1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Vụ "xưởng in" tiền giả ở TPHCM: Mỗi tờ A4 in được 4 tờ 500.000 đồng

Hoài Sơn

(Dân trí) - Liên quan vụ phát hiện "xưởng in" tiền giả ở TPHCM từ các đối tượng tiêu thụ tiền giả tại Đà Nẵng, cơ quan công an vừa khởi tố thêm một bị can 17 tuổi.

Ngày 29/12, qua điều tra mở rộng vụ sản xuất, tàng trữ, lưu hành hơn 1,3 tỷ đồng tiền giả tại TPHCM, Công an TP Đà Nẵng vừa ra quyết định khởi tố thêm bị can Huỳnh Hoàng Thương (17 tuổi, trú huyện Bình Chánh, TPHCM) về hành vi làm, tàng trữ tiền giả.

Vụ xưởng in tiền giả ở TPHCM: Mỗi tờ A4 in được 4 tờ 500.000 đồng - 1

Huỳnh Hoàng Thương bị khởi tố về hành vi làm, tàng trữ tiền giả (Ảnh: Anh Khanh).

Thương khai nhận, từ tháng 11, Thương cùng với đồng bọn sản xuất tiền giả tại nhà số 11 đường Hải Đường, khu dân cư Phong Phú (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM).

Công an xác định Thương đã làm ra khoảng 1.200 tờ tiền giả có mệnh giá 500.000 đồng, tương đương với 600 triệu đồng.

Trước đó, Công an Đà Nẵng đã bắt giữ Đoàn Văn Dương (33 tuổi), Hồ Văn Tiện (34 tuổi, cùng trú huyện Thăng Bình, Quảng Nam), Nguyễn Như Phú (53 tuổi), Nguyễn Thị Cẩm Duyên (34 tuổi, cùng trú huyện Bình Chánh, TPHCM) về hành vi làm, tàng trữ tiền giả.

Tang vật thu giữ là hơn 1,3 tỷ đồng tiền giả loại mệnh giá 500.000 đồng, 3 gói ma túy, 3 cây súng ngắn tự chế, 8 viên đạn và 1 quả lựu đạn.

Vụ xưởng in tiền giả ở TPHCM: Mỗi tờ A4 in được 4 tờ 500.000 đồng - 2

Các đối tượng trong đường dây sản xuất và tiêu thụ tiền giả do Huỳnh Quốc Thái cầm đầu (Ảnh: Anh Khanh).

Đồng thời, công an cũng ra thông báo truy tìm ông "trùm" cầm đầu đường dây này là Huỳnh Quốc Thái (33 tuổi, trú huyện Cai Lậy, Tiền Giang).

Thái là đối tượng chủ mưu, đầu tư máy scan, máy in màu, máy cắt, máy dập, máy tính, mua giấy in tiền, giấy ni lông và hướng dẫn cho Duyên, Phú cách tạo ra phôi tiền.

Trong đó, Thái scan các tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng lên máy tính để Duyên in tiền lên 2 mặt giấy A4. Mỗi tờ giấy A4 in được 4 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng.

Với tốc độ làm việc bình thường, trung bình mỗi ngày, nhóm này in khoảng 300 tờ A4, tức 1.200 tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng, tương đương 600 triệu đồng.

Vụ xưởng in tiền giả ở TPHCM: Mỗi tờ A4 in được 4 tờ 500.000 đồng - 3

Một số máy móc bên trong "xưởng in" tiền giả (Ảnh: Anh Khanh).

Sau đó, Thái chuyển các tờ tiền in ra để Phú và một đối tượng khác thực hiện các bước tiếp theo như đục lỗ, cán màng, đánh bóng để tạo nên các tờ tiền giả "thành phẩm".

Đặc biệt, để che giấu việc làm phi pháp của mình, Thái thường xuyên thay địa điểm đặt "xưởng in" tiền giả, chọn các khu vực giáp ranh, tập trung đông công nhân, người lao động lưu trú để dễ trà trộn và chỉ thuê mỗi nhà không quá 3 tháng.

Đối tượng này cũng không đăng ký tạm trú tại bất kỳ chỗ ở nào, đồng thời dùng giấy tờ giả để mở tài khoản ngân hàng và dùng sim rác, bộ đàm để liên lạc.

Tại "sào huyệt", Thái lắp đặt nhiều camera xung quanh nhà để cảnh giới. Nhằm tránh sự nghi ngờ của hàng xóm, các đối tượng tăng cường hoạt động vào ban đêm.

Đối với nhóm tiêu thụ là Dương và Tiện, cả hai che biển số xe, đeo khẩu trang, dùng sim rác liên hệ với những người bán hàng qua mạng để gặp trực tiếp giao dịch tiền giả.

Khuyến cáo người dân về thủ đoạn tiêu thụ tiền giả

Mới đây, Sở Công Thương TP Đà Nẵng đã khuyến cáo người dân trước hành vi tiêu thụ, lưu hành tiền giả tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn.

Vụ xưởng in tiền giả ở TPHCM: Mỗi tờ A4 in được 4 tờ 500.000 đồng - 4

Sở Công Thương TP Đà Nẵng khuyến cáo người dân cẩn trọng trước hành vi tiêu thụ, lưu hành tiền giả tại các chợ (Ảnh: Hoài Sơn).

Theo Sở Công Thương, nếu phát hiện đối tượng nghi vấn có hành vi tàng trữ, vận chuyển, lưu hành, tiêu thụ tiền giả, người dân kịp thời quay phim, chụp ảnh người và phương tiện khả nghi để báo ngay cho cơ quan công an gần nhất điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Sở Công Thương cũng khuyến khích người dân tăng cường việc thanh toán qua các ứng dụng điện tử tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn thành phố nhằm chống hành vi tiêu thụ tiền giả.