vật được lưu giữ. Mỗi hiện vật, mỗi bức ảnh là một lời nói cho chứng tích những gì đế quốc Mỹ đã gây ra tội ác vào 12 ngày đêm năm 1972, là tiếng cười chiến thắng của quân và dân Thủ đô năm nào giờ vẫn còn nguyên giá trị.

“Mỗi lần vào bảo tàng là thấy thêm yêu Hà Nội, thêm yêu Thủ đô! Dù mình không phải là người con sinh ra ở Hà Nội nhưng vào đây với bảo tàng, tôi như được sống trong không khí cả nước hướng về Thủ đô năm nào. Giờ mình là thế hệ sinh sau nhưng khi được sống và làm việc ở Thủ đô mới thấy quý trọng những gì mình đã gắn bó với Hà Nội gần 10 năm qua, thấy cảm phục tinh thần 12 ngày đêm của thế hệ đi trước đã bám trụ để bảo vệ trái tim của Tổ quốc” - anh Dương Văn Hậu, một người con xứ Nghệ nay sống và làm việc tại Hà Nội tâm sự.

Ngọc Thái - Nguyễn Duy